Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC TỪ MẠNG XÃ HỘI

 


Ngày nay, mạng xã hội đã lan tỏa, trở thành một thứ “quyền lực” tác động đến mọi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh tính ưu việt, mạng xã hội bộc lộ hạn chế không nhỏ, tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội, con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Mạng xã hội là nền tảng trực tuyến kết nối mọi người cùng sở thích thông qua dịch vụ internet. Như vậy, cứ ở đâu có internet, phương tiện liên lạc thông minh thì tổ chức, cá nhân đều có thể thiết lập nội dung thông tin tương tác với nhau nhằm thực hiện mục đích nào đó. Mạng xã hội mặc dù mới xuất hiện (Facebook bắt đầu từ năm 2004, Twitter từ năm 2006…), nhưng đã nhanh chóng trở thành hiện tượng và một thứ “quyền lực” mới khi xuất hiện smartphone. Thực tế cho thấy, mạng xã hội (Facebook, Youtube, FB Messenger, Zalo, Instagram,…) đã đem lại nhiều tiện ích, hiệu ứng tích cực đối với con người và xã hội, làm cho các quốc gia, mọi tổ chức, cá nhân trên thế giới phải đổi mới phương pháp, hình thức, phong cách quản lý,… và trên thực tế đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, mạng xã hội đã sớm bộc lộ những tác động tiêu cực đến đời sống con người cả về tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đạo đức. Nguyên nhân hàng đầu là do người dùng chưa nhận thức, sử dụng đúng mạng xã hội; bị kẻ xấu lợi dụng biến thành nơi để thực hiện hành vi lừa đảo, kinh doanh bất hợp pháp, v.v. Nguy hiểm hơn, mạng xã hội bị các thế lực xấu biến thành công cụ, “mảnh đất lý tưởng” để truyền bá quan điểm sai trái, kích động bạo lực; xây dựng, phát triển mạng lưới tổ chức lực lượng thực hiện “Cách mạng màu”, tiến tới lật đổ, thay đổi thể chế chính trị ở quốc gia mà chúng nhắm tới. Thực tế cho thấy, sự bất ổn chính trị, xã hội do “Cách mạng màu” ở hàng loạt quốc gia, có nguyên nhân hàng đầu từ sự tác động tiêu cực của mạng xã hội. Mới đây, ở Mỹ, mạng xã hội là một tác nhân dẫn đến sự kiện khủng khiếp ngày 06/01/2021, mà cựu Tổng thống B. Obama gọi là “một trong những sự kiện đen tối nhất trong lịch sử đất nước”. Thông qua mạng xã hội, các lực lượng cực hữu đã tụ tập, tổ chức đánh thẳng vào “biểu tượng dân chủ Mỹ - Capitol” (Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ) làm rúng động đời sống chính trị, xã hội thế giới và chính nước Mỹ. Như vậy, mạng xã hội đem đến nhiều tiện ích, nhưng cũng tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, nên việc quản lý, làm lành mạnh các hoạt động trên mạng xã hội là đòi hỏi khách quan, tất yếu của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet và ứng dụng mạng xã hội hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam: Số lượng người dùng internet ở Việt Nam năm 2020 là 68,17 triệu người, tăng 6,2 triệu người so với năm 2019 (tăng đến 10%); có hơn 145 triệu thiết bị di động được kết nối với internet, bình quân mỗi người dùng 2,1 thiết bị di động và có hơn 65 triệu người dùng các mạng xã hội: Facebook, Youtube, Zalo, FB Messenger, Instagram, Tiktok, Twitter, Skype, Viber, Printest, Line, Linkedin, Wechat, Whatsapp, Twitch, Snapchat (theo thứ tự từ cao đến thấp). Không chỉ là công cụ tích cực chuyển tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước, quảng bá truyền thống lịch sử, chủ nghĩa yêu nước, nhân văn, nét đặc sắc văn hóa, mạng xã hội còn góp phần phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau xây dựng đất nước, cộng đồng, gia đình giàu đẹp, văn hóa, văn minh, ấm no, hạnh phúc, v.v.

Tuy nhiên, mạng xã hội ở Việt Nam có những bất cập, tác động tiêu cực không nhỏ đến đời sống xã hội với những thông tin thật, giả lẫn lộn, nhiễu loạn, như “mê hồn trận”. Trên Facebook, Youtube, Zalo,… nhan nhản bài viết, video clip, hình ảnh chứa đựng nội dung, hành vi phản văn hóa, thuần phong mỹ tục, cổ vũ bạo lực, coi thường pháp luật, đề cao lối sống vị kỷ,… do những kẻ xấu đưa lên. Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân cơ hội, phản động chính trị đã triệt để lợi dụng mạng xã hội để truyền bá quan điểm sai trái về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, truyền thống dân tộc, chế độ; kích động dư luận, hô hào tụ tập đông người, biến bức xúc thành bạo động,… phản đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp,… nhằm tạo điều kiện, môi trường cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, “cách mạng màu”, tiến tới lật đổ chế độ. Mặt trái của mạng xã hội làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, hành động của người dân, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền, an ninh quốc gia.

Vì vậy, văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định, “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”, làm lành mạnh, phát huy tiện ích, ngăn chặn, đẩy lùi tác động tiêu cực của mạng xã hội ở nước ta là yêu cầu cơ bản, cấp thiết của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trước hết là cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp. Theo đó, cùng với những giải pháp cơ bản, toàn diện, đồng bộ của Đảng, Nhà nước như nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân; hoàn thiện hệ thống pháp luật; đầu tư, phát triển các phương tiện, giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tiên tiến; xây dựng lực lượng nòng cốt chuyên sâu “vừa hồng, vừa chuyên”; đa dạng hóa hình thức và phương pháp làm trong sạch mạng xã hội… mỗi người dân, tước hết là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh khi sử dụng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác với những tác động tiêu cực của nó. Làm trong sạch, lành mạnh mạng xã hội, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hành động và chất lượng cuộc sống của người dân và ngược lại.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét