Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Chỉ huy phòng xét nghiệm Covid-19 công suất lớn nhất nước

Trung tá 43 tuổi, tóc muối tiêu cầm bộ đàm hướng dẫn đội ngũ liên tục xử lý mẫu xét nghiệm, khi nhiệt độ ngoài trời lên gần 40 độ C. Trong trung tâm xét nghiệm công suất 50.000 mẫu của CDC Bắc Giang (phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) hai phòng xử lý mẫu và phòng PCR chạy hết công suất suốt 24 tiếng. Hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm liên tục chuyển về. Mồ hôi rịn ra trên trán bác sĩ Hồ Hữu Thọ, chỉ huy trung tâm. Gần trăm tình nguyện viên Học viện Quân y và cán bộ CDC Bắc Giang chia làm bốn phân đội, xét nghiệm ba ca, mỗi ca 8 tiếng. Trong các phòng xử lý mẫu ban đầu rộng chừng 40 m2, kíp trực 15 người không phân biệt được ai khi tất cả đều mặc đồ bảo hộ màu trắng. Ở các phòng khác, người cắm cúi ống nghiệm, chuẩn bị dung dịch làm giàu gen đích, người thống kê, kiểm tra mã bệnh phẩm... Tiến sĩ quân y Hồ Hữu Thọ lên đường vào tâm dịch Bắc Giang chiều 18/5. Bốn xe chở đoàn chi viện gần trăm người của Học viện Quân y và lực lượng tình nguyện viên cùng trang thiết bị tăng cường cho phòng xét nghiệm công suất lớn của CDC Bắc Giang. Bốn ngày liên tiếp, Học viện đã tung hai đợt chi viện với gần 300 cán bộ, học viên năm cuối, kỹ thuật viên vào tâm dịch Bắc Giang. Toàn tỉnh lúc đó ghi nhận 507 ca nhiễm cộng đồng trong tổng số 1.473 ca nhiễm cả nước. Anh Thọ nhớ mình có nhiều thời gian chuẩn bị hơn các đồng đội, bởi lệnh điều động từ Bộ Quốc phòng đã công bố từ chiều 16/5. Trung tá 43 tuổi xách balo đựng hai bộ quần áo, dặn cậu con trai lớn vừa học hết lớp Bảy "Ở nhà nhớ chăm sóc mẹ và em", rồi lên đường. Đêm 20/5, đoàn chi viện quân y cùng CDC Bắc Giang đã hoàn chỉnh lắp đặt hệ thống để sáng hôm sau chạy thử nghiệm, đánh giá và ngày 22/5 bắt đầu tiếp nhận mẫu xét nghiệm. Trung tâm xét nghiệm công suất 50.000 mẫu mỗi ngày, lớn nhất nước hoàn thành trong 48 tiếng. Cùng Ban giám đốc và lãnh đạo khoa Xét nghiệm CDC Bắc Giang, tiến sĩ Hồ Hữu Thọ, Trưởng phòng Công nghệ gen và Di truyền tế bào, Học viện Quân y, trực tiếp chỉ huy hai lực lượng phối hợp để vận hành phòng xét nghiệm. Trong hành trang chi viện Bắc Giang, lực lượng mang theo bộ kit xét nghiệm AmphaBio HT- Hithroughput PCR Covid-19, gọi tắt là công nghệ AIMS RT-PCR. Bộ kit do Học viện Quân y hợp tác với Phòng khám đa khoa Y Dược Miền Đông Sài Gòn và Top Data Science (Helsinki, Phần Lan) nghiên cứu, chuyển giao cho Công ty Ampharco U.S.A sản xuất. Bộ kit "siêu nhạy" lần đầu sử dụng trong tâm dịch Bắc Giang, mười một ngày sau khi được Bộ Y tế cấp phép vào 7/5, trên cơ sở thẩm định của hội đồng chuyên gia y tế. Tiến sĩ Thọ đã nộp đơn đăng kí sáng chế quốc tế, hồi tháng 3/2021. Tác giả công trình cho biết, bộ kit bắt đầu được nghiên cứu từ tháng 3/2020, ngay khi đợt dịch đầu tiên đang bùng phát. Kit được thử nghiệm trên các bệnh nhân dương tính thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và qua đợt dịch tại Hải Dương. Phương pháp được đánh giá lâm sàng trên 142 ca dương tính, 1.034 mẫu âm tính và 14 chủng virus khác liên quan đến đường hô hấp. Với mẫu dương tính lẻ, độ nhạy đạt 100%; với nhóm gộp cả mẫu dương tính yếu, độ nhạy đạt 99,87%. Vượt trội của phương pháp này là dựa trên cơ chế phân tích 7 vùng gene đích của virus để phát hiện các chủng đột biến khác nhau của Covid-19. Trước khi mẫu xét nghiệm được đưa vào máy phân tích, kit xét nghiệm với hóa phẩm sinh học sẽ khuếch đại 7 vùng gene đích của virus lên. Nếu chúng tồn tại một hoặc một vài vùng gene đột biến để tạo thành biến chủng mới, thì với các vùng còn lại, kit vẫn có thể nhận diện ra, cho kết luận mẫu bệnh phẩm là dương tính. Thông thường, kit xét nghiệm được WHO khuyến cáo mà Việt Nam đang dùng từ đầu mùa dịch đến nay nhắm tới hai vùng gen đích (Gen E và RdRp). Test kit của CDC Mỹ nhắm tới ba gen đích (N1, N2 và N3); bộ kit của CDC Trung Quốc hướng tới hai vùng gen. Còn kit AIMS RT-PCR do Học viện Quân y nghiên cứu có thể phát hiện đồng thời 7 vùng gen đích khác nhau của virus (1 vùng gen E, 2 vùng gen RdRp và 4 vùng gen N). Trên cơ sở giải trình tự gen của thế giới hiện nay, hầu như chưa có virus nào đạt đến tốc độ đột biến cả 7 vùng gen đích, tiến sĩ Thọ khẳng định. Phương pháp có thể trộn 100 mẫu (pool). Một "mẻ" xét nghiệm chạy 8.820 mẫu cùng lúc, thay vì 96 mẫu như phương pháp Realtime-PCR hiện hành. Kết quả được đọc tự động bằng Al. Trong ba ngày từ 22 đến 25/5, trung tâm đã xét nghiệm 38.000 mẫu chuyển về từ các khu vực của Bắc Giang. Kết quả phát hiện 75 mẫu dương tính nCoV. Phòng phân tích nằm trong trung tâm được trang bị 15 máy làm giàu gen đích. Mỗi lượt chạy 150 phút được 1.400 mẫu. Nếu muốn tăng công suất chỉ cần tăng số lượng máy. Những chiếc máy nhỏ gọn có thể cơ động, dã chiến tại bất kỳ đâu. Chi phí xét nghiệm theo phương pháp này dao động từ 350.000 đến 400.000 đồng, giá thành giảm còn một nửa so với xét nghiệm Realtime-PCR (734.000 đồng). Nếu áp dụng chiến lược gộp 5 mẫu trong xét nghiệm sàng lọc diện rộng hiện nay, chi phí giảm xuống còn 70.000 - 80.000 đồng một người. Phương pháp mới của Học viện Quân y góp phần giải quyết khâu yếu nhất là xét nghiệm trong chiến lược dập dịch của Bắc Giang. Hơn 79.000 mẫu tiếp nhận trong mười ngày qua vẫn dưới công suất thiết kế của phòng xét nghiệm. Từ sự chi viện của hàng nghìn tình nguyện viên tuyến đầu và phương pháp xét nghiệm mới, Bắc Giang đã chạy kết quả gần 761.000 mẫu xét nghiệm trong tổng số 782.000 mẫu lấy được, tính đến hết ngày 31/5. Phương pháp xét nghiệm mới của Học viện Quân y mở ra tiềm năng cho xét nghiệm sàng lọc diện rộng - chiến lược mà Việt Nam đang hướng đến để chủ động chuyển từ phòng ngự sang tấn công Covid-19. Bác sĩ Hồ Hữu Thọ ví "chủ động xét nghiệm Covid-19 khi chưa bùng dịch giống tầm soát ung thư sớm, phát hiện và can thiệp sớm thì 90% chữa khỏi; chống dịch cũng vậy". Nhiều năm tiếp cận với y khoa thế giới qua con đường du học, anh phân tích các nước chặn đứng được những đại dịch trước đây bằng tầm soát nhiệt độ ở sân bay, bệnh viện... Song hơn một năm Covid-19 hoành hành, nhiều biến chủng mới đã xuất hiện. Chúng có thể vượt qua hệ thống phòng dịch truyền thống, âm thầm lây lan trong cộng đồng. "Xét nghiệm gần như là công cụ duy nhất để phát hiện cụm dịch ở giai đoạn sớm. Với 80% người bệnh không có triệu chứng thì đó chính là gót chân Achilles của cách tiếp cận phòng dịch truyền thống", anh nói. Công suất xét nghiệm là một thách thức nếu Việt Nam áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng tầm soát Covid-19. Ảnh: Ngọc Thành Công suất xét nghiệm là một thách thức nếu Việt Nam áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng tầm soát Covid-19. Ảnh: Ngọc Thành Việt Nam nổi tiếng với thông điệp 5K và đang tiệm cận dần với công thức chống dịch 3T của thế giới. Đó là Test - Track - Treat (Xét nghiệm - Truy vết - Điều trị) mà xét nghiệm chính là mắt xích đầu tiên trong chuỗi 3T. Giai đoạn đầu dịch, cả nước xét nghiệm bình quân 70 mẫu mỗi ngày. Nhưng riêng 27/4 đến 10/5, công suất đã tăng vọt hơn 15.000 mẫu một ngày. Cả nước với 150 phòng xét nghiệm hoạt động hết công suất một ngày ước tính đạt 46.000 mẫu. Tuy nhiên, chi phí sàng lọc diện rộng là điều phải cân nhắc. Nếu xét nghiệm cho một triệu dân (gần 10% dân số của thủ đô) bằng Realtime - PCR cần khoảng 700 tỷ đồng. Nhân lên là một con số khổng lồ, chỉ có "nhà giàu" mới có thể chủ động tấn công dịch bằng cách tốn kém đó. Năm 2020, những "nhà giàu" có dân số trên dưới 10 triệu người, như Đan Mạch, Bahrain, Áo, UAE đã làm hàng triệu lượt xét nghiệm. Người dân Đan Mạch được xét nghiệm bình quân 6 lần, UAE khoảng 4 lần và trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đạt 1,5 lượt xét nghiệm trên đầu người. Trong khi Việt Nam chỉ đạt khoảng 26.000 người trên một triệu dân, tương đương 2% dân số. Những người trong ngành như bác sĩ Thọ hiểu rằng, vượt qua chướng ngại này thì mới đạt mục tiêu xét nghiệm diện rộng trong thời gian ngắn. Chưa kể phải giảm thiểu được hiện tượng "âm tính giả" lần một nhưng dương tính khi xét nghiệm lần hai, lần ba để khoanh vùng mầm bệnh nhanh và gọn hơn. "Điều Việt Nam cần là một phương pháp xét nghiệm mới đảm bảo ba yếu tố: nhanh - chính xác và rẻ, "kiềng ba chân" trong xét nghiệm. Chưa kể kho dự trữ quốc gia cũng cần phải lưu tâm tới số lượng test kit nếu muốn thực hiện chiến lược tầm soát diện rộng", anh trăn trở. Nửa tháng qua, bữa tối của đội chi viện thường đến sau 20h, muộn hai tiếng so với điều lệnh ngày thường. Anh Thọ không nhớ bao lâu chưa gọi điện về nhà, khi kết thúc công việc đã là nửa đêm hoặc sang ngày mới. Trong không khí đặc quánh vì oi bức, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi hết ca làm việc trong phòng xét nghiệm, chỉ muốn uống nước rồi đi ngủ. Nhưng mẫu xét nghiệm chuyển về, kíp khác vào thế chân, công việc lại tiếp tục. Tinh thần làm việc của những người trẻ nhắc nhở bác sĩ trung niên "không được kiệt sức lúc này".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét