Hiện nay, cuộc
đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội, xét lại với mưu toan xuyên tạc bản chất
khoa học và cách mạng của chủ nghĩa xã hội khoa học càng trở nên phức tạp và
gay gắt hơn khi chủ nghĩa xã hội hiện thực chưa ra khỏi khủng hoảng, phong trào
cách mạng thế giới lâm vào thoái trào sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã
hội ở Liên Xô và Đông Âu trước đây. Chúng cho rằng: Chủ nghĩa xã hội và con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần bị phản bác; chủ nghĩa xã hội mà
C.Mác nêu ra cũng chỉ là một thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng mới, không có khả
năng thực hiện Để làm rõ luận điểm sai lầm trên, cần dựa trên cả cơ sở lý luận
và thực tiễn. Về cơ sở lý luận, chúng ta thấy rõ sự khác biệt căn bản giữa chủ
nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội khoa học. Chủ nghĩa xã hội không
tưởng, đặc biệt là chủ nghĩa xã hội không tưởng - phê phán đầu thế kỷ XIX ở
Anh, Pháp có những giá trị nhân văn, nhân đạo, giá trị phê phán cũng như giá
trị thức tỉnh phong trào công nhân quốc tế. Nhưng những hạn chế của nó đã khiến
chủ nghĩa xã hội không tưởng không thể là lý luận tiền phong dẫn đường đưa
phong trào công nhân đến thắng lợi. Chủ nghĩa xã hội không tưởng đã không phát
hiện được quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người, không khám phá
ra bản chất của chủ nghĩa tư bản cũng như không tìm thấy được lực lượng có thể
tiến hành cách mạng. Sự ra đời của ba phát kiến vĩ đại của C.Mác: chủ nghĩa duy
vật lịch sử, học thuyết giá trị thặng dư và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân đã giúp khắc phục những hạn chế trên và đưa chủ nghĩa xã hội từ không
tưởng thành khoa học. Trong chủ nghĩa duy vật lịch sử, các nhà kinh điển khẳng
định, quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người là một quá trình
phát triển lịch sử - tự nhiên, sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã
hội từ thấp đến cao. Từ đó, các ông dự báo: thay thế cho hình thái kinh tế - xã
hội tư bản chủ nghĩa sẽ là hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa với
bản chất nhân văn cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải
phóng xã hội khỏi mọi sự áp bức, bóc lột. Học thuyết giá trị thặng dư đã “bóc
trần bí mật của chủ nghĩa tư bản” và làm rõ bản chất bóc lột lao động làm thuê
của chủ nghĩa tư bản. Bằng những thủ đoạn tinh vi, nhà tư bản chiếm đoạt ngày
càng lớn “giá trị thặng dư” được sinh ra nhờ lao động không công của người công
nhân. Chính đó là nguyên nhân cơ bản làm cho mâu thuẫn về kinh tế giữa giai cấp
công nhân và giai cấp tư sản tăng lên không thể dung hòa trong khuôn khổ của
chủ nghĩa tư bản. Từ hai phát kiến trên, các ông đã chứng minh được rằng, giai
cấp lãnh đạo, tổ chức thắng lợi cuộc cách mạng XHCN ở mỗi nước để lật đổ chế độ
tư bản chủ nghĩa, xác lập xã hội mới - xã hội XHCN và tiến lên chủ nghĩa cộng
sản chính là giai cấp công nhân. Sự khác biệt toàn diện trên cho thấy, không
thể đồng nhất chủ nghĩa xã hội khoa học với chủ nghĩa xã hội không tưởng. Về cơ
sở thực tiễn, trước hết, phải thấy rằng, chủ nghĩa xã hội đã là một hiện thực
trong lịch sử và hiện vẫn đang là một hiện thực không thể phủ nhận. Thắng lợi
của Cách mạng Tháng Mười Nga đã biến ước mơ ngàn đời của nhân loại thành sự
thật. Và trong suốt hơn 70 năm tồn tại, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đã
đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong 16 năm công
nghiệp hóa (1925-1941), Liên Xô từ một nước tư bản chủ nghĩa loại trung bình
(Nga) và hầu hết vùng Trung Á ở trình độ tiền tư bản trở thành nước công nghiệp
hàng đầu châu Âu. Năm 1949, Liên Xô thử thành công bom nguyên tử. Năm 1957 là
nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo. Năm 1961, là nước đầu tiên đưa
con người vào vũ trụ. Cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, Liên Xô đã trở thành siêu
cường thứ hai thế giới. Có thể nói, trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ chứng
kiến sự phát triển nhanh trong thời gian ngắn như vậy. Không chỉ không thua kém
các nước tư bản chủ nghĩa trong kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà Liên
Xô còn giải quyết thành công hơn hẳn về lĩnh vực xã hội. Ở Liên Xô, bốn lĩnh
vực việc làm, nhà ở, y tế và giáo dục được quan tâm và miễn phí cho toàn dân.
Cùng với đó có bốn đối tượng được ưu tiên là trẻ em, người già, phụ nữ và đồng
bào dân tộc thiểu số. Điều này đã tạo ra sự công bằng xã hội, giảm khoảng cách
giàu nghèo, thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản.
Cho đến nay, mặc dù hệ thống XHCN hiện thực thế giới đã tan rã nhưng không ai
có thể phủ nhận sự tồn tại khách quan và tính ưu việt của nó. Đặc biệt là những
thành công bước đầu nhưng hết sức quan trọng trong công cuộc cải cách, đổi mới
ở các nước XHCN như Trung Quốc, Việt Nam và tinh thần chủ nghĩa xã hội thế kỷ
XXI ở các nước Mỹ Latinh... đang chứng minh cho lý tưởng xã hội XHCN vẫn có sức
sống trường kỳ cùng nhân loại. Sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở
Liên Xô và các nước Đông Âu có phải là sự thất bại của chủ nghĩa xã hội khoa
học như các thế lực thù địch đang rêu rao: “chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ
là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện
được”, hay học thuyết của Mác là “viển vông”, “ảo tưởng” nên áp dụng vào thực
tiễn chỉ có thể sinh ra những “quái thai lịch sử"? Trước hết, cần nhận
thức rõ, đây là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực. Đi lên
chủ nghĩa xã hội là một con đường dài, đầy khó khăn, nhiều bước quanh co, khúc
khuỷu, có thể gặp những thất bại tạm thời. Các nhà kinh điển cũng đã từng dự
báo điều này bởi xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng một chế độ hoàn toàn
khác về chất so với những chế độ xã hội trước đó, một chế độ trong đó con người
được giải phóng khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, thoát khỏi tình trạng nghèo
nàn, lạc hậu, không còn phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp. Chủ nghĩa tư
bản để đạt được như ngày hôm nay, cũng phải trải qua không ít thăng trầm - đó
là một quy luật tất yếu của lịch sử cho sự ra đời của một hình thái kinh tế -
xã hội mới. Giai đoạn 1506-1609, cuộc cách mạng tư sản Hà Lan thắng lợi lật đổ
ách thống trị của Tây Ban Nha, đã thành lập nhà nước tư sản đầu tiên trên thế
giới. Năm 1640, cách mạng tư sản Anh thắng lợi đã mở đầu cho thời kỳ lịch sử
cận đại toàn thế giới - thời kỳ quá độ từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản
chủ nghĩa, trong đó diễn ra các cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới giữa
phong kiến và tư sản. Vậy nhưng, phải đến những năm 80 của thế kỷ XIX, chế độ
phong kiến bị lật đổ ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản thì chủ nghĩa tư bản mới được
xác lập trên phạm vi rộng lớn, trở thành một hệ thống chính trị kinh tế trên
thế giới. Trong suốt hơn 300 năm đó, chủ nghĩa tư bản cũng nhiều lần giành được
chính quyền rồi lại bị giai cấp quý tộc phong kiến lật đổ. Vì vậy, không thể từ
một bước lùi tạm thời của chủ nghĩa xã hội mà đã có thể kết luận rằng, chủ
nghĩa xã hội đã thất bại hoàn toàn, không thể thành hiện thực hay là một “ảo
tưởng” được. Bên cạnh đó, nguyên nhân của sự kiện năm 1991 ở Liên Xô và các nước
Đông Âu chính là do những khuyết điểm, sai lầm tích tụ chậm được phát hiện và
khắc phục, nhất là về những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình xây dựng xã hội
mới. Hai nguyên nhân cơ bản và liên quan trực tiếp, chặt chẽ với nhau bao gồm,
một là, những sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, về công tác xây dựng
Đảng, công tác tư tưởng và công tác tổ chức - cán bộ trong quá trình cải tổ.
Đây là nguyên nhân chính. Hai là, các thế lực thù địch, phản động thực hiện
chiến lược “diễn biến hòa bình”, tìm mọi cách tác động làm chệch hướng công
cuộc cải tổ, cải cách ở Liên Xô, lợi dụng những sai lầm bên trong để thực hiện
mục tiêu xóa bỏ chế độ XHCN. Như vậy, nguyên nhân cho sự sụp đổ mô hình chủ
nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu không phải vì sai lầm của học thuyết Mác -
Lênin mà vì những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng đã xa rời hoặc nhận thức sai
lầm những nguyên lý cơ bản chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tế cho thấy, trong quá
trình cải tổ, cải cách, đổi mới, nước nào biết vận dụng sáng tạo những nguyên
tắc, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, của chủ nghĩa xã hội khoa học thì hạn
chế được những khuyết tật, giữ vững được chủ nghĩa xã hội, đạt được nhiều thành
tựu trong xây dựng xã hội mới. Một số quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội chỉ
là phương tiện cứu nước, giành độc lập dân tộc, khi đạt được mục đích cần phải
thay đổi phương tiện. Những người này cho rằng, Việt Nam đi theo con đường độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sai lầm!, “chủ nghĩa xã hội đã ở vào giờ thứ
25 trên toàn cầu”, “Việt Nam nên xoay trục để phát triển”. Họ lý giải rằng,
thời kỳ phong kiến không cần chủ nghĩa xã hội mà vẫn có độc lập dân tộc; hay
chủ nghĩa xã hội chỉ là phương tiện mà Hồ Chí Minh sử dụng để cứu nước mà
thôi... Trước hết, cần khẳng định, không thể tán thành luận điểm cho rằng thời
kỳ phong kiến chưa có chủ nghĩa xã hội nhưng vẫn có độc lập dân tộc. Thực tiễn
lịch sử nước ta cho thấy, các triều đại phong kiến tiến bộ đại diện cho dân tộc
lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước. Khi đó
chưa có chủ nghĩa xã hội. Trên thế giới, chủ nghĩa xã hội được đặt ra về lý
luận khi chủ nghĩa Mác ra đời và về thực tiễn khi Cách mạng Tháng Mười Nga
thắng lợi. Do đó, nếu đặt vấn đề về chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời đại
phong kiến là phi lịch sử, và nếu dựa vào đó để phủ nhận con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội là hết sức phi lý.
Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021
Chống các quan điểm sai trái, thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét