Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

VỀ PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG

Một là, cấp ủy các cấp xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị về lãnh đạo đấu tranh tư tưởng. Bên cạnh phương thức lãnh đạo bằng nghị quyết, hầu hết cấp ủy các cấp hiện nay lãnh đạo bằng việc ra các kế hoạch, chỉ thị thực hiện Nghị quyết 35, trong đó có đề cập nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng. Theo chúng tôi, sẽ hiệu quả hơn nếu Ban chỉ đạo 35 của các cấp ủy xây dựng được kế hoạch đấu tranh tư tưởng. Hai là, cấp ủy lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua tổ chức đảng và đảng viên. Tổ chức đảng và đảng viên là những người tiên phong đưa Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị vào cuộc sống, vào thực tiễn đấu tranh tư tưởng. Trước hết, tổ chức đảng và đảng viên là người quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, xây dựng thành nghị quyết, kế hoạch thực hiện của cấp mình. Tổ chức đảng và đảng viên cũng là những người trực tiếp tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng, xây dựng nhận thức đúng đắn cho mình và cho quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng. Tổ chức đảng và đảng viên cũng là những người trực tiếp, thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình, phê phán những suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng sai trái, lệch lạc; chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó là cơ sở để những cán bộ, đảng viên được phân công làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách đấu tranh tư tưởng, củng cố trận địa tư tưởng, phát huy tài năng và trí tuệ của mình vào thực tiễn đấu tranh tư tưởng hằng ngày, hoàn thành các mục tiêu đấu tranh tư tưởng mà Nghị quyết 35 đề ra. Mỗi tổ chức đảng cần xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh để tiến hành đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây vừa phương thức lãnh đạo, vừa là một nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết 35. Ba là, cấp ủy lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua phát huy vai trò chính quyền nhân dân. Cấp ủy lãnh đạo chính quyền cùng cấp cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về đấu tranh tư tưởng, đặc biệt là mục tiêu, quan điểm, nhiệm và giải pháp theo Nghị quyết 35 vào hoạt động quản lý Nhà nước, vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, chính quyền các địa phương cần coi trọng tuyên truyền, giáo dục nhân dân nhận rõ về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế; bao gồm những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận những quan điểm kinh tế của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối, chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước ta; làm chệch hướng XHCN nền kinh tế nước ta, phá hoại nền kinh tế. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của sự chống phá đó đối với nền kinh tế nói chung, kích hoạt quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị trong nội bộ ta nói riêng. Bốn là, cấp ủy lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội. Phương thức này huy động sức mạnh tổng hợp vào công tác đấu tranh tư tưởng. Cấp ủy đảng trong các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn... đều có lực lượng tuyên giáo làm nòng cốt, cần xây dựng chương trình, kế hoạch đấu tranh tư tưởng trong tổ chức mình, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và lợi ích chính trị của đoàn viên, hội viên. Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác đấu tranh tư tưởng. Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết là một khâu rất quan trọng trong quy trình lãnh đạo của tổ chức đảng. Kiểm tra, giám sát là khâu không thể thiếu nhằm bảo đảm nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp ủy đảng về đấu tranh tư tưởng được thực thi trên thực tế. Sơ kết, tổng kết để nhìn ra ưu điểm và hạn chế, nguyên nhân và cách khắc phục. Sơ kết, tổng kết còn giúp cấp ủy phát hiện điển hình tiên tiến, những mô hình hay, cách làm tốt để tiến hành công tác thi đua, khen thưởng; kịp thời làm công tác cổ vũ, động viên; làm lan tỏa những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trên mặt trận đấu tranh tư tưởng. Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đấu tranh tư tưởng phải được duy trì thành nền nếp, thường xuyên, có hiệu quả thiết thực, định kỳ hằng năm, nửa năm hoặc qua các đợt đấu tranh cao điểm, qua từng nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng cụ thể. Từ những mô hình hay, những điển hình tốt, những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế là cơ sở để cấp ủy xây dựng nghị quyết, chỉ thị về lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thu được thắng lợi lớn hơn. Chỉ đạo công tác đấu tranh tư tưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Những luận điệu của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị nói trên tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá vào lúc này là hết sức độc hại, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong nội bộ ta, tác động hòng làm đội ngũ ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(1). Trong bối cảnh đó, nếu cấp ủy các cấp không coi trọng lãnh đạo công tác đấu tranh tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ra sức góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thì không thể đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính vì lẽ đó, nắm chắc nội dung, phương thức lãnh đạo đấu tranh tư tưởng trở thành một nhiệm vụ then chốt của cấp ủy đảng các cấp hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét