Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

TƯ TƯỞNG NHẤT QUÁN, XUYÊN SUỐT VỀ ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI, NGOẠI GIAO VIỆT NAM


Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; là minh chứng cho bước trưởng thành, phát triển về tư duy và thành tựu của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, nền đối ngoại, ngoại giao cách mạng được hình thành. Kế thừa truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và định hướng cho sự phát triển nền đối ngoại, ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là nền tảng, kim chỉ nam để Đảng ta lãnh đạo công tác đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Đó là đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; phát huy nội lực, khai thác và tranh thủ ngoại lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có những đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao.
Đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”(1); “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(2); kiên định về nguyên tắc, mục tiêu, linh hoạt, khôn khéo về sách lược được thực hiện nhất quán, đồng bộ, hiệu quả; đồng thời, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Việc thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Về đối ngoại đảng, đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính... Về ngoại giao nhà nước, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 5 nước đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, chủ động và đóng góp đầy trách nhiệm với tất cả các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Việt Nam được đánh giá cao trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đặc biệt, trước tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khá và được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.
Về đối ngoại nhân dân, các đoàn thể, tổ chức nhân dân của ta có quan hệ hợp tác, hữu nghị với hơn 1.200 tổ chức, đối tác nước ngoài; hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tươi đẹp, thân thiện, hiếu khách với nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc, luôn được lan tỏa tới bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(3).
Thành tựu của công tác đối ngoại Việt Nam những năm qua là thành quả của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó nhân tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hệ thống hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và triển khai đường lối đối ngoại, ngoại giao; giúp các ban, bộ, ngành, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chính quyền địa phương, các cơ quan làm công tác đối ngoại, ngoại giao, người Việt Nam ở trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp xuất bản cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam".
Năm 2022, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức biên tập, xuất bản cuốn sách Một số vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân và khẳng định với bạn bè quốc tế về con đường mà Đảng ta, nhân dân ta quyết tâm xây dựng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Để cụ thể hóa những luận điểm, minh chứng rõ nét hơn bằng những thành tựu trong công cuộc đổi mới, định hướng xây dựng và phát triển đất nước, Nhà xuất bản đã hoàn thành, biên tập, xuất bản các cuốn sách của Tổng Bí thư, có tính chuyên đề về những vấn đề trọng đại của đất nước: 1) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; 2) Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới; 3) Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 4) Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc;…
Việc xuất bản và ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một đóng góp to lớn nữa, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Cuốn sách thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; là minh chứng cho bước trưởng thành, phát triển về tư duy và thành tựu của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Nội dung cuốn sách gồm ba phần:
Phần thứ nhất: Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gồm bài viết tổng quan và 7 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hội nghị ngoại giao, hội nghị đối ngoại toàn quốc. Các bài viết, bài phát biểu thể hiện tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng ta về đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả, thành tựu của đối ngoại, ngoại giao đã “góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đất nước ta”, nhờ đó “vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế”, Tổng Bí thư chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng cho công tác đối ngoại nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, có vị trí địa chiến lược quan trọng trong những chuyển dịch hiện nay của thời đại. Trong thế giới biến động và khó lường, thách thức luôn luôn đan xen với cơ hội, rủi ro luôn đi kèm với thời cơ.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045, Tổng Bí thư yêu cầu phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; trong đó, “tiên phong trước hết cần thể hiện trong tư duy, nhận thức; tiên phong trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tiên phong trong kiến tạo cơ hội để thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc; tiên phong trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là gắn kết sức mạnh cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước”.
Thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(4), trong các bài phát biểu, bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước; sự gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh và đối ngoại trong các lĩnh vực khác.
Đây vừa là truyền thống quý báu, vừa thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật đối ngoại, ngoại giao cách mạng Việt Nam, được Tổng Bí thư phân tích, lý giải và định hướng cụ thể bằng nhãn quan chính trị sâu sắc và tầm tư duy chiến lược; là bước phát triển về tư duy đối ngoại Việt Nam, vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phần thứ hai: Đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, gồm 78 bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hoạt động và diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trụ cột đối ngoại là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Trải qua các giai đoạn, trên các cương vị: Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng thể hiện quan điểm, chủ trương đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Việt Nam đã có quan hệ hợp tác rộng mở cả song phương và đa phương với các đối tác, trong các lĩnh vực, ở tất cả các cấp, các ngành, đưa các quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích; huy động và kết hợp hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nội lực trong nước nhằm chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị-kinh tế quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Trong quan hệ song phương, các bài nói, bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn thể hiện sự đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Phát huy truyền thống hòa hiếu của ông cha, Tổng Bí thư khẳng định cần tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống, tăng cường tin cậy, phát huy điểm đồng, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tranh chấp và thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng phát triển nhằm củng cố vững chắc cục diện đối ngoại ổn định, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức khu vực, quốc tế và các khuôn khổ hợp tác cũng như trong những vấn đề quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện của đất nước.
Trong quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, các đảng cầm quyền và các đảng dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt, đóng góp cả lý luận và thực tiễn vào kho tàng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh từ công cuộc đổi mới của Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ, thật sự vì con người.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, với các đảng cộng sản, công nhân và bạn bè truyền thống. Trong các bài nói, bài viết, bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm và tình cảm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người dân nước sở tại, luôn tích cực giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, hòa hiếu, thân thiện, mến khách, năng động và phát triển trong con mắt của bạn bè quốc tế.
Phần thứ ba: Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao, gồm 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành và phát triển trường phái ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Đó là những kỷ niệm, tình cảm, câu chuyện của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao, các nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, được gặp Tổng Bí thư trong các chuyến thăm và làm việc ở trong và ngoài nước. Những ý kiến thể hiện sự kính trọng, tình cảm trân quý đối với Tổng Bí thư và niềm tin tưởng, tự hào về những thành tựu to lớn của đất nước, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tuyển chọn trong cuốn sách là sự tổng kết những bài học kinh nghiệm có giá trị của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, thể hiện bước phát triển tư duy chiến lược của Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, góp phần định hướng mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại, ngoại giao trong giai đoạn mới./.
Tạp chí Tuyên giáo
Có thể là hình ảnh về văn bản
Tất cả cảm xúc:
3

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: TRỌN MỘT ĐỜI VÌ ĐẢNG, VÌ DÂN

 

Trái tim của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sỹ cộng sản, nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh, một nhân cách lớn và nghĩa tình đã ngừng đập vào ngày 19/7/2024.
Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Được kết nạp vào Đảng ngày 19/12/1967, khi vừa 23 tuổi và đang học năm thứ tư Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kể từ đó, người đảng viên Nguyễn Phú Trọng đã ý thức rất cao về sự tu dưỡng, rèn luyện bản thân với một định hướng đẹp và không lay chuyển, như lời một bài hát, lời thơ mà nhiều lần Tổng Bí thư nhắc đến: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương, nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sảnˮ và "Còn một giây, một phút tàn hơi; Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi!.”
57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân.
57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; trong mọi hoàn cảnh luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản kiên cường; kiên định Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ gìn, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tính tiền phong, gương mẫu, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện; sâu sát cơ sở, gần gũi với đồng bào, đồng chí.
Trải qua nhiều cương vị quan trọng do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ khóa VII đến khóa XIII), Ủy viên Bộ Chính trị (từ khóa VIII đến khóa XIII), Tổng Bí thư (từ khóa XI đến khóa XIII), Chủ tịch nước (từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2021), Chủ tịch Quốc hội (khóa XI, XII), Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến rất to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những cống hiến lớn đối với công cuộc phát triển đất nước, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, thực hiện chiến lược về bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Thế nhưng, là người sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực và chân thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khi nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng vẫn chỉ nhận rằng: “tất cả những gì tôi đã làm là vô cùng nhỏ bé so với công lao giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đảng viên đi trước; sự cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những cơ quan - nơi tôi từng học tập, công tác và làm việc."
Với những công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nhà lý luận, nhà khoa học xuất sắc của Đảng
Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, với những dấu ấn nổi bật, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng cao, càng bền vững.
Không chỉ là nhà lãnh đạo tài năng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là nhà lý luận, nhà khoa học xuất sắc.
Không chỉ là nhà lãnh đạo tài năng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là nhà lý luận, nhà khoa học xuất sắc.
Là ngọn cờ lý luận của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cống hiến lớn về mặt lý luận, với công trình dày công nghiên cứu "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam."
Bằng lập luận chặt chẽ, phân tích sâu sắc, chắt lọc từ thực tiễn phong phú, đồng chí đã tổng kết lịch sử phát triển của thế giới đương đại cũng như thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ đó khẳng định một cách khoa học về con đường duy nhất đúng cho sự phát triển của đất nước - đó là con đường xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: nhân dân Việt Nam đã trải qua quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của Đảng, là nguyên lý thành công của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu duy nhất đúng để đạt được tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.
Ngoài tác phẩm lý luận lớn này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có nhiều cống hiến trên các lĩnh vực lý luận chuyên ngành. Đó là các cuốn sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (2/2023); "Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới" (7/2023); "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" (11/2023); "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” (11/2023); “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (6/2024)…
Các cuốn sách của Tổng Bí thư đã nhận sự quan tâm đặc biệt và đều được các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước và Nhân dân ta đánh giá rất cao, không chỉ do giá trị tư tưởng và nội dung của tác phẩm, mà một phần chính là bản thân tác giả - một con người có trí tuệ, có nhân cách và luôn luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.
Để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân."
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng hiểu rõ rằng Đảng phải biết tự sửa, biết dựa vào dân để chỉnh đốn, chỉnh đốn là từ bên trên trở xuống. Vì vậy, đồng chí đã trực tiếp làm Tổng Tư lệnh (Trưởng ban Chỉ đạo) “cuộc chiến” chống tham nhũng, với tinh thần không khoan nhượng, ai không làm, ai do dự thì đứng sang một bên… và “cuộc chiến” này đã tạo được niềm tin mạnh mẽ trong Nhân dân.
Là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư khởi xướng và chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
“Lò lửa” của Nhân dân được nhóm lên không chỉ khiến “củi khô,” “củi tươi” đều phải cháy, mà còn có tác dụng răn đe, suy ngẫm cho cả những ai tay chưa kịp nhúng chàm.
“Cuộc chiến” này có lý luận, có bài bản. Lý luận đó được thể hiện cơ bản trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (2/2023) của đồng chí Tổng Bí thư. Cuộc chiến này có mục tiêu rõ ràng và nhân tố quyết định là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện và thường xuyên của Đảng; dựa vào dân, lắng nghe dân. Đặc biệt là sự gương mẫu, nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ, sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động cụ thể trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của đồng chí.
Nhờ vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tăng thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Và thực tế minh chứng một điều là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực thi sứ mệnh trên cương vị của một người đứng đầu đất nước trong việc bảo vệ sự tồn vong và phát triển đất nước bằng hai con đường song song: luật pháp và văn hóa. Luật pháp là sự nghiêm minh và văn minh của một nhà nước, của một quốc gia, còn văn hóa là tâm hồn và đức hạnh của một dân tộc.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu là thể hiện sự nghiêm minh của một Nhà nước, lối sống văn minh của một quốc gia và công cuộc chấn hưng văn hóa là việc xây dựng nhân cách và tư cách của dân tộc.
Người giành được trọn vẹn “lòng tin” của dân và sống trong “lòng dân”
Ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng răn mình, giũa sáng tứ đức “cần, kiệm, liêm, chính” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã dạy; từng bước trưởng thành và đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân.
Đồng thời, Tổng Bí thư luôn yêu cầu từng cơ quan, địa phương, từng cán bộ phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, phải toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; phải lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình để làm thước đo chủ yếu; phải trên cơ sở tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, để tạo ra một êkíp, một tập thể cộng sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh…
Nhân dân cả nước luôn dành sự kính trọng, tin tưởng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người cộng sản chân chính, một lãnh đạo tài ba, người luôn nhất quán giữa nói và làm, lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích của dân làm mục tiêu phấn đấu; luôn gần dân, sát dân và có một trái tim vô cùng nhân hậu.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng khẳng định: "Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là “công bộc, là đầy tớ trung thành của Nhân dân” như Hồ Chủ tịch từng khẳng định."
Xin mượn câu trong tác phẩm nổi tiếng "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô Nikolai Alekseyevich Ostrovsky để kết bài và là nén tâm hương đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã có những công lao, đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc ta: “Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!"./.
Nguồn: Báo Vietnam+
Tất cả cảm xúc:
5