Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

Quyền lực mềm của Việt Nam




Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021 do Công ty định giá hàng đầu thế giới Brand Finance có trụ sở tại Anh công bố ngày 25-2 vừa qua, Việt Nam được tăng 2,5 điểm, tiến 3 bậc trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu, đứng ở vị trí 47/105 quốc gia được xếp hạng (Năm 2020 Việt Nam xếp thứ 50/60 các nước được xếp hạng). Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được thăng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu năm nay.


Có lẽ, đối với không ít người Việt Nam, khái niệm quyền lực mềm (hay sức mạnh mềm) không phải là một khái niệm quá quen thuộc. Xuất hiện từ khá lâu, nhưng đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước mới trở thành một khái niệm chính thức mang tính học thuyết, quyền lực mềm được hiểu như khả năng đạt được mục tiêu bằng sự hấp dẫn, thu hút, lôi cuốn, sức thuyết phục, chứ  không phải bằng sự áp đặt, cưỡng bức thông qua sức mạnh quân sự, kinh tế (cây gậy và củ cà rốt).


Hiện nay, sức mạnh mềm đã trở thành chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế, ngày càng trở thành trụ cột quan trọng trong việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng phạm vi ảnh hưởng quốc gia. Từ nhiều năm nay, các nước như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều coi đó như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược quốc gia và tìm mọi cách tạo dựng, khai thác “sức mạnh mềm” của mình nhằm lan tỏa ảnh hưởng, nâng cao hiệu quả các chính sách ngoại giao, chính trị của mình.


Tuy cho đến nay Việt Nam chưa có chiến lược để phát huy sức mạnh mềm một cách bài bản, dài hạn, nhưng trong những năm qua Việt Nam luôn tìm cách phát huy các yếu tố tạo nên sức mạnh mềm của mình, đó là: văn hóa, hệ các giá trị quốc gia và chính sách quốc gia.


Việt Nam có nền văn hóa bề dày hàng nghìn năm, phong phú, đa dạng. Ngày nay thế giới biết đến Việt Nam không phải chỉ như một “đất nước – chiến tranh”, mà qua những địa danh như Vịnh Hạ Long, Bãi biển Mỹ Khê, phố cổ Hội An, cầu Vàng ở Đà Nẵng, những di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng được UNESCO công nhận, những món ăn ngon nổi tiếng như phở Hà Nội, nem rán, “bún chả Obama”… Các giá trị văn hóa của Việt Nam đang ngày càng lan tỏa rộng rãi trên thế giới.


Một yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam đó là những giá trị tinh thần của dân tộc và con người Việt Nam được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Người Việt Nam dũng cảm, tài trí trong chiến tranh; thông minh, ham học hỏi, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động; thân thiện, cởi mở đối với người nước ngoài; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong khó khăn. Những giá trị tinh thần đó được thể hiện vô cùng sinh động trong thời gian đại dịch Covid-19, được cả cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao.


Việc xây dựng thương hiệu quốc gia là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên quyền lực mềm của một quốc gia, có tác dụng làm lan tỏa tên tuổi và hình ảnh quốc gia đó tới các nước khác trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam là nước có giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới, đạt mức 29%, với giá trị thương hiệu là 319 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất toàn cầu. Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.


Quyền lực mềm của Việt Nam không chỉ đến từ những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc và con người Việt Nam, từ những thành tựu kinh tế, từ những thương hiệu quốc gia, mà một phần quan trọng đến từ hệ thống chính sách quốc gia của Việt Nam. Với đường lối độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vươn lên để trở thành một nước có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với gần 200 nước trên thế giới, tham gia vào hầu hết các tổ chức toàn cầu và tổ chức khu vực lớn, trong đó có LHQ, WTO, APEC, ASEAN, ASEM…, là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tháng 2/2019 thu hút sự chú ý của cả thế giới.


Việc được thăng hạng liên tục trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu thể hiện sức mạnh, uy tín và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam. Các cường quốc thế giới đã phải thay đổi thái độ với Việt Nam và việc các ý kiến của Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế coi trọng là minh chứng cho sức mạnh mềm ngày càng gia tăng của Việt Nam.


Ông Joseph Nye, Giáo sư Đại học Harvard, Mỹ và là cha đẻ của học thuyết quyền lực mềm, trong một lần sang thăm Việt Nam, đã khẳng định: Việt Nam có nhiều tiềm năng về sức mạnh mềm và Việt Nam cần tận dụng điều đó cho sự phát triển của mình. Một chiến lược phù hợp nuôi dưỡng, phát huy sức mạnh mềm để tạo nên một sức mạnh tổng hợp sẽ giúp Việt Nam vững bước trên con đường phát triển để đạt được mục tiêu tham vọng là trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045./.


Bức tranh này là một trong những thực tế sáng lạng của Việt Nam mà các thế lực thù địch và cơ hội chính trị cố tình nhắm mắt làm ngơ. Có vậy thì ở họ lương tâm, lòng tự hào và tự tôn dân tộc mới biến mất và họ mới có đủ “dũng khí” để nói xấu Đảng, chế độ, xuyên tạc tình hình đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét