Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

Chủ nghĩa cộng sản vẫn là tương lai của xã hội loài người

 


Chủ nghĩa cộng sản là tương lai tất yếu của xã hội loài người không phụ thuộc vào tư duy và ý chủ quan của cá nhân, lực lượng xã hội nào, mà phụ thuộc vào tính tất yếu về kinh tế – xã hội trong xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội xã hội chủ nghĩa.

Suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học và đấu tranh cách mạng của mình, trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và tác phẩm Chống Đuyrinh, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định sự ra đời của chủ nghĩa tư bản là một giai đoạn phát triển mới của nhân loại. Các ông viết: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”. Nhưng mặt khác, các ông cũng chỉ ra rằng, trong xã hội đối kháng giai cấp đó, con người càng chinh phục thiên nhiên, cải tạo tự nhiên thì tình trạng người áp bức, bóc lột người càng được mở rộng.

Lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản từ lúc sơ khai cho đến lúc hiện đại và văn minh như ngày nay đã chứng minh rõ một sự thật hiển nhiên là, lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản càng phát triển đến trình độ xã hội hóa cao thì càng làm cho mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất với sự kìm hãm của quan hệ sản xuất mang tính tư nhân tư bản chủ nghĩa thêm sâu sắc. Vấn đề này hoàn toàn đúng với nhận định của C.Mác và Ph.Ăngghen trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng: “Từ hàng chục năm nay, lịch sử công nghiệp và thương nghiệp không phải là cái gì khác hơn là lịch sử cuộc nổi dậy của lực lượng sản xuất hiện đại chống lại quan hệ sản xuất hiện đại”.

Tính mâu thuẫn gay gắt trong lĩnh vực kinh tế của chủ nghĩa tư bản biểu hiện trên lĩnh vực chính trị – xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân, nhân dân lao động với giai cấp tư sản ngày càng trở nên quyết liệt.

Lịch sử nhân loại dưới xã hội tư bản hàng trăm năm qua, nhất là ở những giai đoạn chủ nghĩa tư bản rơi vào khủng hoảng đã chứng minh tính tất yếu về xã hội rằng: Cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản xuất hiện ngay từ khi chủ nghĩa tư bản hình thành ngày càng trở nên sâu sắc. Qua thực tiễn cuộc đấu tranh, giai cấp công nhân đã nhận thức được rằng, muốn giành thắng lợi phải tiếp thu chủ nghĩa xã hội khoa học, hình thành chính đảng của giai cấp mình. Khi đảng cộng sản ra đời, toàn bộ hoạt động của nghĩa đều hướng vào lật đổ nhà nước của giai cấp tư sản, xác lập nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Việc thiết lập nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là sự mở đầu của hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Từ Công xã Pari đến Cách mạng Tháng Mười Nga và đến sự ra đời của các nước và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trong những thể kỷ trước đã chứng minh cho sự tất yếu về kinh tế – xã hội này trong quá trình vận động, biến đổi, phát triển và diệt vong của hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa, khởi đầu và mở ra thời đại của hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà giai đoạn đầu của nó là xã hội xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa tư bản có những lúc chiến thắng chủ nghĩa xã hội với tính cách là một chế độ xã hội hiện thực; chủ nghĩa tư bản càng phát triển, nhất là trong giai đoạn mới ở thể kỷ XXI hiện nay, thì càng chứng minh cho những mâu thuẫn tất yếu không thể điều hòa về kinh tế và xã hội trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa cộng sản sẽ nảy nở và ra đời từ những nơi chủ nghĩa tư bản phát triển nhất, sự thật hiển nhiên đã được C.Mác và Ph.Ăngghen đúc kết từ quy luật phát triển của chủ nghĩa tư bản trong hàng trăm năm trước đó. Điều này vẫn còn đúng trong giai đoạn hiện nay.

Kinh tế – xã hội của nhân loại hiện nay đang vận động, phát triển với cấp số nhân trong điều kiện của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu sắc, trong thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ bùng nổ, phát triển đến giai đoạn thứ tư; trong điều kiện thông tin phát triển toàn cầu… thì nọi sự che đậy, giả tạo, phớt lờ hay cố tình xoa dịu những mâu thuẫn kinh tế – xã hội ấy của các thế lực, nhóm quyền lực trong hệ thống chính trị tư sản cũng chỉ là nhất thời mà thôi. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đang tích lũy những điều kiện chín muồi về một cuộc cách mạng xã hội, cải biến chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội. Có thể tới đây, những hình thức cách mạng như cách mạng bạo lực thường áp dụng để lật đổ, xóa bỏ chính phủ, nhà nước tư sản như thế kỷ XIX, XX sẽ bớt diễn ra, thì thay vào đó là cách mạng nghị trường của giai cấp những người lao động trên thế giới sẽ là tất yếu và thường xuyên hơn.

Dù bằng hình thức cách mạng nào, đấu tranh bằng bạo lực, đấu tranh nghị trường hoặc kết hợp cả hai thì sự tất yếu về kinh tế – xã hội đó cũng đang diễn ra một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết. Các nội dung, tiền đề cho một sự đổi thay về lớn lao, có tính chất cách mạng đa diễn ra trong xã hội tư bản hiện nay. Cho dù vừa qua chế độ xã hội chủ nghĩa có bị sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu (trước đây) và chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ở các nước còn lại hiện nay đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, thì tính tất yếu lịch sử tự nhiên về sự tiến hóa và phát triển của xã hội loài người lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là hiển nhiên.

Các thủ đoạn xuyên tạc, đánh đồng, quy chụp chủ nghĩa phát xít với chủ nghĩa xã hội; xuyên tạc lý tưởng cộng sản; phủ định tương lai, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản… theo lối mượn danh của các “nhà sử học”, hay vuốt đua, ăn theo, nói leo của những kẻ cố tình theo đuôi và tán dương chủ nghĩa tư bản cũng không thể nào thay đổi được bản chất tốt đẹp của lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và hiện thực của chủ nghĩa xã hội từ khi ra đời đến nay./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét