Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ TẤT YẾU KHÁCH QUAN – SỰ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN CỦA LỊCH SỬ VIỆT NAM

 

Thực tiễn thế giới và Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở châu Âu, Bắc Mỹ mở rộng địa bàn thống trị thông qua các cuộc chiến tranh xâm lược nước khác. Việt Nam trở thành đối tượng xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp. Sau những cuộc đàn áp đẫm máu phong trào yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đặt ách thống trị trên toàn cõi Đông Dương với cái tên mới “xứ Đông Dương thuộc Pháp” gồm năm kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao Miên, cái tên Việt Nam cũng không còn nữa. Giai cấp tư sản thực dân Pháp đã từ chối hợp tác với phong trào Tây Du của Phan Châu Trinh; giai cấp tư sản quân phiệt Nhật từ chối hợp tác với phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Sự từ chối ấy bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là không thể có sự hợp tác bình đẳng giữa kẻ thống trị với người bị trị, giữa kẻ cướp nước với những người mất nước. Trong lịch sử thời kỳ này ở Việt Nam, giai cấp tư sản Việt Nam có hai bộ phận: bộ phận tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước nhưng yếu kém cả về kinh tế, chính trị, dễ thỏa hiệp về tư tưởng; bộ phận tư sản mại bản thì cam tâm làm tay sai cho thực dân, đế quốc tư sản. Các phong trào cứu nước đi theo con đường phong kiến như phong trào đấu tranh của Trương Định, Nguyễn Trung Trực... ở miền Nam; Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng... ở miền Trung; Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Quang Bích... ở miền Bắc đều thất bại; các phong trào đi theo con đường tư sản như phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội... cũng thất bại. Thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng ở nước ta là: Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam với tinh thần yêu nước chống ngoại xâm đã từng đánh bại những đế quốc lớn như đế chế Nguyên Mông, đế quốc Đại Minh mà ngày nay, sau hơn 70 năm (1858-1929) chống thực dân Pháp với tinh thần “khi nào người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam chống người Tây” lại liên tục thất bại. Người trả lời đúng câu hỏi trên chính là Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sau 10 năm tìm đường cứu nước (1911-1920), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm được con đường giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong đó, độc lập dân tộc là mục tiêu trước tiên để thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội với ý nghĩa: nước chưa được độc lập thì lợi ích giai cấp vạn năm cũng không đòi được. Thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là cơ sở củng cố vững chắc độc lập dân tộc và giá trị của độc lập dân tộc mới được thực hiện đầy đủ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ". Như vậy, chỉ đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mới làm cho độc lập dân tộc bền vững. Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn 1 bộ phận của chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng sau sự kiện năm 1991 vẫn giữ vững niềm tin với sự lựa chọn của mình: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”(7). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển 2011) tiếp tục kiên định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét