Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

"Một đòn, hai mạng".

 

Cuối năm 1951, thực dân Pháp cho quân nhảy dù đánh ra Hòa Bình. Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy đã nhanh chóng phân tích tình hình, khẳng định việc địch ra khỏi công sự vững chắc là thời cơ của ta đã đến và quyết định ra chỉ thị mở cuộc tấn công tiêu diệt sinh lực địch ở Hòa Bình.

 Ngày hòa bình, chúng ta sẽ bên nhau

Cơ hội tốt diệt sinh lực địch

Tháng 11-1951, tôi được lệnh trở lại Bộ Tổng Tư lệnh, tham gia giúp việc cho Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Thời gian này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhưng rất nhiều lần trực tiếp dự họp với Bộ Tổng Tham mưu. Tôi từng làm thư ký nhiều cuộc họp, chưa thấy lần nào mà Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lại sát sao đến vấn đề quân sự như trong Chiến dịch Hòa Bình. Điều đó chứng tỏ, Bộ Chính trị rất quan tâm đến chiến dịch. Cũng bởi tầm quan trọng của chiến dịch, Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và cả đồng chí Trường Chinh đã 3 lần sang Bộ Tổng Tham mưu trao đổi, nghe báo cáo và có ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực và dân quân du kích. Tôi nhớ, trong thư, Người khẳng định: Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta. Muốn thắng thì ta phải tích cực, tự động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh... Bác đang để dành giải thưởng đặc biệt cho bộ đội nào và chiến sĩ nào lập công to nhất.

Kế hoạch tiến công của chiến dịch chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 đánh địch trên khu vực địch đang chiếm (thị xã Hòa Bình và vùng phụ cận phía bờ Bắc sông Đà). Giai đoạn 2 đánh địch tăng viện hoặc rút lui, mở rộng chiến tranh du kích ở các vùng địch tạm chiếm. Như vậy, từ cuối tháng 11 sang tháng 12-1951 đã có sự bài binh bố trận của cả hai bên rất rõ ràng. Lúc bấy giờ, ta tổ chức đánh địch ở cả hai mặt trận, theo tinh thần “một đòn đập chết hai mạng”. Giải thích điều này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với chúng tôi: “Mạng thứ nhất là ở thị xã Hòa Bình và vùng phụ cận. Mạng thứ hai là ở vùng địch tạm chiếm, do dân quân, du kích đánh. Tức là lần này, ta đánh địch khi chúng đánh ra, tiến hành vây hãm, tiêu hao, thậm chí có những trận đánh tiêu diệt. Bên cạnh đó, ở những vùng địch tạm chiếm, mặt trận sau lưng địch cũng sẽ đẩy mạnh chiến tranh du kích cộng với chiến tranh chính quy để tiêu diệt địch và có thể giải phóng những vùng rộng lớn ở những nơi địch tạm chiếm, giải phóng nhân dân, đánh bại kế hoạch rất lớn của địch hồi đó là kế hoạch De Lattre được thi hành từ năm 1950”.

Tôi nhớ rõ, phương châm tác chiến của ta được thông qua là: Đánh trận then chốt sau đó đánh vận động, tạo thời cơ, hết sức tránh điểm mà đánh vận động, tiêu diệt địch trong thế chúng đã rời công sự. Đánh một trận then chốt và phải đánh thắng. Còn các trận khác chuyển sang đánh vận động, đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn. Ta tổ chức đánh địch trong thị xã, vừa tiêu hao địch vừa đánh những chỗ then chốt nhất mà chúng không thể hy vọng ở lại thị xã Hòa Bình. Sau đó đánh vận động trên sông Đà, trên Đường số 6 để tiêu diệt phần lớn quân địch, đồng thời kết hợp tiêu diệt từng bộ phận địch ở hướng chính là hướng Hòa Bình. Tại các hướng phối hợp, tức là các mặt trận sau lưng địch ở Đồng bằng Bắc Bộ, Thừa Thiên Huế, Liên khu 5... ta mở rộng chiến tranh du kích kết hợp với một phần chủ lực để giải phóng những vùng địch chiếm, tiêu diệt từng bộ phận ở mặt trận sau lưng địch, làm cho chúng căng thẳng đối phó cả hai nơi.



Lựa chọn đúng trận đánh then chốt

Thực hiện kế hoạch, ta đưa bộ phận chủ lực lớn của Bộ (gồm 3 đại đoàn bộ binh và Đại đoàn Công pháo 351) vào tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng là vùng địch hậu, lấy đó làm vùng tác chiến lớn. Cụ thể, Đại đoàn 320 đang đóng ở giữa hữu và tả ngạn đưa hẳn sang tả ngạn; đưa Đại đoàn 316 vào hữu ngạn. Tổng số gần 5 vạn quân. Khi mặt trận Đồng bằng Bắc Bộ của địch đã bị uy hiếp, tại Hòa Bình, ta chuyển sang tiêu hao chặn địch trên Đường số 6. Đại đoàn 308 phụ trách thị xã Hòa Bình cùng một đơn vị chủ công của Đại đoàn 304. Đại đoàn 312 phụ trách đánh địch ở tuyến sông Đà. Đại đoàn 304 phụ trách đánh địch trên Đường số 6, đánh đường bộ đến giáp Chợ Bến, Xuân Mai.

Trong phạm vi Chiến dịch Hòa Bình, có hai mục tiêu quan trọng là căn cứ Tu Vũ và Chẹ. Chẹ là căn cứ pháo binh, đồng thời là căn cứ của bộ binh. Tu Vũ là căn cứ của bộ binh và xe tăng thiết giáp. Tại đây, địch đã bố trí các đơn vị xung kích gồm bộ binh, thiết giáp và xe tăng. Công sự đất đá nhưng yểm hộ cho bộ phận chiếm đóng là pháo binh và hỏa lực không quân. Như sau này tôi được biết, ở mặt trận chính, địch đã bắn đến 3 vạn viên đạn pháo. Trước khi rút, chúng cũng bắn khoảng 1 vạn viên.

Trận Tu Vũ là trận công kiên oanh liệt và dũng cảm của bộ đội ta. Khi địch bắn pháo thì anh Thái Dũng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 có nói: “Cho nó bắn chán đi mới đánh”. Bấy giờ, ta đào sâu công sự để tránh đạn pháo của địch bắn cấp tập nhưng vẫn kiên quyết tiêu diệt Tu Vũ. Khi địch ngừng bắn 10 phút, ta xung phong và đánh chiếm Tu Vũ, tiêu diệt luôn tiểu đoàn địch, xe thiết giáp có tới mười mấy chiếc. Đó là trận công kiên then chốt trong Chiến dịch Hòa Bình. Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho Trung đoàn 88 do các anh Thái Dũng và Đặng Quốc Bảo chỉ huy đánh Tu Vũ. Đây là những chỉ huy rất kiên quyết và mưu lược, quyết tâm rất cao và họ đã không phụ sự tin tưởng của cấp trên. Sau này, khi biểu dương Trung đoàn 88, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Thái Dũng đáng là tấm gương về quyết tâm của những người chỉ huy”.


Giải mã bức điện của địch

Sau khi ta tiêu diệt Tu Vũ và kiềm chế tiêu hao địch ở trung tâm, quân Pháp buộc phải rút bỏ, chuyển về hướng Đường số 6 và sông Đà đúng như dự đoán của ta. Kế hoạch rút lui được địch chuẩn bị khá chu đáo. Trên đoạn đường từ thị xã Hòa Bình về Chợ Bến, địch bố trí 18 vị trí chốt để chống lại quân ta nhưng đều nằm trong dự tính của ta. Tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và Tổng Quân ủy là luôn luôn giữ vững quan điểm đánh địch trên hai mặt trận chính diện và sau lưng, kéo dài chiến dịch, không cho địch rút, thực hiện thành công “một đòn đập chết hai mạng”.

Những ngày diễn ra chiến dịch, cùng bộ đội trực tiếp chiến đấu trên chiến trường chính thì các lực lượng khác cũng phối hợp khá tốt, trong đó có bộ phận quân báo. Ngay ngày đầu chiến dịch, một tổ mã thám do đích thân Cục phó Cục Quân báo Cao Pha tổ chức chỉ huy đã được thành lập. Các anh đã làm việc rất hiệu quả. Những thông tin về tình hình địch thu được đều rất sát với thực tế.

Quá trình mã thám, rất tình cờ, tôi đã lập thành tích, được tặng Bằng khen của Tổng cục Chính trị. Ấy là vào khoảng trung tuần tháng Giêng năm 1952, có đồng chí cán bộ mã thám mang đến Bộ chỉ huy chiến dịch một bức điện. Là bí thư của Đại tướng nên tôi được phép cầm xem trước khi báo cáo. Bức điện có nội dung: “Bình minh Kim Tự Tháp sẽ nở hoa”. Tôi chợt nhớ đến khi học ở trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), một giáo sư dạy lịch sử nước Pháp có nói với chúng tôi rằng ở miền Bắc của đảo Corse (phía Đông Nam nước Pháp) có dãy núi đặc biệt. Một năm dãy núi này đổi màu một lần vào mùa thu, có thể sánh với Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Trong bức mã thám có nói đến Kim Tự Tháp thì tôi nghĩ ngay đến Kim Tự Tháp ở núi đá chứ không phải sa mạc cát. Còn “nở hoa” nghĩa là bung dù ra. Sau khi xem kỹ cả bản đồ, tôi phán đoán nội dung bức điện là: Sẽ rút trên Đường số 6. Các điểm nhảy dù trên dãy núi sẽ yểm hộ cho quân địch rút trên con đường này.

Khi đọc bức điện, anh Văn hỏi ý kiến, tôi liền báo cáo suy đoán trên. Anh tán thành và lập tức yêu cầu báo ngay anh Hoàng Văn Thái, ra lệnh cho Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn chuẩn bị hai tiểu đoàn tinh nhuệ, trong buổi chiều vượt sông lên ngay gần Lương Sơn chuẩn bị sẵn trận địa nếu địch nhảy dù thì đánh. Khoảng 7 giờ ngày hôm sau, địch đã nhảy dù ở vị trí ta đón lõng. Quân ta bắt sống hơn 200 tên địch, bắn rơi 6 máy bay. Một điều rất tự hào với tôi là sau đó, tôi được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba-tấm huân chương bấy giờ chỉ trao cho cán bộ trực tiếp chiến đấu, cán bộ ở cơ quan chỉ huy chưa ai được trao tặng, cùng một Bằng khen của Tổng cục Chính trị do đồng chí Nguyễn Chí Thanh ký.

 Ngày 21/9, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam có văn bản số 4184/TM-QH gửi các cơ quan, đơn vị quân đội về việc dừng huấn luyện diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Theo Bộ Tổng Tham mưu, bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, hạ tầng kinh tế-xã hội đối với các tỉnh phía Bắc.

Công tác khắc phục hậu quả đã và đang tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị vào cuộc, chia sẻ những mất mát, khó khăn của đồng bào, góp sức giúp nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh…

Từ tình hình trên, Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng Toàn dân.

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng Toàn dân thực hiện theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng Toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).

 KHÔI PHỤC SẢN SUẤT NGÀNH TRỒNG TRỌT 

Bão, lũ ở các địa phương phía bắc vừa qua khiến ngành nông nghiệp nước ta thiệt hại rất lớn, trong đó riêng lĩnh vực trồng trọt hơn 4.000 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cũng như bà con nông dân đang nỗ lực khôi phục sản xuất. Nhiều giải pháp được đưa ra như: Tiêu thoát nước ở những diện tích bị ngập; bảo đảm lượng giống để khôi phục sản xuất; ưu tiên gieo trồng những loại rau ăn lá ngắn ngày đáp ứng nhu cầu tiêu dùng…

Đồng hành cùng nông dân

Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Ðến sáng 18/9, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa, lũ đã làm hơn 300.000 ha cây trồng bị thiệt hại; trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng là 200.000 ha, rau màu 51.000 ha và 61.000 ha cây ăn quả, cây công nghiệp…”.

Mặc dù vậy, việc phòng, chống úng còn gặp khó khăn do mất điện và lũ sông ngoài cao ảnh hưởng đến khả năng vận hành; nhiều công trình phải dừng vận hành dài ngày như: Các công trình dọc sông Cầu của hệ thống thủy lợi Bắc Ðuống; dọc sông Ðáy, sông Hồng của hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, Sông Nhuệ.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung: “Bão, lũ ước tính thiệt hại trong lĩnh vực trồng trọt hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó lúa khoảng 3.000 tỷ đồng; rau màu, cây ăn quả… khoảng 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là con số ước tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương đang tiếp tục thống kê, rà soát để có những số liệu cụ thể.

Ðể hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn các địa phương phục hồi sản xuất sau bão, nhất là hoàn lưu sau bão. Trên cơ sở đó, tất cả những lĩnh vực trong ngành nông nghiệp đều có những hướng dẫn cụ thể để các địa phương và nhân dân khắc phục những diện tích cây trồng bị ngập, úng có thể hồi phục được; chủ động bơm tiêu úng đối với những diện tích cây trồng bị ngập với phương châm giúp người dân mau chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống… Bên cạnh đó, Bộ đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ… giúp nhân dân phục hồi sản xuất”.

Ðể đồng hành cùng các địa phương và bà con nông dân, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang chung tay, góp sức hỗ trợ để khôi phục sản xuất. Ðến sáng ngày 18/9, có nhiều doanh nghiệp, hiệp hội… thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp… cùng tiền mặt giúp các địa phương và bà con nông dân phục hồi sản xuất với trị giá 15,2 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Vượng, đại diện Tập đoàn Quế Lâm cho biết: “Bão, lũ vừa qua, các mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ giữa tập đoàn và nông dân như: Lúa, cam, bưởi, ngô... nhiều nơi bị ngập. Một số nơi, khi nước rút, thóc bị mọc mầm hoặc mất trắng, cây ăn quả có nơi rụng từ 70 đến 80%, ngô đổ rạp. Ðể giúp nhân dân, thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập đoàn hỗ trợ 100 tấn phân bón hữu cơ để phục vụ khôi phục sản xuất”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo cũng chia sẻ: “Nhằm giúp nhân dân phục hồi sản xuất, công ty sẽ hỗ trợ 30 tấn giống ngô, 20 tấn giống lúa. Trên cơ sở đó, công ty sẽ phân bổ theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và giao trực tiếp để bảo đảm đúng giống cho địa phương có nhu cầu”.

Bảo đảm nguồn giống phục vụ sản xuất

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, hiện nay nhu cầu hạt giống và cây trồng để phục hồi, khôi phục sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt là rất lớn. Trong đó, với cây lúa cần 15 nghìn tấn giống để sản xuất vụ đông xuân 2024-2025; rau các loại cần 112,5 tấn và hơn 1.000 tấn giống ngô. Tuy nhiên, lượng giống trong kho dự trữ quốc gia đối với giống lúa chỉ còn hơn 4.100 tấn; hạt giống rau còn 0,25 tấn, giống ngô còn 257,4 tấn.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng: “Với sự chung tay của các doanh nghiệp, cộng với các nguồn lực khác và những chính sách hỗ trợ, chúng tôi tin tưởng số lượng giống để nhân dân khôi phục sản xuất sẽ bảo đảm. Theo đánh giá lúa giống hiện nay thiếu nhiều nhưng là phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân 2024-2025 cho nên còn thời gian để bảo đảm nguồn cung ứng”.

Nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người nông dân, góp phần khắc phục hậu quả bão, lũ gây ra, bảo đảm kế hoạch sản xuất trồng trọt cho các địa phương phía bắc, Cục Trồng trọt cũng có văn bản đề nghị các hội, hiệp hội, doanh nghiệp… sản xuất, kinh doanh giống cây trồng xem xét, chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của mưa, bão, lũ; không nâng giá bán giống cây trồng; chủ động phương án sản xuất, kinh doanh bảo đảm đầy đủ số lượng, chất lượng giống cây trồng như: Lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả... nhằm cung ứng kịp thời cho sản xuất.

Ngoài ra, những diện tích cây ăn quả bị nghiêng, đổ bà con nông dân cần chống dựng, bón phân… để cây hồi phục, phát triển. Dự kiến, trong sản xuất vụ đông năm 2024 ở các địa phương phía bắc, diện tích sẽ được mở rộng thêm để bảo đảm nguồn rau, củ, quả cho người tiêu dùng.

Bão, lũ vừa qua cũng gây thiệt hại nặng cho nhiều diện tích cây có múi và chuối. Hai loại quả này vào dịp Tết Nguyên đán có nhu cầu nhiều, trong khi việc trồng mới để có quả phục vụ không kịp; vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương có diện tích bị ảnh hưởng cần khôi phục, chăm sóc tối đa để có sản lượng tốt cho những nơi bị thiệt hại nặng./.

 ĐÓNG GÓP XÂY DỰNG TƯƠNG LAI BỀN VỮNG 

Trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc từ ngày 20/9/1977, sau 47 năm, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đóng góp ngày càng hiệu quả vào các lĩnh vực trụ cột của tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu. Từ một quốc gia nhận được nhiều sự hỗ trợ của Liên hợp quốc trong công cuộc tái thiết đất nước, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn trong các chương trình nghị sự đa phương trên toàn cầu, trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.

Quan hệ, hợp tác với Liên hợp quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, phản ánh rõ nét ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập, dân chủ, hợp tác và phát triển.

Tại các chương trình nghị sự, Việt Nam luôn đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, cũng như nỗ lực tăng cường hữu nghị, hợp tác và quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia.Với vị thế, uy tín quốc tế ngày càng tăng, Việt Nam được cộng đồng quốc tế bầu giữ trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an hai lần và là Phó Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77.

Việt Nam đã tạo nhiều dấu ấn quan trọng, nổi bật là việc chủ trì xây dựng và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573 - nghị quyết riêng đầu tiên của Hội đồng Bảo an về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân trong xung đột, được tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an và đông đảo quốc gia thành viên đồng bảo trợ.

Ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận đa phương để giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu, Việt Nam đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên hợp quốc và là quốc gia thứ 10 trên thế giới phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW).

Việt Nam tham gia hầu hết các hiệp ước quốc tế về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giải trừ quân bị, nổi bật là Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước Khu vực Ðông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ), truyền tải mạnh mẽ thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình.

Kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình dưới lá cờ Liên hợp quốc, cử hàng trăm lượt sĩ quan quân đội và công an tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan (UNMISS) và Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), triển khai Ðội công binh tại Phái bộ Liên hợp quốc tại Abyei (UNISFA) và làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc.

Thông qua sự hỗ trợ thiết thực và gắn bó với người dân địa phương, lực lượng vũ trang Việt Nam đã thật sự trở thành những “sứ giả của hòa bình” ở mỗi địa bàn đóng quân, ngày càng nâng cao hình ảnh, vị thế trong mắt bạn bè quốc tế.

Trong gần 50 năm qua, sự hợp tác hiệu quả với Liên hợp quốc góp phần quan trọng vào tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền phát triển Surya Deva nhận định, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực như xóa đói, giảm nghèo, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, phát triển hạ tầng có khả năng chống chịu và tăng cường đổi mới sáng tạo.

Nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt những thách thức mà hệ thống quốc tế hiện tại chưa được trang bị để giải quyết, Ðiều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis hy vọng rằng, Việt Nam tiếp tục đóng góp tiếng nói và vai trò dẫn dắt của mình trong các cuộc đối thoại toàn cầu, cùng Liên hợp quốc tạo dựng nền tảng công bằng và bền vững hơn cho tương lai./.

Làng Nủ và Nậm Tông - những ngày đầu xây nơi ở mới.

 

Đứng trên đồi sim, nơi xây dựng mới khu dân cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), anh Sầm Văn Bóng phóng tầm mắt ra xa, hướng về nơi ở cũ, mắt rưng rưng lệ. Rồi anh quay lại làm việc cùng mọi người, chung tay tái thiết Làng Nủ mới. Anh hiểu rằng mất mát nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai, điều quan trọng bây giờ là sống cho hiện tại và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Tâm trạng của anh Bóng cũng là nỗi niềm chung của bà con thôn Làng Nủ và thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai).

Để góp phần hỗ trợ nhân dân sớm ổn định cuộc sống, trong hai ngày 21 và 22-9, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức khởi công xây dựng Khu tái thiết thôn Làng Nủ và Nậm Tông. Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng là đơn vị trực tiếp thi công. Tham dự lễ khởi công có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó tư lệnh Binh đoàn 12. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Lào Cai; bà con nhân dân thôn Làng Nủ và Nậm Tông.

Quyết tâm dựng lại những ngôi làng sau lũ

Từ thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) vào thôn Làng Nủ chừng 20km vẫn còn ngổn ngang bùn đất, nhiều điểm còn cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở cao. Khu tái thiết xây dựng thôn Làng Nủ mới nằm trên đồi sim, có tổng diện tích 18,5ha, cách thôn cũ 2km. Trước đó, đồng chí Trịnh Xuân Trường và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã trực tiếp khảo sát, lựa chọn địa điểm; bà con thôn Làng Nủ biểu quyết nhất trí 100% lựa chọn địa điểm xây dựng khu làng mới.

Mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nhiều địa phương phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Lào Cai. Mưa, lũ dù đã đi qua, cuộc sống cũng đang từng ngày trở lại với người dân các vùng bị bão, lũ nhưng phía trước vẫn còn muôn vàn khó khăn, muôn việc phải làm. Khi chúng tôi đến khu tái định cư mới của thôn Làng Nủ, Trưởng thôn Hoàng Văn Diệp đang phân công bà con cùng chung tay giúp sức với cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị thi công để công tác giải phóng mặt bằng sớm hoàn thành. Đồng chí Hoàng Văn Diệp cho biết: "Trong giai đoạn 1, thôn xây dựng trên diện tích 10ha, có 40 hộ dân chuyển đến. Đây vừa là nơi định cư lâu dài của nhân dân trong thôn vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống hằng ngày, phù hợp với văn hóa, tập quán của bà con".

Đường đến với thôn Nậm Tông còn gian khổ hơn nhiều. Đêm 21-9 trời mưa khiến đường trơn trượt, vì thế, anh lái xe liên tục phải cài cầu mới có thể vượt qua được những đoạn đường đầy bùn đất nhão nhoét. Dọc đường còn hơn chục điểm sạt lở, đất đá có thể sạt lở xuống bất cứ lúc nào. Do chịu ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 7 đến 11-9, trên địa bàn huyện Bắc Hà có mưa to, nhiều nơi mưa rất to gây thiệt hại nặng về người, tài sản, hoa màu... của nhân dân. Đặc biệt, vụ sạt lở đất vùi lấp các hộ dân tại thôn Nậm Tông khiến 18 người chết và mất tích (hiện tại đã tìm được 14 người; còn 4 người mất tích) và 11 người bị thương. Đau thương trùm lên thôn Nậm Tông, nơi có 98% đồng bào Mông sinh sống.

Khu tái định cư thôn Nậm Tông được chính quyền tỉnh Lào Cai bố trí nằm trên khu đồi cao, rộng gần 4ha, cách thôn cũ gần 2km, có thể đáp ứng chỗ ở cho 70 hộ dân với diện tích tối thiểu mỗi hộ khoảng 300m2. Khu đất này có mặt bằng rộng, không phải san gạt nhiều, gần nguồn nước, thuận lợi cho việc thi công hạ tầng kết nối. Là người chịu nhiều mất mát nhất sau trận lũ quét vừa xảy ra, cho đến bây giờ, anh Lý Seo Thở (người dân thôn Nậm Tông) vẫn chưa hết bàng hoàng, đau khổ. Mưa, lũ đã cuốn đi vợ và hai con của anh. Trong nỗi đau tột cùng, anh luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ của nhiều người. Anh mong khu ở mới của dân làng nhanh được hoàn thành để bà con đỡ khổ, sớm trở lại với cuộc sống bình thường, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Trước mất mát, đau thương của người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai do hoàn lưu bão số 3 gây ra, đặc biệt là hai thôn Làng Nủ và Nậm Tông, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, từng bước khôi phục lại cuộc sống của nhân dân. Chung tay cùng với bà con, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài luôn hướng về nhân dân vùng lũ các tỉnh phía Bắc nói chung, bà con thôn Làng Nủ và Nậm Tông nói riêng. 

Đặc biệt trong đợt này, Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam quyết định hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng 42 công trình ở thôn Làng Nủ (40 nhà ở, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 1 điểm trường mầm non) và 17 công trình ở thôn Nậm Tông (15 nhà ở, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 điểm trường mầm non). Đồng chí Lê Ngọc Quang khẳng định: "Đây là việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực. Trong những ngày qua, Quỹ Tấm lòng Việt nhận được sự đóng góp, ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Quỹ không chỉ hỗ trợ bà con tái thiết hai khu dân cư mà sẽ tiếp tục đồng hành, giúp đỡ các gia đình, đặc biệt là các cháu học sinh trong những thời gian tiếp theo, với ước nguyện bà con sớm ổn định và có cuộc sống tốt đẹp hơn".

Sáng ngời thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Khi lũ dữ ập đến quét đi cả thôn Làng Nủ và nhiều hộ dân thôn Nậm Tông, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 đã băng qua những cung đường sạt lở để đến với người dân nhanh nhất; kịp thời hỗ trợ, ứng cứu nhân dân trong những thời khắc gian khó nhất. Hôm nay, vẫn là những người lính Cụ Hồ, cán bộ, nhân viên, người lao động Binh đoàn 12 lại tiếp tục hành trình, chung tay cùng các nhà hảo tâm, cấp ủy, chính quyền địa phương tái thiết thôn Làng Nủ và Nậm Tông.

Là đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đồng hành, thi công dự án, những ngày qua, Binh đoàn 12 đã nhanh chóng đưa phương tiện, nhân lực vào triển khai thi công mặt bằng. Đại tá Nguyễn Thế Lực cho biết: "Phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn, nhận rõ trách nhiệm nghĩa tình mà thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao, đơn vị đã tập trung huy động đội ngũ cán bộ, kỹ sư có năng lực, kinh nghiệm và xe-máy, thiết bị triển khai thi công dự án bảo đảm chất lượng, đúng thiết kế; động viên cán bộ, nhân viên, người lao động vượt mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành khu tái định cư cho bà con thôn Làng Nủ và Nậm Tông trước ngày 31-12-2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong suốt chiều dài lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đã chở che, đùm bọc, yêu thương, nuôi dưỡng bộ đội. Đó là ơn nghĩa mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 luôn ghi lòng tạc dạ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng khu ở mới cho người dân thôn Làng Nủ và Nậm Tông tốt nhất, nhanh nhất, phù hợp nhất".

Đánh giá Binh đoàn 12 là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong tái thiết các khu dân cư, điều đó được thể hiện rõ khi đơn vị triển khai nhanh chóng nhân lực, vật lực tái thiết khu tái định cư cho bà con thôn Làng Nủ và Nậm Tông, đồng chí Lê Ngọc Quang mong rằng cán bộ, nhân viên, người lao động Binh đoàn 12 sẽ quyết tâm rút ngắn hơn nữa thời gian thi công để bà con sớm ổn định cuộc sống.

Những khó khăn, mất mát rồi sẽ qua đi để dành cho bà con hai thôn một tương lai mới tốt đẹp hơn. Với những hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sẽ có nhiều gia đình không tìm lại được những gì mình có trong quá khứ nhưng với tình cảm, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của đồng bào nơi đây, cũng như nghĩa cử cao đẹp của đồng bào cả nước, chắc chắn bà con sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Rồi đây, hai khu đất mới ở thôn Làng Nủ và Nậm Tông sẽ có nhiều ngôi nhà mới được hình thành, những ngọn cỏ non cũng bắt đầu mọc lên. Trên các triền núi, những thân cây bị mưa lũ dập vùi bắt đầu xanh trở lại, một cuộc sống mới đang thực sự hồi sinh.

Dọc đường chúng tôi trở về Hà Nội, vẫn còn nhiều đoàn hỗ trợ đồng bào lũ lụt tiếp tục hướng về các tỉnh phía Bắc. Thôn Làng Nủ và Nậm Tông đang được tái thiết và vẫn còn đó nhiều khó khăn, thiếu thốn rất cần sự chung tay của đồng bào cả nước để bà con sớm ổn định cuộc sống, vươn lên xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp.

Ý nghĩa lịch sử của hai chiến thắng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Tháng 10-1944, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh yêu cầu: “Trong vòng một tháng, phải có hoạt động gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội”.

 Do tầm quan trọng của trận đầu tiên, từ tháng 11-1944, Ban chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đã bắt tay ngay vào nghiên cứu chuẩn bị cho trận đánh. Sau khi bàn bạc rất kỹ lưỡng, trinh sát thực địa, nắm cơ sở, điều tra quy luật hoạt động của địch, ban chỉ huy Đội quyết định, dùng cải trang tập kích để đánh các đồn Phai Khắt vào chiều 25-12-1944 và Nà Ngần vào sáng 26-12-1944.

Hai ngày sau lễ thành lập, toàn đội xuất quân chiến đấu. Lực lượng đánh đồn gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Để đột nhập đồn địch thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho chuẩn bị sẵn “giấy đi tuần” giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh. Chiều 24-12, đội cải trang thành lính dõng, hành quân về Phai Khắt. Sau khi nhận được tin Đồn trưởng Simônô lên châu lỵ Nguyên Bình, 17 giờ, đồng chí Thu Sơn đóng giả “Đội xếp”, dẫn quân tiến vào đồn và nhanh chóng chia làm hai mũi: Mũi 1 chiếm nơi để súng, mũi 2 bao vây đồn. Đồng chí Thu Sơn hô to: “Rát-săm-măng” (tập hợp). Khi 17 tên lính và 1 tên cai đứng thành hàng ở giữa sân, đồng chí Thu Sơn chĩa ngang tiểu liên nói to: Chúng tôi là quân cách mạng, anh em giơ tay đầu hàng, sẽ không giết ai, giơ tay lên! Cùng lúc, các chiến sĩ chĩa súng vào quân địch. Không kịp trở tay, toàn bộ quân địch đầu hàng. Một lúc sau, tên chỉ huy đồn Simônô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên, thu 17 khẩu súng, một ít đạn, quân trang. Ngay trong đêm 25-12, Đội hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km), nơi có đồn Nà Ngần, tiến hành rút kinh nghiệm, biểu dương các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ và phổ biến lại kế hoạch tiến công đồn Nà Ngần.

Đánh đồn Nà Ngần, Đội cải trang làm một toán lính dõng, lính khố đỏ, áp giải ba “Cộng sản Mán” đến giao nộp cho quan đồn. Khoảng 7 giờ, sáng 26-12, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong dẫn “ba cộng sản” bị trói vào đồn, cùng với lá cờ tam tài Đội lấy được ở đồn Phai Khắt. Bọn lính trong đồn Nà Ngần tưởng thật, vội bố trí 6 lính và tên cai ra xếp hàng đón. Đội nhanh chóng vào trong đồn, 4 chiến sĩ tiến tới giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên Đường để đánh lạc hướng. Tiểu đội 2 chặn các cửa đồn, sau đó chia thành từng tổ vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên, vừa gọi địch đầu hàng. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng và nhiều đạn. Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn, biểu ngữ. Tù binh được tập hợp ở giữa sân, hai nữ đồng chí Cầm và Thanh giải thích cho họ hiểu chủ trương chính sách của Việt Minh. Một số tù binh xin đi theo cách mạng, còn lại xin trở về quê.

Hai trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần tuy quy mô không lớn, nhưng có ý nghĩa rất to lớn. Đây là hai trận đánh có tổ chức, kế hoạch, có công tác tham mưu, chính trị, hậu cần. Hai trận đánh tiêu diệt nhanh gọn, diễn ra cách nhau mười mấy giờ, ở hai địa điểm cách nhau khoảng 15km. Đây cũng là trận đánh ra mắt của Đội. Nó chứng tỏ nhận định sáng suốt của Đảng: Cách mạng lúc này đã từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Hai chiến thắng đã tác động mạnh mẽ, gây hoang mang, lo sợ trong hàng ngũ quân địch, đồng thời, cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng trong vùng, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ, vùng dậy đạp đổ xiềng xích của thực dân, phong kiến, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Đối với Đội, hai thắng lợi này tạo niềm tin tất thắng cho các chiến sĩ, đặc biệt để lại những bài học kinh nghiệm quý đầu tiên cả về chính trị và quân sự. Số vũ khí thu được sau hai trận đánh đã giúp Đội có thêm vũ khí, trang bị.

Với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, “hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã biểu hiện tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, trí thông minh, sáng tạo của chỉ huy, lòng yêu nước và dũng khí chiến đấu của toàn thể đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tính nhân dân của một đội quân cách mạng biểu hiện trong khi thu dọn chiến trường, đặt kế hoạch chống địch khủng bố, bảo vệ dân”. Hai thắng lợi này còn thể hiện việc quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, là phải luôn dựa vào dân, phải có sự phối hợp tốt giữa bộ đội chủ lực và các đội vũ trang, các đội tự vệ địa phương.

Nhân dân và các đội du kích địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Đội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các trận đánh. Cán bộ cơ sở và quần chúng cách mạng địa phương đã giúp Đội nắm tình hình địch trong đồn, tìm quần áo lính dõng để cải trang đột nhập đồn địch. Họ còn đảm nhận việc tiếp tế, canh gác vòng ngoài, cảnh giới, giữ bí mật cho trận đánh. Và sau khi trận đánh thắng lợi, nhân dân lại giúp Đội thu dọn chiến trường, xóa dấu vết, giữ bí mật những hoạt động của Đội, giải quyết tù binh. Đội cũng đã phối hợp tốt với cán bộ địa phương, thống nhất trong việc đối phó với địch khi chúng quay lại… Những hoạt động trên đây, dù mới chỉ là bước đầu, đã là “mầm mống của cái mà ngay từ hồi đó đã được gọi là quần chúng chiến tranh”.

Về chính trị, hai chiến thắng đã góp phần thực hiện được phương châm “lấy chiến thắng để tuyên truyền vũ trang”, “lấy tuyên truyền vũ trang để giành chiến thắng mới” như lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị. Sau hai trận đánh, Đội cử người làm tốt công tác dân vận và đối xử tốt với tù binh, nên đã góp phần phát huy khí thế thắng lợi và khẳng định tính ưu việt của đội quân cách mạng.

Về chiến thuật, chiến thắng trọn vẹn của hai trận đầu ra quân là thành quả của sự vận dụng chiến thuật thích hợp. Trong hai trận đánh này, “chiến thuật tiến công bằng lối hóa trang kỳ tập (tập kích) đã mở đầu một cách xuất sắc trang sử chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Hóa trang kỳ tập là lối đánh tốn ít súng đạn, thương vong thấp, song hiệu quả chiến đấu lại cao, rất phù hợp với điều kiện của đội lúc đó mới thành lập, chưa được huấn luyện, vũ khí đạn dược ít ỏi. Hai trận đánh đầu tiên, ngoài việc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong hai đồn, Đội còn thu được nhiều vũ khí, lương thực, phương tiện chiến đấu. Thắng lợi của hai trận đầu ra quân đã thể hiện một số nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự.

Thứ nhất, đó là nghệ thuật chọn mục tiêu và thời điểm tiến công. Về mục tiêu tiến công, trên cơ sở phân tích so sánh địch - ta, yêu cầu chắc thắng của trận đầu ra quân, ban lãnh đạo và chỉ huy Đội đã chọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mỗi đồn lực lượng địch chỉ có khoảng 20 tên. Hai đồn này địch lại tỏ ra chủ quan, canh gác bố phòng tương đối sơ hở, đường tiếp cận của quân ta đến đồn không xa. Hai đồn địch lại nằm cách xa nhau và xa trung tâm chỉ huy của địch (châu lỵ Nguyên Bình). Do đó, khi ta đánh xong mỗi đồn, vẫn có điều kiện cả về thời gian và không gian giải quyết trọn vẹn trận đánh. Về thời cơ tiến công, ta chọn vào những lúc bất ngờ nhất đối với địch: Đánh đồn Phai Khắt vào lúc 17 giờ, lúc địch đang hoặc vừa ăn cơm chiều xong; đánh đồn Nà Ngần vào lúc 7 giờ sáng, khi địch vừa ngủ dậy. Cả hai đồn lúc ta đánh, đều vào lúc địch sơ hở, mất cảnh giác nhất.

Thứ hai, trong hai trận đầu ra quân, Đội đã khai thác tốt yếu tố bí mật, bất ngờ, khiến địch trong hai đồn trở tay không kịp. Yếu tố bí mật, bất ngờ là yếu tố quan trọng, yếu tố cốt tử trong chiến thuật quân sự nói chung và với chiến thuật hóa trang kỳ tập nói riêng. Trong hai trận Phai Khắt và Nà Ngần, ta đã giữ được yếu tố bí mật từ đầu đến cuối, từ lên kế hoạch tác chiến, tổ chức hành quân, triển khai lực lượng, đến thực hành chiến đấu. Chính điều này cùng với sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của các chiến sĩ, đã làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp phản ứng.

Thứ ba, để trận đầu chắc thắng, Ban chỉ huy Đội đã chuẩn bị rất chu đáo, lúc vào trận thì tiến công kiên quyết, xử trí linh hoạt các tình huống phát sinh ngoài dự kiến. Ban chỉ huy Đội nghiên cứu tình hình địch kỹ lưỡng, lên kế hoạch tỉ mỉ, tiến hành công tác chuẩn bị và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lựợng tự vệ địa phương. Trong nắm địch, Đội đã biết tận dụng quần chúng nhân đân làm tai mắt, để nắm chắc, đầy đủ những thông tin mới nhất về tình hình đồn địch. Trận Phai Khắt có tình huống phát sinh là tên đồn trưởng Phai Khắt về khi trận đánh gần kết thúc; trong trận Nà Ngần, tình huống phát sinh là khi đồng chí Thu Sơn có nguy cơ bị lộ khi đang đối mặt với tên đội Đường. Những xử lý nhanh nhạy, kịp thời đã góp phần vào thắng lợi. Bên cạnh đó, cả hai trận đánh đều thể hiện tư tưởng đánh tiêu diệt, làm chủ chiến trường, bắt tù binh, vừa đánh vừa tự vũ trang, để đảm bảo cho đội quân cách mạng non trẻ càng đánh càng mạnh. Về những trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, một nhà sử học người Pháp đã nhận xét: “Những trận đánh nhằm mục đích rõ ràng là thu vũ khí và gây ảnh hưởng tới tinh thần dân chúng, nhưng đã được thực hiện với một kỹ thuật hoàn hảo, tinh thần gan dạ và có phương pháp”.

LÊ QUÝ ĐÔN CHỈ RA 5 NGUY CƠ MẤT NƯỚC

 LÊ QUÝ ĐÔN CHỈ RA 5 NGUY CƠ MẤT NƯỚC

1. Trẻ không kính già.
2. Trò không trọng thầy.
3. Binh kiêu tướng thoái.
4. Tham nhũng tràn lan.
5. Sĩ phu ngoảnh mặt.
Có thể là hình ảnh về đài kỷ niệm và văn bản
Thích
Bình luận
Gửi
Chia sẻ

NGHĨ VỀ VĂN HÓA SẺ CHIA

 NGHĨ VỀ VĂN HÓA SẺ CHIA

Bão số 3 với cường độ mạnh nhất trong nhiều năm qua gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, miền núi phía Bắc. Trong tình cảnh ấy, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay ủng hộ nhân dân vùng bão, lũ với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Một lần nữa, tình đồng bào, văn hóa sẻ chia lại được phát huy và trở thành chất keo để củng cố khối đại đoàn kết và tinh thần yêu nước thêm bền chặt.
Với người Việt, dù sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu thì văn hóa sẻ chia cũng luôn được phát huy. Nó giống như một loại gen sinh học tồn tại trong cơ thể mỗi con người và được di truyền từ đời này sang đời khác.
Căn cốt của văn hóa sẻ chia chính là tình người, tình dân tộc, một trong những phẩm chất đặc sắc và là gốc để làm nên văn hóa Việt Nam. Bởi người Việt đều có chung nguồn gốc, là dòng giống con rồng, cháu tiên và có chung tổ phụ, tổ mẫu là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đây cũng chính là nguồn gốc lý giải cho tinh thần "tương thân tương ái"; cố kết cộng đồng, đoàn kết, thủy chung của người Việt.
Sinh sống tại vùng đất có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa khắc nghiệt và luôn phải đối chọi với thiên tai, giặc giã, ngay từ thuở hồng hoang và thời kỳ dựng nước, người Việt đã hình thành cho mình những phẩm chất riêng, đó là lòng yêu nước, tự tôn, tự hào dân tộc; đó là ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước bão tố và kẻ thù xâm lược; đó là tinh thần đoàn kết, sẻ chia, "tương thân tương ái".
Trước hết, sức mạnh của văn hóa sẻ chia được tụ trong truyền thuyết, truyện cổ tích; trong tục ngữ, ca dao, một loại hình văn học truyền miệng gắn với lao động nông nghiệp lúa nước của người Việt hàng nghìn năm. Sức mạnh của văn hóa sẻ chia gắn với các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát bội, hát xoan, dân ca quan họ, ví, giặm...
Theo đó, người Việt truyền dạy cho nhau những điều hay lẽ phải. Trước hết, người Việt quan niệm, cùng chung sống trong một quốc gia phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Thế nên, ông bà luôn dạy bảo con cháu phải biết yêu nước, yêu thương đồng bào để tạo nên một quốc gia đoàn kết, hùng mạnh: “Bắc Nam là con một nhà/ Là gà một mẹ, là hoa một cành/ Nguyện cùng biển thẳm non xanh/ Thương nhau nuôi chí đấu tranh cho bền”; “Anh em cốt nhục đồng bào/ Kẻ sau người trước phải hào cho vui”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”...
Nói về tinh thần "tương thân tương ái" của người Việt có thể kể đến các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ mà hầu như ai cũng thuộc từ lúc còn bé thơ: “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Chị em như chuối nhiều tàu/ Tấm lành che tấm rách đừng nói nhau nặng lời”, “Em ơi chua ngọt đã từng/ Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau”.
Ngày nay, văn hóa sẻ chia của người Việt được phát huy và trở thành nét đẹp rất đáng trân trọng. Một trong những ví dụ điển hình của văn hóa sẻ chia đó là tinh thần xả thân của bộ đội, công an, dân quân tự vệ và nhiều lực lượng khác để giúp đỡ đồng bào trong thiên tai, bão, lũ. Trong công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm ấy, đã có những người mãi mãi không trở về. Họ đã cống hiến sức lực và tính mạng của mình để nhân dân có cuộc sống bình yên. Họ đã bồi đắp vào nét văn hóa sẻ chia của dân tộc bằng đức hy sinh và tấm gương quả cảm, truyền cảm hứng cho muôn đời sau.
Khi nói đến văn hóa sẻ chia, ta thường nghĩ đến hành động người này, tập thể này giúp đỡ người khác, tập thể khác khi gặp vấn đề nào đó. Đó có thể là những lời động viên, thăm hỏi chí nghĩa, chí tình. Bên cạnh đó, sự sẻ chia còn thể hiện ở hành động ủng hộ, hỗ trợ tiền, hiện vật theo tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Là đất nước phải chịu nhiều thiên tai, đặc biệt trong những năm gần đây, khi mà tình hình khí hậu, thời tiết biến đổi khó lường, xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan thì văn hóa sẻ chia càng trở nên sâu đậm.
Điển hình là sau cơn bão số 3 vừa qua, mặc dù cũng bị thiệt hại rất nặng nhưng các tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng lại từ chối nhận kinh phí hỗ trợ của Trung ương và nhường số tiền ấy hỗ trợ các địa phương khó khăn hơn. Sau bão số 3 vài ngày, dù rất bận với công tác khắc phục hậu quả, song Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh và nhiều ban, bộ, ngành, địa phương đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào bão, lũ. Ngày 13-9, tỉnh Bắc Ninh đã gửi tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam số tiền ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ 10 tỷ đồng.
Cũng sau bão số 3, với tinh thần “máu chảy ruột mềm”, nhiều mạnh thường quân, tập thể doanh nghiệp, doanh nhân đã tặng quà hỗ trợ đồng bào vùng bão, lũ với kinh phí trị giá hàng tỷ đồng. Thật cảm động khi nghe tin người dân ở nhiều địa phương các tỉnh miền Trung, miền Nam cùng nhau gói bánh chưng chuyển tới bà con vùng lũ. Hay như khi biết việc cứu trợ ở Thái Nguyên, Yên Bái gặp khó khăn vì thiếu xuồng, ca nô, nhiều người dân ở Mỹ Đức (Hà Nội) và các địa phương khác đã vận chuyển phương tiện thủy lên hỗ trợ... Thật khó có thể kể hết những tấm lòng thơm thảo mang nghĩa tình đồng bào và văn hóa sẻ chia đang từng ngày, từng giờ hướng về nhân dân vùng bão, lũ.
Tuy nhiên, bên cạnh các điều tốt đẹp, nhân văn ấy, chúng ta cũng cần lên án những kẻ có dã tâm xấu xa khi đưa ra nhiều luận điệu đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, chúng xuyên tạc rồi kêu gọi tẩy chay vai trò vận động cứu trợ của MTTQ các cấp, khiến cho niềm tin xã hội bị chia rẽ. Đã có một số cá nhân kêu gọi từ thiện và trực tiếp đi từ thiện ở vùng lũ để rồi bỏ lại sau đó những rắc rối và nghi ngờ. Cá biệt, gần đây trong xã hội xuất hiện một số đối tượng cố tình lợi dụng văn hóa sẻ chia, lợi dụng từ thiện để "làm màu", "đánh bóng" tên tuổi. Họ nói một đằng làm một nẻo. Một mặt công bố với dư luận về số tiền ủng hộ lớn, nhưng mặt khác, họ lại chuyển tới tài khoản nhận ủng hộ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với số tiền nhỏ bé. Điều này đã gây ra sự phản ứng gay gắt trong dư luận.
Sinh ra từ một dân tộc có nền văn hóa phong phú, giàu ý nghĩa nhân văn và sáng tạo, trong đó nổi bật là văn hóa sẻ chia, văn hóa làm người. Thiết nghĩ, được thừa hưởng những giá trị văn hóa tinh túy ấy của dân tộc, trong thời hiện đại, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm phát huy. Không chỉ sẻ chia trước khó khăn, nỗi đau, mất mát của đồng bào mà chúng ta còn phải nghĩ tới sẻ chia cả cơ hội, thời cơ cho người khác để cùng phát triển, cùng có cuộc sống hạnh phúc, no ấm và bình yên. Tôi nghĩ rằng, đó chính là hành động thiết thực để giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa Việt trong thời kỳ mới.
Cùng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kỳ thú và nền văn hóa giàu bản sắc thì những hành vi đẹp của người Việt hiện đại sẽ tạo ra sức hấp dẫn vô hình, giữ chân bạn bè quốc tế đến với Việt Nam lâu hơn, dài hơn./.
Báo QĐND