Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

ỨNG XỬ TRÊN MẠNG

         Văn hoá ứng xử là cốt cách của mỗi người, nên không có sự phân biệt giữa ứng xử trên mạng hay ngoài đời.

Ở trên mạng xã hội, bạn là ai? Bạn vẫn là bạn thôi, có thể bạn sẽ cố tình tạo ra một phiên bản khác của mình, tử tế hơn, hay xấu xa hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa, bạn đã thoát ly với con người thực của mình, chỉ là bản chất của bạn vốn đa nhân cách, hoặc giả dối mà thôi.

Nếu bản chất của bạn vốn thế, dù không có mạng xã hội, bạn cũng sẽ ứng xử ngoài đời với nhiều phiên bản khác nhau. Bạn có thể lễ phép ngoan hiền với sếp, lịch sự với bạn khác giới bên ngoài, đồng thời vẫn thô bỉ với nhân viên và cục súc với người thân trong gia đình.

Có nhiều người tự tin rằng, việc sống 2 mặt trong đời thực là một kỹ năng, và họ luôn thế. Những người đó cũng sẽ luôn tin, họ càng dễ dàng hơn với việc thể hiện con người trên mạng, và con người trong đời thực hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên, cơ bản là họ đã nhầm, vì sự hai mặt của họ chỉ có thể tồn tại trong mắt của những người ngây thơ và thiếu khả năng tư duy độc lập mà thôi.

Vậy thì có cần thiết đặt ra một khái niệm về ứng xử trên mạng hay không? Tôi nghĩ, với đa số là không cần thiết, bởi vì những người biết ứng xử tốt thì dù trên mạng hay ngoài đời họ vẫn tốt. Nhưng vậy thì tại sao chúng ta thấy trên mạng người ta ứng xử tệ thế, tại sao người ta tục tĩu, văng mạng như thế?

Câu trả lời, vì bây giờ chúng ta chỉ thấy nhiều thứ thông qua mạng xã hội, mà ít để tâm tới những ứng xử giao tiếp trong cuộc đời thực của mình. Nếu để tâm, chúng ta thấy ngoài đời người ta cũng đang ứng xử với nhau tục tĩu, văng mạng chẳng kém gì.

"Chúng ta hay nói đến khái niệm lệch chuẩn khi nhận xét về các hành vi ứng xử. Vậy thì chuẩn là gì? Chuẩn luật pháp rất rõ ràng nhưng luật pháp không điều chỉnh sâu đến các hành vi ứng xử. Vì thế, hành vi ứng xử chúng ta còn được điều chỉnh bằng văn hoá và đạo đức".

Và đây chính là vấn đề, bởi khả năng điều chỉnh của văn hoá và đạo đức chỉ hiệu quả trong các cộng đồng có đồng nhất cao về lối sống, tập quán, lý tưởng, lợi ích, thậm chí là thu nhập. Khi xã hội được phân mảnh về lợi ích, thu nhập thì sự đồng nhất mất đi và chúng ta có nhiều chuẩn văn hoá, chuẩn đạo đức khác biệt.

Đó là lý do mà một trong những chuẩn văn hoá được cho là quan trọng nhất của thế hệ trẻ ngày nay là “tôn trọng sự khác biệt”. Bởi vì, nếu không tôn trọng sự khác biệt thì ta cần phải áp đặt chuẩn của mình cho người khác.

Thực tế, bạn chỉ có thể áp đặt được đối với những người chịu sự phụ thuộc vào bạn về lợi ích và tình cảm mà thôi. Vậy câu hỏi cần đặt ra trong chuyện ứng xử là gì?

Tôi nghĩ, chúng ta chỉ cần bớt giả dối hơn mà thôi. Khi bớt giả dối, chúng ta sẽ không a dua với những thứ mà bản thân mình thấy rằng phản cảm. Bớt giả dối chúng ta sẽ công tâm hơn khi nhìn nhận, đánh giá những người xung quanh mình. Khi đó, nếu ai cần công chúng, họ sẽ phải điều chỉnh hành vi ứng xử của mình để phù hợp với công chúng của họ.

Chẳng một ai thách thức công chúng của mình mà có công chúng đâu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét