Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo- Cơ sở nền tảng thực hiện vấn đề tôn giáo ở Việt Nam

 


Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, đồng thời còn là một thức thể xã hội, được tạo thành từ bốn yếu tố cơ bản là đức tin, giáo lý, hành vi và tổ chức. Về vai trò xã hội, tôn giáo cơ bản là một hình thái ý thức xã hội tiêu cực, lạc hậu, là thuốc phiện, rượu tinh thần và hạnh phúc hư ảo của nhân dân. Điều này đã được Ph.Ăngghen khẳng định: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”[1]. Bên cạnh mặt tiêu cực là cơ bản, tôn giáo đúng nghĩa còn có những giá trị, nhất là về đạo đức như hướng thiện, cầu lành, tránh dữ, khuyên con người tâm đức, làm điều thiện, sống trung thực, biết ăn năn, hối lỗi khi mắc sai lầm, làm điều ác…

Trên cơ sở nhận thức khoa học về tôn giáo, quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin là không “tuyên chiến với tôn giáo”. Quan điểm đó chỉ ra rằng, xử lý những vấn đề nảy sinh từ tôn giáo trong tiến trình cách mạng vô sản, nhất là trong cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, cần phải hết sức thận trọng, tỷ mỉ và chuẩn xác, dựa trên nguyên tắc, phương pháp luận cơ bản:

Một là, khắc phục dần những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo phải gắn liền với quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Nguyên tắc này được rút ra từ cơ sở triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử là muốn thay đổi ý thức xã hội phải đi từ thay đổi tồn tại xã hội. Đó là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp gắn liền với tiến trình cách mạng XHCN.

Muốn vậy, phải không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần nhân dân, bảo đảm cuộc sống dân chủ, công bằng, văn minh, thì lúc đó tôn giáo sẽ không còn ảnh hưởng tiêu cực, mà chỉ còn tính tích cực: giá trị văn hóa, đạo đức.

Hai là, tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân. Đây là quyền không chỉ thể hiện về mặt pháp lý mà cần phải được hiện thực hóa trong đời sống, là nguyên tắc nhất quán, xuyên suốt, lâu dài của các đảng mác xít.

Ba là, quan điểm lịch sử - cụ thể khi giải quyết vấn đề tôn giáo. Ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, vai trò tác động của mỗi tôn giáo đối với đời sống xã hội cũng khác nhau. Vì vậy, cần phải có quan điểm lịch sử - cụ thể khi xem xét, đánh giá và ứng xử đối với các vấn đề xã hội liên quan đến tôn giáo. V.I. Lênin luôn nhắc nhở: “người mácxít phải biết chú ý đến toàn bộ tình hình cụ thể”[2]

Bốn là, phân biệt rõ hai mặt chính trị và tư tưởng trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo: Mặt chính trị của tôn giáo, thực chất là phản ánh mâu thuẫn đối kháng về lợi ích kinh tế giữa các giai cấp và những thế lực lợi dụng tôn giáo để thực hiện những mưu đồ, lợi ích chính trị khác nhau; còn mặt tư tưởng phản ánh mâu thuẫn không mang tính đối kháng giữa những người có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, những người có tín ngưỡng, tôn giáo và những người khống có tín ngưỡng tôn giáo.

Đối với nước ta hiện nay, nguyên tắc, phương pháp luận cơ bản trên, chính là cơ sở giải quyết vấn đề chính trị tôn giáo, đấu tranh chống dịch lợi dụng vấn đề tôn giáo làm tổn hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.



[1] C. Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, 1994, t.20, tr437

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 17, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1979, tr 518

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét