KHẲNG ĐỊNH:
SỰ SỤP ĐỔ CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN THỰC Ở LIÊN XÔ VÀ ĐÔNG ÂU KHÔNG PHẢI LÀ SỰ
SỤP ĐỔ CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI. VÀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TRƯỚC SAU VẪN KHÔNG PHẢI LÀ
MẪU HÌNH HƯỚNG TỚI CỦA XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
Đối với chúng ta, sự đổ vỡ của chủ
nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là một sự thật đau đớn, một
tổn thất lớn lao của phong trào cộng sản và các lực lượng yêu chuộng hòa bình,
cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Sự kiện đó buộc chúng ta phải nghiêm túc
suy nghĩ, bình tĩnh, sáng suốt đánh giá đúng đắn đối với chủ nghĩa xã hội hiện
thực với tất cả thành công lẫn sai lầm, khuyết điểm để rút ra những kết luận
xác đáng. Sau khi Liên Xô tan rã, chúng ta càng có thêm những bằng
chứng chứng tỏ nguyên nhân sâu xa của sự đổ vỡ đó là những sai lầm nghiêm trọng
về đường lối và quá trình thực hiện đường lối cải tổ cùng với những thủ đoạn
chống phá vô cùng tinh vi, thâm hiểm của các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã
hội. Sự đổ vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa không phải xuất phát từ
bản chất chủ nghĩa xã hội, mà chính là việc từ bỏ lý tưởng, mục tiêu, con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội để chuyển hướng, đổi màu chế độ theo chủ nghĩa tư bản.
Đúng là mô hình chủ nghĩa xã hội ở
Liên Xô có một số khiếm khuyết, nhược điểm, làm hạn chế tiềm
năng sáng tạo, làm suy yếu động lực của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng đất
nước, nhất là cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng
thể, không ai có thể phủ nhận những thành tựu vĩ đại thể hiện tính ưu việt nổi
trội của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Trong chế độ xã hội đó, con người được giải
phóng khỏi ách áp bức, nô dịch, nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo, nâng cao
trình độ văn hóa, dân trí, nhân dân có cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng
phong phú, tốt đẹp. Chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, từ một nước
có trình độ phát triển trung bình, Liên Xô đã trở thành một cường quốc lớn mạnh
cả về kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự, làm chỗ dựa của cả hệ thống
xã hội chủ nghĩa, tạo nên đối trọng với chủ nghĩa tư bản thế giới. Nhờ thực lực
đó, Liên Xô đã đủ sức đi đầu và là lực lượng quyết định đánh bại chủ nghĩa phát
xít trong chiến tranh thế giới thứ II, cứu loài người khỏi thảm họa phát xít, tạo
điều kiện thúc đẩy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào độc lập
dân tộc và phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội diễn ra mạnh mẽ
chưa từng thấy trên phạm vi toàn cầu.
Sự sụp
đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu không phải là sự sụp đổ của chủ
nghĩa xã hội với tư cách là một học thuyết cách mạng và khoa học duy nhất có thể
vạch đường cho sự giải phóng hoàn toàn và triệt để giai cấp công nhân, nhân dân
lao động và các dân tộc trên thế giới. Đó cũng không phải là sự sụp đổ của
phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới, vì chủ nghĩa xã hội hiện vẫn tồn tại và
phát triển ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Lào, Triều Tiên và nhiều biểu
hiện ở các nước khác với số lượng dân cư trên 1 tỷ người. Ngay ở các nước
xã hội chủ nghĩa trước đây, các lực lượng xã hội chủ nghĩa đang từng bước được
phục hồi, đông đảo người dân ngày càng nhận rõ hơn chân giá trị xã hội chủ
nghĩa, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội. Sự thất bại tạm
thời của chủ nghĩa xã hội chỉ nói lên tính chất quanh co của lịch sử, không làm
thay đổi tính chất, nội dung của thời đại. Loài người nhất định vẫn sẽ đi đến một
xã hội tốt đẹp, văn minh, dân chủ, tiến bộ hơn chế độ tư bản chủ nghĩa, đó là
chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Khẳng định chủ
nghĩa tư bản trước sau vẫn không phải là mẫu hình hướng tới của xã hội loài người. Cho
dù tô vẽ đến mấy, "thế giới tự do" của chủ nghĩa tư bản vẫn bộc lộ đầy
đủ những khuyết tật cố hữu không thể vượt qua như: tình trạng bất bình đẳng xã
hội, phân hóa giàu nghèo ngày càng doãng ra đến cực độ; tình trạng mất dân chủ,
các tệ nạn, tội ác ngày càng lan tràn trong xã hội… Ngay đối với Mỹ là nước
giàu nhất thế giới, nhưng tỷ lệ người nghèo ở đây cũng cao nhất trong số các nước
phát triển. Người Mỹ luôn quảng bá và mong muốn áp đặt "hình mẫu dân chủ"
của mình đối với thế giới, nhưng trên thực tế "dân chủ" kiểu Mỹ luôn
là dân chủ của kẻ giàu, là "cuộc chơi dành cho người giàu". Theo kết
quả thăm dò dư luận trên toàn nước Mỹ, 73% người Mỹ cho rằng, người dân bình
thường không có cách nào liên hệ với lãnh đạo; 64% số người Mỹ cảm thấy lãnh đạo
của họ bị quyền lực tha hóa; 62% cho rằng, các lãnh đạo chỉ tìm cách tăng túi
tiền của bản thân. Bình quân mỗi năm có gần 12.000 người Mỹ dùng súng giết người.
Nếu nhìn rộng ra đối với thế giới tư bản chủ nghĩa, phải mất gần 200 năm xây dựng
mới có được những nước G7 trong tổng số hơn 100 nước. Đó là chưa tính những nước
nằm trong quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, nhưng vẫn nghèo đói, nợ nần, kém phát
triển, thậm chí nội bộ luôn mâu thuẫn gay gắt, xung đột dân tộc, sắc tộc diễn
ra triền miên…
Ngay
như những thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát trên toàn cầu, đặc
biệt là đối với các nước Tư bản như: Mỹ, Anh, Đức…số người nhiễm và chết lớn nhất
thế giới. Bức tranh toàn cảnh của chủ nghĩa tư bản đã nói lên tính chất bế
tắc, suy đồi của một chế độ xã hội sớm muộn cũng sẽ bị lịch sử vượt qua. Vì thế,
ngay trong giai đoạn chủ nghĩa xã hội trên thế giới thoái trào, gặp nhiều khó
khăn, nhưng nhiều đảng cộng sản, đảng cánh tả mác xít vẫn khẳng định loài người
tất yếu sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là tất yếu
khách quan, dù quanh co, khúc khuỷu, song cuối cùng chủ nghĩa xã hội nhất định
thắng lợi.
Từ
sự phân tích bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế trên đây, cho phép chúng
ta khẳng định đường lối kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng là hoàn
toàn xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại.
Chỉ có gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước theo định
hướng xã hội chủ nghĩa mới là đảm bảo chắc chắn nhất cho lợi ích lâu dài của
dân tộc và cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của toàn thể nhân dân Việt Nam. Niềm
tin đó đã được thử thách trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài giải phóng dân
tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây và ngày nay nó càng phải được phát
huy mạnh mẽ vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh. Chính vì vậy, mọi ý kiến đòi hỏi Đảng phải từ bỏ định hướng xã hội chủ
nghĩa, từ bỏ mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đều trở thành tiếng
nói lạc lõng, phi thực tiễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét