Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Minh chứng sống động phản bác luận điệu sai trái

 


Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỷ lệ cử tri đi bầu như trên là một thành công lớn của cuộc bầu cử. Trong số những người không đi bầu, chủ yếu do các yếu tố khách quan như đau ốm hay các lý do đột xuất, vắng mặt tại thời điểm bầu cử. Con số trên một lần nữa minh chứng cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra thành công tốt đẹp, người dân tự giác, tích cực thực hiện quyền, trách nhiệm công dân cao cả của mình. 

Đây là kỳ bầu cử ấn tượng không chỉ bởi quy mô lớn nhất với gần 69 triệu lá phiếu của cử tri trên cả nước để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XV, gần 4.000 đại biểu HĐND cấp tỉnh, hơn 2 vạn đại biểu HĐND cấp huyện và hơn 24 vạn đại biểu HĐND cấp xã, mà còn bởi cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnhdiễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

Trong sự kiện chính trị đặc biệt này, cử tri trên cả nước, từ những cụ già, già làng, trưởng bản, những người có uy tín, những vị chức sắc, chức việc trong các tôn giáo cho đến các lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 hay cả những người đang thuộc diện cách ly, những khu dân cư đang bị phong tỏa và những người bị tạm giữ, tạm giam đều hào hứng tham gia vào ngày hội chung của đất nước, được tự bản thân mình thực hiện quyền, trách nhiệm công dân.

An ninh, trật tự trong suốt quá trình chuẩn bị và diễn ra bầu cử được đảm bảo an toàn. Sự thành công đó được dư luận quốc tế đánh giá cao, nhiều tờ báo có uy tín của các nước đã đăng tải thông tin, hình ảnh về thành công cuộc bầu cử của Việt Nam.

Với kết quả bỏ phiếu như vậy rõ ràng hoàn toàn trái ngược với luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, khi trong suốt thời gian qua, họ rốt ráo thực hiện “chiến tranh tâm lý”, phát tán vô số các luận điệu xuyên tạc nhằm tạo dựng một viễn cảnh xấu trong ngày bầu cử. Âm mưu của các đối tượng là bằng nhiều cách để kêu gọi càng nhiều người dân không đi bầu cử càng tốt, lấy cớ lên án Việt Nam, kể cả việc kích động biểu tình, gây rối phá hoại bầu cử.

Trên nhiều trang mạng xã hội, các đối tượng còn rêu rao những thông tin tiêu cực, cho rằng bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”. Họ lan truyền những bài viết “xếp ghế” cho nhân sự trong Quốc hội. Hay như thông tin về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, nhất là về số lượng đại biểu là người ngoài Đảng cũng trở thành chủ đề để các đối tượng xuyên tạc, biến tướng bản chất vấn đề...

Trong ngày bầu cử, đi ngược lại với ngày hội của toàn dân tộc, một số người tự phong “đấu tranh dân chủ đã tự tước bỏ quyền và nghĩa vụ công dân của mình khi không tham gia bầu cử, thậm chí họ còn tuyên truyền, kích động, lên án những người tham gia bầu cử với những lời lẽ xúc phạm. Có trường hợp như linh mục X.C, là linh mục quản xứ tại một tỉnh miền Trung nhưng lại rêu rao không đi bầu cử và còn đăng tải trên facebook cá nhân lời lẽ mỉa mai những người đi bầu cử từ sớm.

Sau khi đăng tải, linh mục X.C bị dư luận phản ứng gay gắt, nhất là từ các chức sắc tôn giáo tại địa bàn nên linh mục X.C đã phải gỡ dòng trạng thái trên. Trong khi đó, trong ngày bầu cử, hòa chung với không khí phấn chấn của cử tri cả nước, các chức sắc, giáo dân trên địa bàn đã cùng thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân, tham gia bầu cử tích cực để lựa chọn những người xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, một số cơ quan truyền thông hải ngoại đưa các bài viết, hình ảnh lắp ghép, cắt xén để làm sai lệch tình hình bầu cử ở Việt Nam.Điển hình như trang mạng của tổ chức khủng bố Việt Tân sau khi thay ảnh đại diện với khẩu hiệu “không biết, không bầu” đã đăng tải bài viết “Phơi bày bản chất phi dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội hiện nay”.

Trang mạng BBC Tiếng Việt nói rằng “Nghịch lý bầu cử ở Việt Nam: Cử tri đi bầu chỉ để cho xong”, xuyên tạc rằng người dân Việt Nam thờ ơ với bầu cử… Nội dung của những bài viết trên vẫn không có gì khác ngoài những luận điệu tuyên truyền sai lệch về quá trình diễn ra cuộc bầu cử, đả kích, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chính quyền địa phương.

Hành động của một số cá nhân tự tước đi quyền, trách nhiệm công dân không đi bầu cử hay hành động xuyên tạc, bóp méo về cuộc bầu cử nói trên là những hành động lạc lõng, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc khi không hòa chung với ngày hội của toàn dân.

Những luận điệu xuyên tạc trên mạng xã hội như một thứ virut độc hại được các đối tượng phát tán nhằm đầu độc tư tưởng, nhận thức của nhân dân. Thế nhưng, sức đề kháng của mỗi người dân Việt Nam ngày càng tốt khi nhận thức, hiểu biết chính trị từng bước được nâng cao, trở thành “tấm khiên” vững chắc để ngăn chặn virut độc hại. Do đó, những luận điệu xuyên tạc như vậy chỉ đánh lừa một bộ phận rất nhỏ người nhẹ dạ cả tin hoặc với đối tượng hám lợi, vì động cơ xấu để cổ súy, hùa theo. Bằng chứng của sức đề kháng đó được thể hiện rõ nét trong ngày bầu cử, không chỉ dừng lại ở số liệu thống kê từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia về kết quả bầu cử trên cả nước mà còn là không khí, sự thể hiện tình cảm, niềm tin của người dân.

Mạng xã hội chia sẻ những hình ảnh đẹp về ngày bầu cử, những câu chuyện xúc động.Từ hình ảnh về cụ bà Nguyễn Thị Năm, cử tri lớn tuổi nhất - 102 tuổi được con cháu đưa đi bỏ phiếu, cho đến hình ảnh về các thế hệ trẻ lần đầu đi bầu cử với niềm vui, sự hãnh diện khi cầm lá phiếu và thực hiện quyền công dân cao cả. Có những người dậy từ rất sớm để chuẩn bị trang phục đẹp nhất, ấn tượng nhất để tô hồng cho ngày hội toàn dân. Mỗi người dân đều ý thức được rằng, mỗi lá phiếu của cử tri đều mang sứ mệnh cao cả, góp phần dựng xây đất nước.

Thêm một lần nữa, thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thể hiện niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Bầu cử thể hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, thành công của cuộc bầu cử trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục khẳng định được vị thế, vai trò của Việt Nam đối với các nước trong khu vực và trên trường quốc tế.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét