Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá, sử dụng cán bộ hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”,“công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, nên trong công tác cán bộ “phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ”; “phải trọng nhân tài”.

Bác Hồ với các Anh hùng và Chiến sĩ Thi đua miền Nam.
Đánh giá và sử dụng cán bộ theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Để có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ tầm, đảm đương và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, vì Đảng, vì dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ cần:

Một là, “phải biết rõ cán bộ”, đánh giá đúng cán bộ. Hồ Chí Minh cho rằng, cứ mỗi lần xem xét lại cán bộ, “một mặt sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”. Đánh giá đúng cán bộ không chỉ nhằm phát hiện cái hay của họ để khuyến khích, phát huy mà còn nhằm thấy cái dở để góp ý, để tìm cách giúp đỡ họ sửa chữa, khắc phục. Khi đánh giá cán bộ, Bác yêu cầu những người làm công tác cán bộ phải có quan điểm biện chứng, nhìn mọi sự vật, hiện tượng đều không ngừng biến đổi. Đánh giá cán bộ cũng như vậy, “có người khi trước theo cách mạng mà nay phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng sau này có thể phản cách mạng”; “Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”. Vì thế, khi xem xét, đánh giá cán bộ, “quyết không nên chấp nhất” mà phải có cái nhìn toàn diện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhận xét cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài của họ, mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm của họ, mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm, mà phải thấy rõ lịch sử của họ”. Có cái nhìn toàn diện như vậy, ta mới có thể đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan. Bác nhắc, có không ít bệnh đã xuất hiện khi tiến hành đánh giá cán bộ, chẳng hạn “tự cao tự đại; ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau”. Đây là những căn bệnh làm cho người làm công tác cán bộ mắt không còn sáng nữa, “mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”.

Để công tác đánh giá cán bộ được đúng đắn và khách quan, thì những người làm công tác cán bộ, những người được tham gia đánh giá cán bộ, khi đánh giá, xem xét cán bộ còn phải “tự biết mình”, tức là biết được sự phải trái của mình, đã không tự biết mình thì khó mà biết người. Vì theo Hồ Chí Minh “muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”. Phải biết, hiểu rõ cán bộ để nhìn thấy và khơi dậy những điểm tốt, điểm mạnh cũng như nhận ra những điểm yếu của cán bộ, qua đó đưa ra cách sử dụng cán bộ cho phù hợp với trình độ và khả năng của họ.

Hai là, “phải có gan cất nhắc cán bộ”, “cất nhắc cán bộ phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái”. Có gan đề bạt cất nhắc là không sợ người được đề bạt cất nhắc sẽ vượt mình. Có gan không có nghĩa là làm nóng vội, làm ẩu, làm liều, càng không vì danh lợi của mình mà cất nhắc cán bộ. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, vì tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy”. Tin tưởng trao việc cho cán bộ, “thả cho họ làm”, “thả cho họ phụ trách”, không bao biện làm thay. Có như vậy, họ mới phấn khởi, mạnh dạn, tin vào năng lực của mình, dám làm dám chịu trách nhiệm, vượt qua khó khăn để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong cất nhắc cán bộ, Hồ Chí Minh chỉ rõ “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”. Đồng thời, trước khi cất nhắc cán bộ cần phải xem xét người được cất nhắc một cách toàn diện, trên tất cả các mặt, Người căn dặn “chẳng những xem công tác của họ, mà còn phải xem xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối vớ người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không”, không chỉ xem xét một việc của họ làm, “mà phải xem xét công việc của họ từ trước đến nay”.

Khi cất nhắc cán bộ nên “chọn những người liên lạc mật thiết với quần chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn chú ý đến lợi ích của quần chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ là người lãnh đạo của họ”. Kiên quyết không chọn “những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục vụ lợi ích của bộ phận mình” và trước khi cất nhắc cần phải xem xét kỹ lưỡng, “cất nhắc cán bộ không nên làm như “giã gạo”, nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ, nên khi họ mắc sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ khá lại cất nhắc lên, làm như thế, “một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”.

Trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra những yêu cầu người lãnh đạo, quản lý không phạm chứng bệnh: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, vì cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực; Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”, nếu làm như vậy, “kết quả những người kia sẽ làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng ngày càng hư hỏng”, không “cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái”. “Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”.

Ba là, “phải khéo dùng cán bộ”, dùng người đúng chỗ, đúng việc. Hồ Chí Minh căn dặn, trong công tác cán bộ phải “khéo dùng người”, hay nói cách khác là phải có nghệ thuật dùng người, phải dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường, làm cho cán bộ vui vẻ, thoải mái, yên tâm công tác và hăng hái thi đua cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng. “Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một cơ thất bại”! Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài ví như “thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng túng”. Người cho rằng phải biết chăm lo phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Để làm được điều đó, Bác nhắc người lãnh đạo, quản lý cần thực hiện 5 Phải: “Phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể có thái độ và tinh thần chí công vô tư đối với cán bộ, không có thành kiến, khiến cán bộ không bị bỏ rơi; Phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gũi với những người mà mình không ưa; Phải có tính chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những cán bộ còn kém, giúp cho họ tiến bộ; Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà cách xa cán bộ tốt; Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, cán bộ mới vui lòng gần gũi mình”.

Bốn là, “phải chống cục bộ, địa phương, hẹp hòi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tác hại của bệnh hẹp hòi, địa phương cục bộ làm mất nhân tài, giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng. Theo Người, những bệnh chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi… mà biểu hiện đó là, “chỉ chăm chú đến lợi ích của địa phương mình mà không nghìn đến lợi ích của toàn bộ”, “không bằng lòng để cấp trên điều động cán bộ...”, còn có tư tưởng “Ai hẩu (hợp) với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu (hợp) với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe”... Làm vậy sẽ “mất cán bộ, kém nhất trí. Đó là chứng bênh rất nguy hiểm”. Người phê bình nghiêm khắc tệ “kéo bè kéo cánh”,“xu hướng cá nhân, bản vị, địa phương” trong công tác cán bộ, Người chỉ rõ, “có đồng chí còn giữ thói “một người làm nên cả họ được nhờ”, đem bà con bằng hữu vào chức này việc kia, làm được, không được mặc kệ. Hỏng việc đã có đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”. Tệ này phát sinh từ bệnh bè phái, ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau; ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là người xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. “Thậm chí có nơi, có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia. Còn có đồng chí chỉ lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư… dư luận chê bai thế nào cũng mặc”… Những khuyết điểm này, theo Bác nó rất tai hại, nó làm Đảng mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình, làm hại sự thống nhất, làm mất sự thân ái, đoàn kết đồng chí, gây ra những mối nghi ngờ, mất niềm tin nên phải chữa cho “tiệt nọc”.

Năm là, “yêu thương, giúp đỡ cán bộ”, nhưng phải tránh “vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm”. Theo Hồ Chí Minh, trong sử dụng thì phải yêu thương cán bộ, nhưng “yêu thương cán bộ không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc”, thương yêu cán bộ “là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm sóc, gia đình họ khỏi khốn quẫn”. Thương yêu cán bộ còn là luôn chú ý đến công tác của họ, hễ thấy có khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay. "Người đời ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm”. Đối với cán bộ mắc sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục để giúp họ sửa chữa, phải có thái độ thân thiết, giúp đỡ và động viên họ hăng hái tiến lên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lỗi lầm có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại”. Khi xử lý, “cần phải phân tích rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xem xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”. Vì vậy, yêu thương giúp đỡ cán bộ là giúp cán bộ sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế, phát huy những ưu điểm, nhưng đồng thời phải giữ nghiêm kỷ luật để tạo nên sức mạnh, sự đoàn kết nhất trí trong Đảng.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá và sử dụng cán bộ 

Từ ngày thành lập Đảng, nhất là khi thực hiện đường lối đổi mới (12-1986) đến nay, Đảng ta luôn coi “cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng”[18]. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ và đã đề ra những định hướng lớn trong đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ như: Đổi mới quan điểm và phương pháp đánh giá cán bộ, bảo đảm thật sự dân chủ, với một quy trình chặt chẽ. Bố trí cán bộ: Phải từ lợi ích chung của cách mạng, từ chính sách cán bộ thống nhất của Đảng mà lựa chọn cán bộ một cách công minh. Chống tệ quan liêu, cửa quyền trong công tác lựa chọn, bố trí cán bộ. Quy định phân công, phân cấp quản lý cán bộ, xác định quyền hạn, trách nhiệm, các mối quan hệ giữa cơ quan Đảng và Nhà nước, ngành và địa phương, cấp trên và cấp dưới, xác định quy trình lựa chọn, đánh giá, đề bạt, điều động, làm cho việc quản lý cán bộ đi vào quy chế và nền nếp.

Trong những năm đổi mới, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã cụ thể hóa tiêu chuẩn đối với từng đối tượng cán bộ, một số nơi đã xây dựng được tiêu chuẩn chức danh cho cán bộ ngành, địa phương, đơn vị để làm cơ sở đánh giá cán bộ. Một số nơi có cơ chế để nhân dân tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ, từng bước khắc phục tình trạng nể nang. Phần lớn các tổ chức cơ sở đảng đã thực hiện đúng công tác cán bộ theo phân cấp quản lý, tiến hành bổ nhiệm, sử dụng cán bộ cho hệ thống tổ chức của mình theo đúng quan điểm của Đảng, quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, đánh giá cán bộ là khâu khó và yếu nhất. nhiều nơi trong đánh giá cán bộ vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất, đánh giá cán bộ ở nhiều nơi chưa lấy hiệu quả làm thước đo, còn cám tính, hình thức, xuê xoa, chiếu lệ, thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần xây dựng. Công tác đánh giá cán bộ có lúc, có nơi làm chưa đúng, chưa sát, chưa đầy đủ. Không ít tổ chức cơ sở đảng, nhận thức lệch lạc, thiếu công tâm, khách quan trong công tác cán bộ. Quy trình, phương pháp đánh giá, quy hoạch, bố trí sử dụng, luân chuyển chưa thật khoa học, dân chủ, công khai. Trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ còn có không ít hiện tượng “tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”. Việc luân chuyển, bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu…

Từ thực tiễn trên, nhằm thực hiện tốt công tác đánh giá, sử dụng cán bộ hiện nay,  cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, Xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá có tính định lượng, phải được cụ thể hóa cao. Đánh giá cán bộ phải dựa vào các việc làm cụ thể của cán bộ, trách nhiệm của cán bộ ở từng công đoạn, giai đoạn khác nhau, không đánh giá một cách chung chung. Việc lấy phiếu đánh giá cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng cần đánh giá và đối tượng tham gia đánh giá. Công tâm, công bằng, công khai, dân chủ trong đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.

Hai là, Cấp ủy, tổ chức đảng cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó.

Ba là, Đề cao trách nhiệm của câp ủy và người đứng đầu trong công tác bố trí và sử dụng cán bộ. Xây dựng quy trình công tác cán bộ thật sự khoa học. Có chế tài quy trách nhiệm và xử lý những sai phạm đối với người có thẩm quyền trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ.

Bốn là, Ban thường vụ cấp uỷ các cấp chỉ đạo rà soát cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận. Cần nghiên cứu vận dụng nguyên tắc “hồi tỵ” trong cổ luật của Việt Nam vào quy chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử./.
ST.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương sáng về nói đi đôi với làm

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng “nói đi đôi với làm”, cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Ở Hồ Chí Minh lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Hơn nữa, Người nói ít nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức Người không nói mà chỉ làm. Thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức của Hồ Chí Minh, là sự thể hiện tấm gương thực hành đạo đức cách mạng của bản thân.

Hồ Chủ tịch tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tô, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây (1958).
Người thường nhắc nhở: Nói cái gì phải cho dân tin - nói và làm phải nhất quán. Với quan niệm đó, trong suốt cuộc đời mình, Người đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ nói đi đôi với làm. Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh là ở chỗ, nói luôn đi đôi với làm, dù việc lớn hay việc nhỏ, tự mình phải làm gương trước. Tấm gương nói đi đôi với làm của Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ quan niệm của Người, từ lòng dạ trong sáng, chính tâm, thật sự nêu gương của Người. Phẩm chất nói đi đôi với làm Người đã dạy chúng ta về lẽ sống “thật”, đối lập với giả, với dối.

Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh có biết bao câu chuyện cảm động về việc nêu gương, nói đi đôi với làm, tự mình làm trước.

Xuất phát từ truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình, chứng kiến cuộc sống khổ cực của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân Pháp, người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi đi, anh tâm sự với người bạn của mình: “Tôi muốn ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm ăn như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm…Anh muốn đi với tôi không? Khi người bạn hỏi lấy tiền đâu mà đi, anh Thành vừa nói, vừa giơ hai bàn tay: “Đây, tiền đây… Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”.

Câu nói là sự thể hiện quyết tâm và cũng là lời hứa của Người trước vận mệnh dân tộc mình. Với hai bàn tay trắng và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, 5-6-1911, chàng trai xứ Nghệ Nguyễn Tất Thành 21 tuổi đã vượt đại dương với nghề phụ bếp trên tàu để đi khắp năm châu bốn biển, tự kiếm sống, học tập với hoài bão tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Thực tiễn đã chứng minh Người đã làm đúng như những gì Người đã nói. Sau 30 năm bôn ba đặt chân đến gần 30 nước, ngày 28-1-1941, Người trở về Tổ quốc trực tiếp cùng Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Khi nước nhà mới giành độc lập 1945, cách mạng Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn “thù trong, giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã đưa ra những chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời đẩy lùi những khó khăn. Để giải quyết nạn đói trên miền Bắc, Người đề nghị toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói, và Người mẫu mực thực hiện trước: “Lúc chúng ta mang bát cơm lên mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng, vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăm một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.

Nói đi đôi với làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện rất nghiêm túc, mặc dù lúc này sức khỏe Người giảm sút do trải qua trận ốm nặng. Các đồng chí từng phục vụ bên Người kể lại rằng, một lần tướng Tiêu Văn của Quân đội Tưởng Giới Thạch mời Người dự chiêu đãi. Hôm đó, đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn để góp gạo cứu đói, mặc dù các đồng chí phục vụ đã báo cáo phần gạo của Người đã cho vào hũ gạo cứu đói rồi, nhưng Người vẫn quyết định “nhịn ăn một bữa” vào ngày hôm sau.

Năm 1946, để tăng cường sức khỏe cho nhân dân, Bác kêu gọi toàn dân tập thể dục. Bản thân Người là tấm gương “Tự tôi ngày nào cũng tập”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm: tiết kiệm sức lao động, thì giờ, tiền bạc, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không bừa bãi, phô trương hình thức. Bản thân Người đã luôn thực hiện đời sống thanh bạch từ ăn, ở đến các phương tiện sử dụng phục vụ công việc hàng ngày. Đồ dùng cá nhân của Người cũng rất giản dị và tiết kiệm.

15 năm cuối đời, Bác sống ở Phủ Chủ tịch, khi đó kinh tế còn khó khăn, đời sống nhân dân còn thiếu thốn. Bác yêu cầu: Chiều thứ bảy hằng tuần cho Bác ăn cháo để bớt phần gạo cho dân và đề nghị với nhà bếp, cán bộ, nhân dân ăn cơm độn ngô, khoai, sắn bao nhiêu phần trăm thì độn cho Bác bấy nhiêu phần trăm. Bữa ăn của Bác thanh đạm như bữa ăn của bao gia đình người dân: bát canh, quả cà, vài lát thịt kho. Khi ăn cơm, Bác không bao giờ để rơi một hạt cơm, vì Người biết một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người dân. Cố thủ tướng Phạm văn Đồng nói: ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt nào. Bởi Cụ quý và tiết kiệm sức lao động của người làm ra lúa gạo.

Về thăm các địa phương, Người thường không báo trước. Có lần Bác đến thăm công trình thủy lợi Bắc- Hưng - Hải, buổi trưa Tỉnh ủy có mời Bác ăn cơm trưa. Ít ngày sau, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh phụ trách công tác tài chính đến báo cáo công việc với Bác. Sau khi báo cáo xong, đồng chí có nói chuyện riêng với đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký giúp việc cho Bác, đồng chí đã hỏi: Có phải hôm Bác về thăm tỉnh ấy, có thịt bò chiêu đãi? Nghe được câu chuyện giữa đồng chí Hoàng Anh với đồng chí Thư ký. Bác nói với đồng chí Hoàng Anh: Thế thì chú quyết toán cho họ. Vài ngày sau đó khi đi công tác, Bác dặn đồng chí giúp việc chuẩn bị cơm nắm muối vừng mang theo để tránh đón rước linh đình, phiền hà, tốn kém thời giờ và tiền bạc của nhân dân. Tránh tình trạng như hôm ta về thăm tỉnh, họ quyết toán chiêu đãi Bác cả con bò, điều người này, người khác sang chuẩn bị cả buổi. Thế là tự Bác bao che cho chuyện xôi thịt - mà xôi thịt đấy là sự đóng góp của dân mà có.

Về nơi ở, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội, Người không ở căn nhà to lớn của viên toàn quyền Đông Dương, mà chọn ở ngôi nhà của người công nhân thợ điện. Ngôi nhà mà Đảng, Chính phủ định mời Bác ở, Bác nói dành làm nơi đón, tiếp các đoàn khách sang thăm Việt Nam vì nước ta còn nghèo, một mình Bác ở nhà to rất lãng phí. Mùa hè, Miền Bắc oi bức, nhưng Bác chỉ dùng quạt lá cọ để “dành điện phục vụ cho sản xuất, phục vụ sinh hoạt cho nhân dân”. Thương Bác, các đồng chí cán bộ ngoại giao gửi biếu Bác chiếc điều hòa nhiệt độ, nhưng Người không dùng mà đề nghị chuyển chiếc điều hòa ấy cho các đồng chí thương, bệnh binh đang điều trị tại trại điều dưỡng hoặc quân y viện, là những người, những nơi cần hơn.

Về mặc, Người ăn mặc cũng rất giản dị. Mùa đông, Bác Hồ có một cái áo bông của đồng bào biếu Bác, vì dùng nhiều năm nên mền bông bẹp xuống, không còn ấm nữa, nhưng không ai dám nghĩ đến việc xin Bác bỏ mền bông đi, chỉ nghĩ đến việc thay vỏ ngoài. Vì dùng mãi vỏ áo đã đứt chỉ ở khuỷu tay và ở cổ, Bác bảo mang áo lại. Nó rách ở vai thì Bác bảo vá vai, đến khi nó rách hai lần, đồng chí phục vụ xin Bác cho thay vỏ ngoài. Bác bảo: “Này, chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc lớn của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi".

Xúc động hơn cả là bản Di chúc lịch sử Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa cũng được viết ở mặt sau của một tờ bản tin cũ để tiết kiệm giấy.

Không chỉ tiết kiệm trong lối sống của bản thân, ngay cả trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quan tâm làm sao tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời gian. Những năm tháng sống trên chiến khu Việt Bắc, tổ công tác đi theo Bác chỉ có ít người nhưng kiêm mọi công việc. Cách mạng Tháng Tám thành công, trở về Thủ đô nhưng các đồng chí phục vụ Bác ở Phủ Chủ tịch cũng rất ít. Những khi đi công tác xa, Bác thường tạo điều kiện để các đồng chí phục vụ được tranh thủ về thăm gia đình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên mọi người sống trong sạch, không ham tiền tài, danh vọng, không cậy quyền thế mà đục khoét của dân. Cuộc sống giản dị, trong sạch của Người thật sự là tấm gương sống để cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền phải tự soi lại mình.

Nhân dân tỉnh Thái Bình gửi biếu Bác 2 chai nước mắm, Bác san sẻ quà đó với người khác cùng hưởng; hay khi nhận được món quà là hộp mật ong khô rất quý nhưng Người kiên quyết không giữ lại dùng riêng mà yêu cầu đồng chí cấp dưỡng đem nấu chè cho mọi người cùng thưởng thức. Đặc biệt, trong một lần, Người sang thăm Liên Xô, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô gửi tới Bác 4.000 rúp, đồng chí thư ký của Bác 1.000 rúp. Nhưng trước khi rời Mat-xcơ-va, Người đã gửi lại Ủy ban Trung ương Đảng Liên Xô 5.000 rúp đó.
Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tin yêu, quý trọng con người, phải kính già yêu trẻ và Người là tấm gương mẫu mực về điều đó. Trong những năm tháng giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cả nước sống trong không khí khẩn trương, sẵn sàng chiến đấu. Giữa trời hè nóng nực, khi xe đưa Bác đi công tác về qua Quảng trường Ba Đình, nhìn lên nóc nhà hội trường Ba Đình, thấy các đồng chí bộ đội phòng không đang trực chiến trên mâm pháo dưới cái nắng hầm hập, Bác rất thương anh em. Ngay sau đó, Người quyết định dành toàn bộ số tiền nhuận bút của mình bấy lâu trong sổ tiết kiệm gửi Bộ Quốc phòng chuyển tặng các chiên sỹ phòng không để mua nước giải khát...

Thời gian trôi qua, những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “nói đi đôi với làm” vẫn còn vẹn nguyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là tấm gương sáng chói cho mọi thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thanh niên học tập và noi theo./.

ST.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phê bình cho đúng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Tư tưởng phê bình cho đúng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị lý luận, mà còn có giá trị thực tiễn trong công tác xây dựng đảng hiện nay, khi cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đang được tích cực triển khai có hiệu quả.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết tháng 10-1947, Hồ Chí Minh chỉ rõ, tự phê bình và phê bình là cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ; cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Tại tác phẩm này, trong 12 điều về “Tư cách của một đảng chân chính, cách mạng”, có tới 5 điều Bác căn dặn liên quan đến tự phê bình và phê bình

Ngay trong chương đầu tiên của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh viết: “… Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”.

Người chỉ rõ những vấn đề có tính nguyên tắc trong thực hiện tự phê bình và phê bình “theo tinh thần nhân ái và lập trường cách mệnh” đồng thời nêu một tấm gương sáng về tự phê bình và phê bình. Người luôn thật lòng đề nghị và khuyến khích người khác phê bình mình. Tại buổi lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp (tháng 10-1947), Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ "nể Cụ" không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người”. Tư tưởng đặc sắc, nổi bật của Người về tự phê bình và phê bình là “phê bình cho đúng” để “trị bệnh cứu người”, phải tiến hành tự phê bình và phê bình cho đúng.

Vì sao phải tự phê bình, phê bình?

Có ý kiến cho rằng, tiến hành tự phê bình và phê bình là vạch rõ khuyết điểm của Đảng, của Chính phủ, của mình cũng như đồng chí mình, kẻ địch sẽ lợi dụng để phá hoại Đảng. Nhưng Hồ Chí Minh lập luận: làm người khó ai tránh khỏi lỗi lầm, thiếu sót. Đảng ta là một tổ chức chính trị tiên phong của giai cấp công nhân, tập hợp những chiến sĩ trung kiên, thông minh, dũng cảm..., nhưng Đảng cũng từ trong xã hội mà ra, không phải “trên trời rơi xuống” nên không tránh khỏi khuyết điểm, thiếu sót. Người chỉ ra nhiều lý do khách quan, chủ quan dẫn tới nhiều thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí sai lầm của cán bộ, đảng viên. Điều đó là lẽ bình thường, quan trọng là thái độ của những người cộng sản ra sao trước những lỗi lầm mắc phải. Nếu “sợ mất uy tín và thể diện”, không quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, đó là điều bất bình thường. Người khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình thì giống như uống thuốc. Nếu sợ phê bình thì cũng khác nào là có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Như vậy thì bệnh tình lại càng nặng thêm, không chết “cũng la lết quả dưa”. Do vậy, đối với đảng viên, cán bộ mà “nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!”. Do đó, Người chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng”.

Đặc biệt, Người cảnh báo hiện tượng cấp trên, cấp dưới tách biệt nhau. Quần chúng xa rời Đảng. Các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng “không dám nói”, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình vì “họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị "trù" là khác”. Còn quần chúng họ không dám nói ra để trong lòng, rồi sinh uất ức dẫn đến “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng” hoặc “thậm thà, thậm thụt” và hàng loạt thói xấu khác. Vì vậy, mọi người phải tự phê bình ráo riết, mạnh dạn nêu lên những ưu điểm và vạch ra những khuyết điểm của mình; cố gắng sửa chữa và lấy lòng thân ái, lòng thành thật mà phê bình đồng chí mình

Phê bình cho đúng

Để phê bình và tự phê bình đạt được kết quả mong muốn, điều then chốt là phải “phê bình cho đúng”. Phê bình cho đúng chẳng những không làm giảm thể diện, uy tín của người bị phê bình, trái lại, làm cho sức mạnh, uy tín của Đảng và cán bộ, đảng viên tăng lên. Muốn phê bình cho đúng, trước hết phải xác định đúng mục đích và đối tượng phê bình. Phê bình cốt là để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, làm việc cho tốt hơn, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất nội bộ. Phê bình mình cũng như phê bình người khác không phải là dịp để công kích lẫn nhau, nói xấu và bôi nhọ danh dự của nhau. Bản thân mình khi phê bình người khác không phải là soi mói, “bới lông tìm vết” của đồng chí mình để tìm cơ hội “hạ bệ” lẫn nhau. Người chỉ rõ, cần phải tránh triệt để hiện tượng: “Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”. Người xác định đối tượng cần phê bình là công việc chứ không phải phê bình người. Những việc làm sai trái, những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm, khuyết điểm dù đó là của cá nhân hay của tổ chức, dù đó là đảng viên bình thường hay là cán bộ cấp cao đều phải được phê bình một cách kiên quyết và “phải lập tức sửa chữa”. Người nhấn mạnh: Đối với cơ quan lãnh đạo cũng như đảng viên giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể phải gương mẫu trong tự phê bình và phê bình, tuyệt đối không được “phùng mang trợn mắt” làm thui chột tinh thần của đảng viên, quần chúng nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, có thái độ đúng với những khuyết điểm, thiếu sót và tìm ra phương pháp phê bình thích hợp là điểm có ý nghĩa mấu chốt trong nâng cao hiệu quả của tự phê bình và phê bình trong Đảng. Người cũng nghiêm khắc lên án thái độ, cách xử lý không đúng đắn trước những khuyết điểm, thiếu sót của tổ chức đảng hay cán bộ, đảng viên. Khi có người mắc phải sai lầm, khuyết điểm, thái độ đúng của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng là không “đao to búa lớn”, vội vàng chụp mũ cho họ là “cơ hội chủ nghĩa” rồi cảnh cáo, khai trừ một cách áp đặt. Muốn cho họ thành tâm sửa chữa, phải tiến hành giải thích rõ ràng, làm cho họ tự nhận thấy sai sót của mình để vui lòng sửa chữa. Để làm được điều đó, “phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”. Phê bình “khôn khéo” ở đây, theo Hồ Chí Minh, là phải đồng thời vạch rõ ưu điểm và khuyết điểm, tránh dùng những lời mỉa mai, chua cay đâm thọc, không được hữu khuynh “a dua”, “tâng bốc” mà phải phê, tự phê một cách “ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang thêm bớt”.

Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta phải thừa nhận ở một số tổ chức đảng, đoàn thể và một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đấu tranh tự phê bình và phê bình còn nhiều hạn chế. Hội nghị Trung ương Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các
 cấp nhận thức về việc tự kiểm điểm còn nặng tính hình thức, qua loa, chiếu lệ, tự phê bình và phê bình chưa tự giác, chưa gương mẫu và thiếu quyết tâm thực hiện. Một số cán bộ, đảng viên tính chiến đấu yếu, còn tư tưởng “dĩ hòa vi quý”. Chưa nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong các cơ quan, đơn vị theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải có những biện pháp cụ thể:

Đẩy mạnh giáo dục nhằm làm cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình.
 Khắc phục những biểu hiện sai trái trong phê bình và tự phê bình, nhất là tình trạng mất dân chủ, thiếu thông tin, thông tin không chính xác, kịp thời và  thái độ độc đoán, gia trưởng, áp đặt ý kiến cá nhân của người lãnh đạo trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình.

Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình,
 khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh. Cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp; quy định lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, các ngành định kỳ hoặc đột xuất. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, đảng viên, nhất là cho cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, tạo cơ sở nền tảng vững chắc để họ thẳng thắn, thật thà, dũng cảm, có tính khoa học và giàu tính nhân văn, có văn hoá trong đấu tranh tự phê bình và phê bình.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ
, gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII  với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình, để chỉ rõ và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương, đi đầu trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đẩy mạnh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ. 
Đây là kẻ thù bên trong, là nguyên nhân sâu xa suy yếu tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng và xã hội. Củng cố, xây dựng môi trường thật sự dân chủ, có kỷ cương để phát huy tác dụng và thực hiện có nền nếp tự phê bình và phê bình trong các cơ quan, đơn vị. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng mà trước hết là những người lãnh đạo, chủ trì các cơ quan, đơn vị, địa phương phải lấy tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình chính là một trong những phương pháp tốt nhất để mỗi người đề cao trách nhiệm tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Trong đó, phê bình cho đúng là phương thức cơ bản giải phóng mọi tiềm năng của con người.

Thực hiện 
phê bình cho đúng chính là sự thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mỗi chúng ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh phê bình cho đúng luôn mang đậm sắc thái cách mạng, đạo đức và văn minh, mục đích là xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, không phụ niềm tự hào và tin yêu của nhân dân./.
ST.

Vẫn nóng bỏng tính thời sự tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Tháng 10-1947, tại Việt Bắc với bút danh XYZ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành tác phẩm: Sửa đổi lối làm việc. Mục đích của tác phẩm là: Nâng cao trình độ lý luận, tư tưởng và tình cảm cách mạng, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ, năng lực lãnh đạo đáp ứng các yêu cầu mới của cách mạng. Những nội dung của tác phẩm là những căn dặn thiết thực của Người đối với mỗi đảng viên, cán bộ ngày nay.

Về công tác cán bộ

Hồ Chí Minh khẳng định: Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Theo Người: Có cán bộ tốt, việc gì cũng xongNgay từ khi chính quyền cách mạng nhân dân được thành lập, Hồ Chí Minh đã mời những nhân sĩ, học giả, trí thức của xã hội cũ ra làm việc và tham gia vào công tác chính quyền. Tất cả những ai có chuyên môn, cần dùng vào lĩnh vực nào nếu có nhiệt tâm đều được trọng dụng. Đồng thời với đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ cần kiệm liêm chính, chí công vô tư làm công bộc cho dân, Hồ Chí Minh kêu gọi các ngành, các cấp và địa phương tìm và tiến cử nhân tài kiến quốc. Người nhắc nhở: Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, kinh tế, nào quân sự, văn hóa, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: Bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài.

Đối với phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh nêu ra 5 tiêu chí ngắn gọn, súc tích, tiêu biểu của người cán bộ đảng viên gồm: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Phẩm chất đạo đức trên đã thể hiện khái quát các mối quan hệ xã hội của người cán bộ, đảng viên với Tổ quốc, với nhân dân, với đoàn thể và cá nhân.

Việc chọn người và thay người cũng là một khâu quan trọng trong công tác lãnh đạo. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chúng ta phải có kế hoạch, chính sách đối với cán bộ già, cán bộ trẻ. Già làm được việc gì thì giao việc ấy, không thì đối đãi thỏa đáng, cán bộ trẻ có tài, đức thì phải mạnh dạn đề bạt.

Về phương pháp làm việc và kiểm soát của người cán bộ lãnh đạo

Theo Hồ Chí Minh, cần áp dụng những phương pháp sau:

Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào, người lãnh đạo không được quan liêu mà phải căn cứ vào thực tế, nắm chắc hoàn cảnh để xem xét quyết định của mình có hợp lý không. Tiếp theo đó cần phải áp dụng hiểu biết của mình một cách năng động. Sau khi nắm rõ tình hình cần tổ chức bàn bạc một cách kịp thời và dân chủ trong tập thể lãnh đạo. Khi tập thể lãnh đạo đã hoàn toàn thống nhất ý kiến, người lãnh đạo chủ yếu cần phải có lòng tin và quyết đoán đưa ra quyết định cuối cùng.

Phải tổ chức thi hành cho đúng. Công việc khó đạt kết quả tốt nếu chỉ có một người lãnh đạo quyết định. Muốn việc tiến triển tốt và hiệu quả, người lãnh đạo cần tổ chức được lực lượng, đóng vai trò hạt nhân đoàn kết tạo nên sức mạnh thành công.

Phải tổ chức kiểm soát. Người căn dặn: Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành hay không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát, vì vậy người lãnh đạo phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên.

Về nâng cao hiểu biết cả về lý luận và thực tiễn

Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Bác chỉ rõ: Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ, lý luận cốt áp vào công việc thực tế, lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Người cán bộ phải ra sức học tập lý luận, đồng thời luôn luôn biết tổng kết kinh nghiệm trong công tác. Phê bình và tổng kết kinh nghiệm là quy luật phát triển của cách mạng.

Về phương pháp tuyên truyền vận động quần chúng

Người căn dặn: Trước hết là nói, viết sao cho có hiệu quả để ai cũng dễ nghe, dễ hiểu. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng đảng của các cấp.

Theo Hồ Chí Minh, sửa đổi lối làm việc sẽ giúp phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn của đảng cầm quyền. Đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

70 năm đã trôi qua nhưng tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn nóng hổi tính thời sự. Chúng ta đang tích cực thực hiện 2 nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII với nhiều nội dung về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên. Những nội dung trong tác phẩm của Bác là căn cứ để Đảng ta có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, xây dựng Đảng vững mạnh, tiếp tục đưa nước ta ngày một phát triển giàu đẹp, dân chủ, văn minh./.

ST.

Tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phong cách tư duy Hồ Chí Minh gồm nhiều nội dung, trong đó phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình là nét đặc sắc về phong cách tư duy của Người. Phong cách tư duy đặc sắc này có ý nghĩa chỉ đạo hiện thực to lớn đối với các cấp lãnh đạo và đối với mỗi cá nhân chúng ta trong giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp, năm 1959.

Trước hết, sự thể hiện rõ nhất của phong cách tư duy này ở Bác Hồ là người luôn biết xuất phát từ cái chung, nhân loại, từ những chân lý phổ biến để nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn. Người đã từng viết: "Tuy phong tục mỗi dân một khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau: ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ".

Trong công tác đối ngoại, để đàm phán, vận động thuyết phục đối phương đồng thuận, Bác Hồ thường lập luận trên cơ sở nguyên tắc về tính đồng nhất của nguyên lý. Điều này được thể hiện ở nhiều bài nói, bài viết của Người, đặc biệt là trong thư gửi những người bạn Pháp ở Đông Dương năm 1946. Bằng lập luận chặt chẽ, Người đã phân tích một cách sâu sắc cho những người bạn Pháp thấy rõ lòng yêu nước, yêu độc lập tự do của người Pháp và người Việt đều giống nhau. Do đó, các bạn người Pháp ủng hộ lý tưởng độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Bởi vì, đó là lý tưởng của cả người việt và người Pháp. Về vấn đề hệ trọng này, Người đã viết: "Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Các bạn yêu đồng bào của các bạn và muốn họ được tự do... Chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi".

Với phong cách tư duy này, Bác Hồ luôn gắn kết nhuần nhuyễn, biện chứng giữa lý tưởng cách mạng với đạo đức nhân văn. Điều này được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 20-12-1946) của Người. Bản thân Lời kêu gọi có sức mạnh giục giã như lời hịch của núi sông, thôi thúc mọi người cầm vũ khí, đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng lại được viết bằng những lời lẽ rất hòa bình, nhân danh chính nghĩa mà chiến đấu, không hề có một chữ nào nói đến hận thù và chém giết.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Người đã nhiều lần kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng chiến đấu, kiên quyết đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Song trong các lời kêu gọi ấy, Người luôn đề cao tình đoàn kết, lòng biết ơn và sự kính trọng về sự giúp đỡ của nhân dân tiến bộ Pháp và nhân dân tiến bộ Mỹ. Trong nhiều bài nói, bài viết, Người đã chân thành cám ơn hàng vạn thanh niên, sinh viên, hàng ngàn nhà khoa học, văn nghệ sĩ Mỹ đã rầm rộ biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam của Chính phủ Mỹ. Người nhiệt liệt ca ngợi những tấm gương anh dũng hy sinh vì hòa bình của nhân dân Mỹ như cụ bà Henga Hécdơ và các chiến sĩ hòa bình Noman Morixơn, Rôgiơ Lapotơ, Xilin Gian Caoxki. Đặc biệt, Người đã ví sự đoàn kết đấu tranh của nhân dân hai nước Việt - Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam của bè lũ hiếu chiến Mỹ như hai mũi giáp công. Người khẳng định: "Nhân dân Mỹ đánh từ trong ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng".

Với phong cách tư duy có lý có tình, Bác Hồ đã xử lý đúng đắn, hài hòa từ những sự việc trọng đại của đất nước đến những vấn đề cụ thể đối với cuộc sống của mỗi con người. Chính với phong cách tư duy này, Người đã thức trắng trọn một đêm, để đi đến kết luận đúng đắn đối với vụ án tử hình nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu (ngày 5-9-1950). Sự quyết định thấu lý đạt tình đối với vụ án lịch sử này của Người, đã được toàn dân, toàn quân rất đồng tình ủng hộ.

Hiện nay, đất nước ta đã bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH nhằm sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Những yêu cầu nhiệm vụ mới, những thực tiễn mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó học tập và làm theo phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Bác Hồ là nội dung rất quan trọng. Để học tập và làm theo phong cách tư duy đặc sắc này của Người, chúng ta phải tiến hành nhiều nội dung, biện pháp, trong đó, trước hết cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, vận dụng sáng tạo phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong hoạch định các chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận, phương pháp luận đặc biệt quan trọng để Đảng, Nhà nước ta đề ra các đường lối, chính sách, nhất là trong việc hoạch định các chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh không chỉ là nền tảng lý luận mà còn là nội dung quan trọng để vận dụng vào hoạch định các chiến lược phát triển một cách hài hòa, đúng đắn, sáng tạo. Vận dụng phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Bác Hồ trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, chúng ta phải xác định sao cho nền kinh tế luôn phát triển hài hòa, bền vững; phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội; kiên quyết tránh kiểu phát triển kinh tế bằng mọi giá.

Quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh, trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chúng ta còn phải biết gắn kết chặt chẽ giữa chiến lược phát triển kinh tế, xây dựng đất nước với chiến lược bảo vệ Tổ quốc; phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Trong xây dựng các giải pháp, bước đi chiến lược, chúng ta phải xác định cho toàn dân, toàn quân thấy rõ trách nhiệm là, luôn nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vận dụng sáng tạo phong cách tư duy Hồ Chí Minh, nhất là phong cách tư duy uyển chuyển, có lý có tình, trong hoạch định chiến lược đối ngoại, chúng ta phải xác định rõ mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đặc biệt, trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đối ngoại, hội nhập quốc tế, chúng ta phải luôn nắm vững và thực hiện tốt phương châm ''vừa hợp tác, vừa đấu tranh". Đây là phương châm thể hiện sinh động phong cách tư duy uyển chuyển của Bác Hồ. Phương châm này không chỉ thực hiện trong lĩnh vực đối ngoại, mà còn phải được thực hiện tốt trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Hai là, quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương.

Phong cách tư duy Hồ Chí Minh không chỉ là cơ sở lý luận, phương pháp luận, mà còn có vai trò to lớn trong chỉ đạo phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương. Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Bác Hồ, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các địa phương phải chú ý đảm bảo sao cho địa phương mình phát triển hài hòa, bền vững, toàn diện; phát triển kinh tế phải gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa bàn trong sạch, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, khi tổ chức thực hiện bất kỳ nhiệm vụ gì, các địa phương đều phải bảo đảm hài hòa các lợi ích, nhất là lợi ích giữa Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp với người dân. Trong những năm vừa qua, liên tục có hàng ngàn đơn khiếu kiện về đất đai ở các địa phương, gây bức xúc trong xã hội. Để dẫn đến tình trạng khiếu kiện này là do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là các địa phương chưa giải quyết được hài hòa giữa các lợi ích, nhất là lợi ích giữa tập thể địa phương với lợi ích của từng hộ gia đình, từng cá nhân cụ thể.

Quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các địa phương còn cần phải tiến hành có lý có tình, có trước có sau, phải luôn biết gắn kết giữa kỷ cương pháp luật với đạo đức nhân văn truyền thống. Thực tế trong những năm qua ở các địa phương đã chứng tỏ rằng, những nhiệm vụ mà tổ chức thực hiện thấu lý đạt tình thì luôn đạt hiệu quả cao. Ví dụ như, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các địa phương như huyện Đan Phượng, Đông Anh (Hà Nội), huyện Hoa Lư (Ninh Bình); huyện Đồng Triều (Quảng Ninh), huyện Xuân Lộc, Thống Nhất (Đồng Nai), huyện Củ Chi, Hóc Môn (thành phố Hồ Chí Minh)… do có quy hoạch, kế hoạch xây dựng hài hòa, có biện pháp tổ chức thực hiện hợp lý hợp tình, nên sớm đạt chuẩn nông thôn mới, tạo được bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống của người nông dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số địa phương, cơ sở do mắc bệnh thành tích, chạy đua xây dựng nông thôn mới bằng mọi giá, nên cho dù đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng nợ đọng nhiều. Tính đến nay, gần 2.000 xã trên địa bàn cả nước đã nợ đọng xây dựng nông thôn mới lên tới trên 15.000 tỷ đồng. Những tồn tại thiếu sót trên, đặt ra cho các địa phương phải quán triệt sâu sắc hơn nữa phong cách tư duy Hồ Chí Minh, sáng tạo tìm ra các biện pháp hợp lý hợp tình để từng bước khắc phục.

Ba là, quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong xử lý các mối quan hệ của mỗi con người đối với đời sống hiện thực.

Phong cách tư duy Hồ Chí Minh có vai trò chỉ đạo rất to lớn, rất thiết thực đối với mỗi con người trong xử lý các mối quan hệ của đời sống hiện thực. Quán triệt và vận dụng sáng tạo phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển có lý có tình của Bác Hồ, trong giải quyết các vấn đề thực tiễn, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân phải có tư duy sáng suốt để xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng; giữa cá nhân với gia đình và xã hội; nhất là các mối quan hệ giữa cá nhân với tổ chức; giữa cá nhân với cơ quan, đơn vị, địa phương nơi mà mình công tác.

Quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân còn phải có tư duy khoa học, tư duy biện chứng để xử lý hài hòa các mối quan hệ của đời sống cá nhân, như mối quan hệ giữa làm việc với nghỉ ngơi; giữa học tập và công tác; giữa rèn luyện phẩm chất với bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức và năng lực. Đặc biệt, mỗi con người còn phải biết xử lý đúng đắn, hài hòa các mối quan hệ có tính chất vĩ mô, như mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ công dân, nhất là nghĩa vụ đối với Tổ quốc.

Trong tình hình mới hiện nay, việc đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo phong cách tư duy của Người vào giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn mới là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết đối với các cấp lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân./.
ST.