Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin trong cách tiếp cận tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 


Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí minh coi tôn giáo là một thành tố văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về tôn giáo, không chỉ thấy tôn giáo là một hiện tượng xã hội mang tính đặc thù, mà còn xem tôn giáo là một thành tố, bộ phận của văn hóa. Từ trong nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch, trong mục Đọc sách của tập Nhật ký trong tù, Người đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1]. Vì tôn giáo là một bộ phận của văn hóa nên nó mang chứa bản chất nhân văn, nhân đạo của văn hóa. Chính từ cách tiếp cận tôn giáo không chỉ với tư cách là một “phạm trù chính trị” mà còn với tư cách “phạm trù văn hóa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra nhiều giá trị quý báu ẩn chứa trong tôn giáo.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tôn giáo là một thực thể xã hội

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã làm sáng tỏ bản chất tôn giáo với tính cách một hình thái ý thức xã hội, một tiểu hệ thống kiến trúc thượng tầng (cả ý thức tôn giáo và thiết chế tôn giáo). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin khi nhìn nhận tôn giáo là một thực thể xã hội, bao gồm cả ý thức, thiết chế và cả với tính cách là một lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân có tín ngưỡng. Và chính trong sự nhìn nhận đó, giá trị nhân văn và phát triển trong tư tưởng của Người về tôn giáo càng tỏa sáng. Người không chỉ thông cảm với sự cùng khổ của quần chúng nhân dân, cả người có tín ngưỡng và không có tín ngưỡng tôn giáo khi bị áp bức bóc lột, phải sống cảnh lầm than với thân phận của người dân mất nước, mà còn nhận thấy và trân trọng những phẩm chất tốt đẹp, tin tưởng và khích lệ tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo vì mục tiêu chung là độc lập và CNXH.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H2011, t3, tr458

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét