Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Đừng để tác phong “quan phụ mẫu” trỗi dậy khiến lòng dân ta thán

Sống trong một xã hội cởi mở, trình độ dân trí ngày càng cao, tinh thần dân chủ được coi trọng, thì đương nhiên cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức có quyền cần phải có tư duy hành xử nhân văn, tác phong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành khoa học, vì sự phát triển tiến bộ của tổ chức, cơ quan, đơn vị; vì cuộc sống yên lành, hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, những năm qua, ở nhiều nơi vẫn để xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên “độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành”-một biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra. Một tàn dư của chế độ quan lại thời phong kiến còn tồn tại dai dẳng Theo các nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, trong tư duy ứng xử của người Việt, cùng với “trọng tĩnh, trọng tình, trọng văn” (coi trọng sự yên ổn; trân trọng tình nghĩa; quý trọng văn chương, khoa bảng), chúng ta còn “trọng xỉ”, tức là trọng những người cao tuổi, người đi trước, người có kinh nghiệm hơn mình. Dân gian có câu “Triều đình trọng tước, hương ước trọng xỉ” với ý nghĩa, trong triều đình thì trọng những người có chức tước, còn ở làng xã thì trọng những người cao tuổi. Ưu điểm của truyền thống “trọng tước, trọng xỉ” là giáo dục con người sống có trước có sau, quý mến những bậc cao niên và những người có trình độ năng lực, vốn sống, kinh nghiệm hơn mình. Tuy nhiên, vì quá coi trọng tôn ti, thứ bậc trong quan hệ ứng xử cũng khiến nhiều quan chức nảy sinh tâm lý “đàn anh”, tư tưởng “bề trên”, từ đó dễ có thái độ quan cách, tác phong gia trưởng, thậm chí trịch thượng, độc đoán cả trong giao tiếp, ứng xử và sinh hoạt, công tác. Khi nói đến tác phong gia trưởng, chủ nghĩa gia trưởng, người ta liên tưởng đến những ông quan mũ cao áo dài của một thời phong kiến đầy oai phong lẫm liệt, dù ở chốn quan trường ăn lộc vua, hưởng lộc nước mà lại đi đứng nghênh ngang, coi mình như quan phụ mẫu, tức là cha mẹ của dân, nói gì cũng bắt dân chúng phải nhất nhất tuân lệnh! Tưởng như tác phong gia trưởng, độc đoán chỉ còn trong chế độ phong kiến chuyên quyền thời xưa, nhưng buồn thay, thói xấu này vẫn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Dù mức độ gia trưởng không hà khắc như thời phong kiến, nhưng những biểu hiện của thói gia trưởng trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo thời nay cũng không thể xem thường. Biểu hiện khá phổ biến là không ít cán bộ nhận thức chưa thấu đáo, giải quyết không đúng mực mối quan hệ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, mà thực chất là coi nhẹ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của tập thể, trong khi lại đề quá cao vị trí của bản thân, lợi dụng chức vụ công tác để đưa cái tôi của mình lèo lái, chi phối, thậm chí lấn át cái ta của tập thể cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Trong giải quyết các mối quan hệ ứng xử với nội bộ tập thể hay khi phát biểu đăng đàn thì có cán bộ lãnh đạo coi ý kiến của mình có sức nặng vượt trội, còn ý kiến tham gia của người khác chỉ là phụ, nhẹ tựa lông hồng, nghe rồi bỏ đấy. Nổi cộm của thói gia trưởng của một bộ phận cán bộ lãnh đạo là có thái độ, hành vi can thiệp không đúng nguyên tắc vào công việc của tập thể, nhất là công tác nhân sự (tuyển dụng, quy hoạch, phân công công tác, điều động cán bộ) và các vấn đề liên quan đến các chương trình, dự án đầu tư kinh tế-xã hội, tài chính… Cũng vì mắc bệnh gia trưởng, có người ngấm ngầm thành kiến đối với những người có ý kiến khác mình, thậm chí trù dập những người góp ý kiến phê bình trung thực, thẳng thắn. Lại có quan chức coi gì mình nói cũng cho là đúng, là nhất, bắt buộc mọi người phải tuân theo. Thế nên, ở một số tổ chức, cơ quan, đơn vị hiện nay xuất hiện câu cửa miệng như: “Với sếp có hai điều phải học thuộc lòng: Điều 1-Sếp luôn luôn đúng; Điều 2-Nếu sếp sai thì xem lại điều 1”. Cá biệt có nơi còn có câu “khẩu hiệu ngầm” của những nhân viên cấp dưới: “Ý sếp là ý trời!”; “Cãi lại ý sếp-dễ sớm kết thúc sự nghiệp!". Những câu nói đó cho thấy phần nào sự gia trưởng, độc đoán vẫn đang ngự trị trong một bộ phận quan chức khiến cấp dưới bày tỏ tâm lý lo ngại, sợ sệt không đáng có. Rèn luyện và thể hiện tác phong sâu sát quần chúng, tôn trọng tập thể và cấp dưới Tác phong gia trưởng là một thói tệ hại của người cách mạng. Ngay từ khi chính quyền cách mạng non trẻ vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo, những cán bộ, đảng viên có thái độ gia trưởng lúc nào cũng “Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi”, “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy”, từ đó “coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”. Cũng đề cập đến thói gia trưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng” và “có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến người lao động, chèn ép quần chúng”. “Ngang tàng phóng túng”, “vác mặt quan cách mạng”, “chèn ép quần chúng”… là những từ ngữ mạnh mà lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng ta đã sử dụng như muốn cảnh tỉnh nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên vẫn để cho tư duy, lề lối, cung cách hành xử hách dịch, cửa quyền vốn là tàn dư của chế độ quan lại phong kiến thời xưa ngự trị trong bản thân mình. Điều đó hoàn toàn xa lạ, trái ngược với tư tưởng tiến bộ, thái độ cầu thị, tác phong dân chủ, khoa học của người cộng sản. Đấu tranh, ngăn ngừa và từng bước loại khỏi thói gia trưởng trong tư tưởng và hành động, suy nghĩ và việc làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay là góp phần xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa lành mạnh trong bộ máy công quyền. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chỉ là người thay mặt Nhà nước, chính quyền và được tổ chức, cơ quan, đơn vị ủy quyền để giải quyết, xử lý công việc cho người dân theo đúng tinh thần là “công bộc, đầy tớ” của nhân dân. Muốn làm tròn trách nhiệm, bổn phận với nhân dân, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải có quan điểm vì nhân dân phục vụ; thái độ tôn trọng, quý mến nhân dân; tác phong công tác gần gũi, sâu sát quần chúng; thể hiện phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, góp phần vun đắp, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Để phòng ngừa lề thói, tác phong gia trưởng, vấn đề mấu chốt là cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp cần nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, kiên quyết tránh xa biểu hiện tuyệt đối hóa yếu tố tập trung dẫn tới thái độ độc đoán; hoặc lợi dụng dân chủ của tập thể để làm tấm bình phong lấp liếm, che đậy những hành vi chuyên quyền của mình. Đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, thực hiện đúng quy chế lãnh đạo của ban thường vụ, cấp ủy; không lợi dụng vị thế công tác để can thiệp, chi phối tập thể hướng theo, làm theo ý định cá nhân không trong sáng của mình. Mặt khác, cán bộ lãnh đạo cần có ý thức tôn trọng, phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể, cơ quan, đơn vị; thật sự gần gũi, sâu sát, yêu thương quần chúng; thành tâm lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của cấp dưới để có cách ứng xử, giải quyết phù hợp, có lý, có tình. Vì thực tế cho thấy, khi cán bộ thực lòng cảm thông, chia sẻ với quần chúng, thì quần chúng mới quý trọng mình, hay nói như Bác Hồ: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Đó cũng là cơ sở để phòng tránh, ngăn ngừa lề thói, tác phong gia trưởng. Tuy vậy, cần hiểu rằng, khi cán bộ giữ chức vụ nào đó thì không thể có tác phong dễ dãi, theo đuôi quần chúng, mà phải có tư duy đột phá, phong cách quyết đoán của người lãnh đạo. Vì xuất phát từ nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay, các tổ chức đảng, chính quyền các cấp ngoài việc phát huy vai trò của tập thể lãnh đạo vẫn phải đề cao, coi trọng tinh thần quyết đoán của cá nhân người đứng đầu. Kiên định, bản lĩnh, quyết đoán là những yếu tố rất cần thiết của người lãnh đạo, mà thiếu nó, vị thế người đứng đầu sẽ trở nên mờ nhạt trong tập thể. Vấn đề là ở chỗ, kiên định mà không cứng nhắc, bản lĩnh mà không liều lĩnh, quyết đoán mà không độc đoán-điều đó mới làm nên phẩm chất chân chính, tư cách chững chạc của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Có kỹ năng quyết đoán mới có khả năng quyết định dứt khoát, mạnh mẽ để giải quyết, xử lý được những vấn đề mới, vấn đề cấp bách do cuộc sống, thực tiễn đặt ra. Nhưng tác phong quyết đoán đều phải vì lợi ích chung, vì nguyện vọng chung của tập thể, của số đông người lao động thì mới thể hiện được tài năng, đức độ của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét