Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế!
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, Tổng Bí thư để lại di sản quý báu trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là một tinh thần đoàn kết lớn lao của nhân dân, vững tin vào cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực không ngừng, không nghỉ.
Sống mãi trong lòng nhân dân
Trong hai ngày Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những câu chuyện, hình ảnh xúc động, thể hiện tình cảm của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của đất nước. Ông cảm nhận điều đó thế nào?
Trong lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dòng người xếp hàng dài vài km chờ từ sáng sớm đến tối muộn để được vào viếng. Người người tràn ra đường giữa thời tiết nắng nóng để chờ tiễn biệt khi linh xa đưa di hài ông qua các tuyến phố.
Dòng người đổ về lễ tang rất đông trong trật tự. Họ chia sẻ cho nhau từ cái quạt cầm tay, chai nước lọc, chiếc bánh mì… Người dân bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn, ngưỡng mộ khi họ tạc tượng, vẽ tranh, làm thơ, viết nhạc… về Tổng Bí thư.
Những hình ảnh, câu chuyện xúc động đã cho thấy lòng dân kính trọng, yêu quý và ghi nhận công lao to lớn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như thế nào. Đó là tình cảm đặc biệt của nhân dân dành cho một người lãnh đạo giản dị, nhưng vĩ đại. Ông ra đi nhưng vẫn sống mãi trong lòng nhân dân.
Chúng ta thấy một tinh thần đoàn kết lớn lao của nhân dân trong lễ Quốc tang. Sức mạnh dân tộc vẫn tồn tại bền bỉ, âm thầm và hiện hữu trong mọi người dân. Để khi khơi dậy và phát huy nó một cách đúng đắn, phù hợp và chính nghĩa, không một thế lực nào có thể đe dọa, làm nao núng tinh thần con người Việt Nam.
Chống tham nhũng từ sớm, từ xa
Trong gần ba nhiệm kỳ giữ cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều di sản trên nhiều lĩnh vực. Ông ấn tượng và tâm đắc với nội dung nào?
Đó là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trung ương dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành rất nhiều chỉ thị, quy định, nghị quyết liên quan đến những nội dung này.
Luôn đau đáu, trăn trở với công tác này, Tổng Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, với nhiều quan điểm, chủ trương hết sức quan trọng, có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, nhân văn, nhân ái, đầy sức thuyết phục.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nghiêm minh nhưng rất nhân văn của Tổng Bí thư, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được tiến hành rất quyết liệt, bài bản, toàn diện, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, để lại dấu ấn sâu đậm.
Những thành công trong phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua đã mở ra một chương mới cho sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh, nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Phải chăng, vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên?
Tổng Bí thư từng nói "nếu bản lĩnh chính trị tốt, không bị lôi kéo thì làm gì tham nhũng, nếu đạo đức trong sáng, giữ gìn liêm sỉ thì cần gì tham nhũng". Chính vì thế, gốc của tham nhũng chính là suy thoái đạo đức, lối sống.
Phòng chống tham nhũng cũng như là trị bệnh cho cơ thể, khi ta bắt được bệnh sẽ có phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả.
Bên cạnh chống thì phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực cần phải nêu cao hơn nữa. Tôi cho rằng, ở Đại hội lần XIV lần này, Đảng cần thanh lọc ngay từ đầu những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đây cũng là cách để chúng ta phòng ngừa từ sớm, từ xa.
Để thực hiện được điều này, cần có nhiều công cụ để thực hiện, từ thanh tra, kiểm tra. Cùng với đó là dựa vào sự giám sát của nhân dân.
Xử lý nghiêm nhưng rất nhân văn
Tổng Bí thư khẳng định: Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để trị bệnh cứu người, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính. Quan điểm này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Tổng Bí thư yêu cầu phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc những hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhưng phải có lý, có tình, nhân văn, nhân ái, với nguyên tắc: Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở bất cứ cương vị công tác nào sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Không chỉ xử nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, mà còn xử nghiêm cả những người dung túng, bao che, tiếp tay.
Việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, nhưng vì sự nghiệp chung, thượng tôn pháp luật, uy tín của Đảng, chúng ta phải kiên quyết làm.
Quan điểm "xử lý tham nhũng, tiêu cực là để trị bệnh cứu người, kỷ luật một vài người để cứu muôn người" của Tổng Bí thư rất đúng và trúng. Giống như cái nhà bị mối mọt vài cái rui, mè nếu không được thay thì chắc chắn sẽ lây lan sang các bộ phận cột, kèo, từ đó sẽ có nguy cơ bị sập.
Việc loại bỏ những kẻ tham nhũng, tiêu cực này không chỉ mang ý nghĩa loại trừ "sâu bệnh" mà còn có tác dụng phòng tránh lây lan, cảnh tỉnh, răn đe những kẻ có ý định nhúng chàm. Những người chưa nhúng chàm cũng sẽ lấy đó làm gương.
Tổng bí thư luôn yêu cầu việc xử lý phải nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn: Phải phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng.
Đây là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư, được các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo bước đột phá mới, là dấu ấn nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.
Điều đó đã giúp lấy lại niềm tin của nhân dân, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Bí thư chỉ đạo: Phải xây dựng cho được cơ chế phòng ngừa, răn đe, xử lý, đảm bảo chặt chẽ để "không thể", "không dám" "không muốn", "không cần" tham nhũng, tiêu cực. Để thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn không", các quy định hiện nay đã đầy đủ hay chưa, cần bổ sung những gì, thưa ông?
Hiện đã có nhiều quy định pháp luật cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng để làm tốt hơn nữa, cần cụ thể hóa những quy định này hơn.
Thứ nhất, phải dứt khoát loại bỏ những phần tử cơ hội, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng ra khỏi bộ máy.
Thứ hai, những kẻ tham nhũng cần phải bị tịch thu toàn bộ tài sản, triệt tiêu tư tưởng "hy sinh đời bố củng cố đời con".
Thứ ba, đề cao danh dự của cán bộ, đảng viên, để những kẻ nhúng chàm không còn có thể "ngẩng mặt" đối diện với xã hội nữa. Ở các nước như Singapore, Hàn Quốc, những kẻ bị kết tội tham nhũng bị xã hội chỉ trích, lên án rất nặng nề.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ tiền lương phù hợp để cán bộ, đảng viên có cuộc sống ổn định, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến.
Truyền cảm hứng mạnh mẽ
Theo ông, cuộc đời liêm chính, tấm gương đạo đức của Tổng Bí thư đã tạo nguồn cảm hứng thế nào đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như người dân, để từ đó đóng góp vào sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước?
Những kết quả trong phòng chống tham nhũng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời gian qua đã truyền cảm hứng không chỉ trong cán bộ, đảng viên mà còn trong nhân dân. Đấu tranh phòng chống tham nhũng giờ đã trở thành phong trào, thành xu thế. Không cán bộ đảng, đảng viên, tổ chức đảng nào có thể nằm ngoài xu thế đó.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực giờ đây cũng đã huy động được sức mạnh của nhân dân. Không ít vụ được phanh phui, xử lý là do nhân dân tìm ra. Phong trào này giờ đây đã không còn "trên nóng, dưới lạnh", không còn chuyện "tắm từ vai xuống" mà đã lan tỏa khắp các cấp, các ngành.
Sinh thời, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh và coi trọng danh dự của người cán bộ đảng viên. Ông thường xuyên nhắc nhở: "Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất", "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu…".
Đó là triết lý sống rất ý nghĩa. Tấm gương đạo đức, giản dị của ông sẽ còn được nhắc tới mãi.
Theo ông, di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần được tiếp tục phát huy như thế nào thời gian tới?
Đây không phải lần đầu tiên chúng ta thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng, mà ngay từ khi mới hình thành, công việc này đã được Đảng ta chú trọng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng đang cần một thủ lĩnh phất cờ thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện, hội tụ đủ trí tuệ anh minh, dũng khí để giương cao ngọn cờ đó. Những tư tưởng, quan điểm của Tổng Bí thư mãi mãi là "kim chỉ nam" cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Vì thế, những tư tưởng, quan điểm đó cần được tiếp tục quán triệt sâu sắc, phát huy mạnh mẽ để trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế của mỗi cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng./.