Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

KIÊN QUYẾT CHỐNG “CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN”

Để phòng và chống “chạy chức, chạy quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải chú trọng, thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát trong mọi mặt công tác, để ngăn ngừa, phòng và chống các biểu hiện, các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng chức vụ/quyền hạn được giao để mưu cầu lợi ích cá nhân... Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh: Trong công tác cán bộ, cả người làm công tác cán bộ và việc lựa chọn cán bộ để bổ nhiệm cũng cần “phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó”[9]. Đó phải là những người thường xuyên, “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết lợi ích của cá nhân mình, dòng họ mình, địa phương mình… Trong thực tế, việc “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”[10] theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã được triển khai thực hiện. Đi liền cùng đó, “các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”[11]. Đặc biệt, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 7 khóa XII, thì việc “xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm”[12] cho thấy vấn đề chống “chạy chức, chạy quyền” đã được chú trọng thực hiện tương đối đồng bộ và toàn diện. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi. "Chạy chức, chạy quyền" vẫn âm ỉ ở nhiều nơi và hệ lụy của nó là “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên lên chức do “chạy” đã không đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ được giao phó. Tự coi mình là những “ông vua con”, “cha mẹ dân”, những con sâu mọt đó đã luôn "nịnh trên, nạt dưới", không chỉ coi thường tổ chức, kỷ luật, pháp luật mà còn luôn lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền để cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu cấp dưới, vòi vĩnh của dân... Sự hư hỏng bởi ham hư danh, mong muốn được “vinh thân phì gia” của những kẻ “chạy” và sự tha hóa bởi những đặc quyền, đặc lợi của những cán bộ, đảng viên suy thoái “được nhờ chạy” cho thấy việc phải tìm ra vắc xin đặc hiệu để phòng và chữa “chủng bệnh” này là yêu cầu có tính cấp bách và thường xuyên. Để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, trong một số nghị quyết chuyên đề, Đảng cũng đề ra nhiệm vụ “hoàn thiện các quy định, quy chế; đồng thời, cương quyết đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm, không có “vùng cấm””[13]. Cụ thể, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã khẳng định quyết tâm: 1) Thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; 2) Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên; 3) Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; 4) Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… nhằm khắc phục hữu hiệu, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng "chạy chức, chạy quyền" và những tiêu cực trong công tác cán bộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét