Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao tầm quan trọng
của báo chí - một vũ khí sắc bén, một bộ phận không thể thiếu của công tác cách
mạng và "ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh".
Vì vậy, Người coi viết báo là để hoạt động cách mạng và vì hoạt
động cách mạng mà viết báo. Đối với Người, mọi bài viết, việc làm đều vì một
mục đích là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đối với Người, báo chí là phương tiện vận
động, tập hợp lực lượng cách mạng và tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một
cách hiệu quả nhất.
Người cho rằng: "Đối với những người viết báo chúng ta, cái
bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đấu
tranh...". Đây thực sự là lời dạy quý báu của Người đối với những người
làm báo cách mạng, đồng thời cũng là bài học "cốt tử" được đúc kết từ
trong suốt cuộc đời lao động không mệt mỏi của vị lãnh tụ vĩ đại, người chiến
sĩ cộng sản lỗi lạc và nhà văn hóa, nhà báo lớn Hồ Chí Minh.
Kể
từ bài báo đầu tiên của Người đăng trên tờ Nhân đạo (L'Humanité) của Đảng cộng
sản Pháp vào ngày 02-08-1919 (bài Vấn đề Người bản xứ) đến bài báo cuối cùng (bài Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng) đăng trên báo Nhân dân ngày 01-06-1969, Người đã sử dụng gần
100 bút danh khác nhau và để lại cho lịch sử báo chí Việt Nam khoảng 2.000 bài
báo với đủ các thể loại tạo nên một phong cách độc đáo - phong cách báo chí Hồ
Chí Minh. Cả cuộc đời của Người, từ khi bôn ba tìm đường cứu nước đến khi đảm
đương nhiều trọng trách quốc gia, thời gian hết sức eo hẹp, Người vẫn không ngừng
viết báo. Bởi Người hiểu rất rõ vai trò và tâm quan trọng của báo chí trong cuộc
đấu tranh cách mạng và trong đời sống xã hội. Đối với Người, làm báo để làm
chính trị.
Mai Năm Mới (ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét