Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều gia đình năm nay không có cơ hội sum họp do phải thực hiện quy tắc phòng dịch. Nhưng không vì thế mà không có cách thể hiện tình thân gia đình nhân dịp đặc biệt này.
Công nghệ giúp kết nối gia đình
Gia đình anh Nguyễn Bá Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội) có 5 anh chị em.
Quê anh ở Nghệ An, hiện chỉ còn chị gái cả, còn các anh chị em khác mỗi người
đến một nơi lập nghiệp và ở lại đó cùng gia đình nhỏ. Anh trai anh Dũng là bộ
đội hải quân, đóng quân ở Khánh Hòa. Chị gái thứ hai hiện ở một huyện miền núi
của tỉnh Hòa Bình; cô em gái út theo chồng vào tận Long An. Bố anh đã mất nên
mẹ anh chuyển sang sống cùng vợ chồng chị gái cả. Gia đình Bắc – Trung – Nam,
công việc bận rộng nên hằng năm, đại gia đình anh Nguyễn Bá Dũng thường chỉ có
dịp Tết hoặc dịp nghỉ lễ dài mới có cơ hội gặp gỡ nhau đông đủ nhất.
Hai năm nay, do dịch COVID-19 nên cơ hội gặp nhau cũng khó khăn
hơn do cả 3 miền đều phải thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đại gia đình chỉ
có thể gặp mặt nhau nhờ công nghệ, thông qua công cụ kết nối của mạng xã hội
Facebook, Zalo..., các thành viên trong gia đình không chỉ trò chuyện mà còn có
thấy đủ mặt các thành viên, kể cả các cháu nhỏ. Thế nên, cứ vào dịp cuối tuần,
đại gia đình anh Nguyễn Bá Dũng cùng hội tụ vào tối thứ Bảy để gặp gỡ, thăm hỏi
lẫn nhau, đặc biệt là thế hệ thứ 3 với các cháu nhỏ gặp mặt, trò chuyện để tăng
tình thân gia đình.
Ngày Gia đình Việt Nam năm 2020, đại gia đình anh cũng tập hợp
đông đủ, cùng dự bữa cơm gia đình “online” đầm ấm. Năm nay mọi người cũng đã
thống nhất thực đơn cho bữa ăn gia đình với các món ăn truyền thống xứ Nghệ để
đón chào Ngày Gia đình Việt Nam sớm vào tối 27/6...
Anh Nguyễn Bá Dũng cho rằng dù ở xa nhưng cách thức gặp mặt
online như thế này cũng góp phần nào bù đắp những thiếu hụt tình cảm cho các
thành viên, nhất là với những đứa trẻ ít có cơ hội gặp mặt nhau. Những đứa trẻ
dù ở 3 miền, nói đủ giọng 3 miền nhưng luôn yêu thương và mong sớm gặp mặt nhau
tại quê nhà Nghệ An. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng các con, cháu anh Nguyễn Bá Dũng
đã có ý thức hướng về cội nguồn, quê hương bản quán và trân trọn những phút
giây gặp mặt dù chỉ là online.
Không chỉ gia đình anh Nguyễn Bá Dũng mà rất nhiều gia đình
người Việt đã khác sử dụng công nghệ để gặp gỡ, giao lưu online thời dịch
COVID-19, nhất là với các gia đình có thành viên ở nước ngoài, không thể về
nước cho dịch bệnh.
Gia đình chị Hoàng Mỹ Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có con trai 22
tuổi đang theo học đại học bên Mỹ cách xa nhà nửa vòng trái đất. Nhờ sự giúp đỡ
của giáo sư hướng dẫn nên con trai chị vẫn ở Mỹ an toàn từ khi đất nước này bị
ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Rất lo lắng cho con nhưng không thể làm gì khác
ngoài việc hằng tuần cả gia đình gọi điện cho con, hỏi han tình hình, hướng dẫn
con trai làm việc nhà, làm những món ăn đơn giản chiêu đãi gia đình giáo sư.
Chị Mỹ Anh cho rằng đó cũng là dịp để con trai ở xa gặp mặt, thăm hỏi ông bà,
bố mẹ, anh chị em ở nhà, nói tiếng nói của quê hương để luôn nhớ về gia đình;
đất nước dù ở bất cứ nơi đâu... Tình cảm gia đình là tình thân gắn kết các
thành viên và cần được thường xuyên bồi đắp, củng cố mới bền chặt.
Theo nhiều nhà nghiên cứu xã hội, dịch COVID-19 đã tạo ra những
thay đổi lớn về thói quen, hành vi con người, kể cả ở Việt Nam. Do phải thực
hiện giãn cách để đảm bảo phòng, chống dịch nên nhu cầu người dân sử dụng
Internet tăng cao bởi ngày càng có nhiều người học tập và làm việc tại nhà. Một
hình thức tương tác xã hội mới đã hình thành, ở đó kết nối Internet cùng nhiều
mạng xã hội cho phép người dân thực hiện nhiều hoạt động giải trí trong nhà
cũng như gặp gỡ trực tuyến với bạn bè, người thân để bảo đảm an toàn...
Hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc
Ở Việt Nam, gia đình được xác định là “tế bào của xã hội”, gia
đình chính là môi trường văn hóa đầu tiên mà mỗi cá nhân được tiếp nhận trong
quá trình trưởng thành, định hình nhân cách, lối sống và văn hóa ứng xử.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Phượng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia
Việt Nam), các hoạt động sinh hoạt trong gia đình, sự quan tâm, chăm sóc, dạy
dỗ ân cần chỉ bảo của ông bà, cha mẹ sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến thói quen, nền
nếp, tác phong sinh hoạt của con cái. Bên cạnh những yếu tố đạo đức, ứng xử
trong giao tiếp thì tác phong sinh hoạt, thói quen trong hoạt động lao động sản
xuất cũng đều trở thành những chuẩn mực mà gia đình tạo cho con cái từ nhỏ cho
đến khi trưởng thành.
Như nhiều giá trị văn hóa khác, hệ giá trị văn hóa gia đình cũng
luôn vận động, phát triển không ngừng để thích nghi với sự biến đổi của xã hội.
Hệ giá trị gia đình Việt Nam ngày nay đang trong quá trình chuyển đổi từ truyền
thống sang hiện đại với một số giá trị, chuẩn mực bị mất đi, một số giá trị tuy
giữ nguyên tên gọi nhưng nội hàm đã biến đổi.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Phượng dẫn chứng: Trong giáo dục con cái, bên
cạnh việc giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các gia đình còn
chú ý đến giáo dục các giá trị về tri thức, kinh nghiệm và ý thức cộng đồng cho
con trẻ nhằm đáp ứng được những đòi hỏi về phẩm chất, năng lực, kiến thức mà
mỗi đứa trẻ cần được trang bị để thích ứng với xã hội hiện đại và nền kinh tế
thị trường.
Thạc sỹ
Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
chia sẻ: Trong giáo dục gia đình, con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành
vi của bố mẹ để bắt chước, học theo. Nhìn dưới giác độ khoa học về giáo dục,
như nhiều nhà nghiên cứu nhận định, có thể coi gia phong là một trong những
thành tố tạo nên “thiết chế” vô hình của văn hoá gia đình, với tất cả các đặc
tính riêng và chung. Nền nếp gia phong đã trở thành cốt lõi, là nền tảng để gia
đình truyền thống phát triển bền vững cho đến ngày nay. Trong cuộc sống hiện
đại, nền nếp gia phong vẫn là cơ sở để gia đình Việt Nam phát triển vì nó đã
được hun đúc từ đời này sang đời khác và luôn luôn tỏa sáng cùng với thời gian.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng
định: Đảng và Nhà nước luôn hướng tới mục đích chăm lo xây dựng gia đình ấm no,
tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đề cập đến vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa,
con người Việt Nam trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ:
Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn
luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống. Thực hiện Chiến lược phát
triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia
đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Trong Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng cũng đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của
con người Việt Nam. Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho thấy gia đình
là một thiết chế đặc biệt trong xã hội.
Vai trò đặc trưng và ý nghĩa quan trọng nhất của gia đình là duy
trì nòi giống và nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người suốt cuộc đời. Gia
đình là tế bào của xã hội. Tế bào có tốt thì xã hội mới phát triển ổn định,
lành mạnh, bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Có tâm huyết, có khát vọng
xây dựng gia đình Việt Nam phát triển bền vững, hạnh phúc, nhưng những người
làm công tác quản lý cần phải thay đổi tư duy, nhận thức không chỉ của xã hội
mà của chính mình để có một cách tiếp cận mới. Từ đó, những người làm công tác
quản lý cần mạnh dạn tháo gỡ dần những vướng mắc để tạo sự đột phá trong công
tác quản lý gia đình nói riêng, hướng tới cái đích lớn nhất là xây dựng gia
đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc cho toàn xã hội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét