Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

NHẬN DIỆN NHỮNG CHIÊU TRÒ PHÁ HOẠI

 Bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tuy nhiên, với mưu đồ phá hoại bầu cử, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đang tiến hành nhiều hoạt động chống phá với tính chất hết sức quyết liệt.

Đáng chú ý, bằng việc thực hiện chiêu trò "tự ứng cử", hô hào các hội nhóm ủng hộ cho các “nhà dân chủ tự xưng”,  các đối tượng này đang hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử - Chiêu trò “ tự ứng cử” để phá hoại cuộc bầu cử.

Xuyên tạc, công kích công tác bầu cử ở Việt Nam. Bịa đặt việc người tự ứng cử bị “gây khó dễ, phân biệt đối xử”. Hay núp bóng cái gọi là “tự ứng cử" để kêu gọi ủng hộ cho các đối tượng tự xưng là “nhà dân chủ”.

 Những thủ đoạn này hoàn toàn không mới nhưng lại đang được các đối tượng phản động, cơ hội chính trị tiếp tục lợi dụng là để gây rối, chống phá cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Có thể thấy mục đích cơ bản nhất của chiêu trò “tự ứng cử” mà các “nhà dân chủ” đang thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử. Đồng thời, thông qua việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, các đối tượng đánh bóng tên tuổi của bản thân, từ đó kêu gọi sự hậu thuẫn về kinh tế của các tổ chức phản động quốc tế.

Càng gần đến thời điểm diễn ra bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, mức độ chống phá của các đối tượng phản động, phần tử cơ hội chính trị sẽ càng gay gắt và tinh vi hơn. Lực lượng công an đã phát hiện các âm mưu kích động, phá hoại, gây rối trật tự trong thời gian triển khai bầu cử.

So với những kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trước đây thì lần này, mức độ chống phá của các thế lực thù địch ngoài nước và cơ hội chính trị, “trở cờ” trong nước có diễn biến mới, trắng trợn, thâm độc hơn. Một trong những nội dung mà các đối tượng hướng tới là chiêu trò có tên gọi “không biết không bầu”.

Bất chấp ý nghĩa tốt đẹp về bầu cử đã được hiến định và quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, thời gian qua, trên mạng xã hội, một số đối tượng cơ hội chính trị trong nước đã phát động cái gọi là “không biết không bầu”. Điển hình là ngày 25-2-2021, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung thông tin có hình thức dưới dạng tờ rơi hỏi và trả lời, được chia sẻ rất nhanh.

Tại đây, đối tượng đưa ra các câu hỏi như: Đã từng thấy người nào diễn thuyết, kêu gọi bỏ phiếu cho họ chưa; ai là người đại diện cho quyền, lợi ích của bạn; đã có đại biểu Quốc hội nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bạn chưa...? Trả lời cho các câu hỏi trên là những từ “chưa từng thấy”, “chưa có”, đặc biệt là dẫn dắt đến khẳng định nếu ứng cử viên đại biểu Quốc hội có đề án nhưng không diễn thuyết thì không thể đại diện cho cử tri và thống nhất là không bầu.

Thực chất, việc kêu gọi “không biết không bầu” là chiêu trò rất thâm hiểm. Bởi nó là một hình thức cổ vũ cho chủ nghĩa tự do vô chính phủ và chủ nghĩa dân túy. Mục đích là để tẩy chay vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam, xóa bỏ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vậy nên, các tầng lớp nhân dân cần nâng cao cảnh giác, không để cho những cá nhân, tổ chức đã từng xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, lạm dụng dân chủ để dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử lần này. Cảnh giác với chiêu trò này, tập trung bảo vệ cho tiến trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là trách nhiệm không của riêng ai./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét