Chiều 13-9, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12 thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới; Thượng tướng Nguyễn
Tân Cương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Cùng dự phiên họp còn có Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và lãnh đạo một số Ủy ban, cơ quan của Quốc hội.
Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, việc xây dựng luật là cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung gồm: Chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng; một số nội dung giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết về chế độ, chính sách đối với sĩ quan, như thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương...
Đối với một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách của sĩ quan, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân và cấp có thẩm quyền quy định tiêu chí, tiêu chuẩn xét thăng quân hàm sĩ quan vượt bậc.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn; bổ sung quy định về thanh toán cho những ngày không nghỉ phép; bổ sung một số từ, cụm từ vào quy định về chăm sóc sức khỏe đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ; bổ sung quy định về điều kiện nghỉ hưu đối với đối tượng hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất...
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá, hồ sơ dự án Luật bảo đảm các yêu cầu quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí bổ sung chức vụ, chức danh đối với cấp phó của cấp trưởng và tương đương như trong dự thảo luật. Luật Sĩ quan hiện hành quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan là cấp trưởng, không quy định đối với cấp phó, nên việc xác định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý gặp khó khăn, chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với sĩ quan được bổ nhiệm chức vụ là cấp phó của cấp trưởng và tương đương.
Về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí việc sửa đổi theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan QĐND Việt Nam (Cấp úy: 50 tuổi; Thiếu tá: 52; Trung tá: 54; Thượng tá: 56; Đại tá: 58; Cấp Tướng: 60), bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về độ tuổi nghỉ hưu, bảo đảm cho sĩ quan QĐND tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ điều kiện được hưởng tối đa 75% lương theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ của đội ngũ sĩ quan QĐND còn nhằm phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ và phù hợp tính chất, nhiệm vụ của Quân đội "là ngành lao động đặc biệt".
Về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan, có ý kiến đề nghị rà soát vị trí sĩ quan biệt phái có trần quân hàm cấp tướng cho phù hợp với quy định tổng số sĩ quan cấp tướng tại ngũ trong QĐND không quá 415. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, quy định sĩ quan QĐND biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng là phù hợp.
Về thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí giao Chính phủ quy định tiêu chí, tiêu chuẩn quy định để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tướng vượt bậc. Đồng thời, đề nghị rà soát, nghiên cứu, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng quân hàm sĩ quan vượt bậc, làm căn cứ để Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể.
Về thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành với các trường hợp được xét thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn như dự thảo Luật; việc giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy và nâng lương sĩ quan trước thời hạn là cần thiết, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, chặt chẽ.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với quy định về bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội. Dự thảo Luật giao Bộ Quốc phòng phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội trên cơ sở quỹ đất do địa phương bố trí.
Về hiệu lực thi hành, theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, dự thảo Luật được xây dựng và thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn, nên đề nghị quy định Luật có hiệu lực kể từ ngày thông qua.
Phát biểu tại phiên họp, thay mặt cơ quan soạn thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật, bảo đảm chất lượng khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Đối với một số nội dung cụ thể, về quy định liên quan đến tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan QĐND, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, việc nâng tuổi là cần thiết, bảo đảm phù hợp, tiệm cận gần với Bộ luật Lao động và phù hợp với đặc thù của Quân đội.
Bên cạnh đó, việc nâng tuổi của sĩ quan để khắc phục việc theo quy định hiện hành các đồng chí mang quân hàm từ Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu sẽ không đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cũng làm rõ một số nội dung liên quan đến số lượng sĩ quan mang cấp bậc quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng; trần quân hàm của sĩ quan biệt phái; tiêu chí để phong quân hàm vượt cấp…
Đối với chính sách nhà ở cho sĩ quan QĐND, theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương các quy định hiện hành đều có nhưng việc thực hiện trên thực tế gặp khó khăn. Vì vậy, dự thảo luật có quy định để cụ thể hóa chính sách nhà ở cho sĩ quan QĐND Việt Nam trong đó có việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, mục đích để triển khai chính sách được thuận lợi, nhanh nhất.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự chủ động của cơ quan soạn thảo, sự vào cuộc từ đầu của cơ quan thẩm tra. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan tích cực hoàn thiện hồ sơ, nhất là bổ sung đầy đủ báo cáo đánh giá tác động. Đồng thời, tiếp tục rà soát quy định của dự thảo luật, bảo đảm phù hợp đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật./.
Tác giả: Mạnh Hưng
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân