Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

 

HIỆU QUẢ  CHỈ CÓ ĐƯỢC KHI VÀ CHỈ KHI CÓ NHẬN THỨC ĐÚNG

Lịch sử phát triển xã hội chủ nghĩa xã hội đã chỉ ra rằng, những người kế thừa chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã phạm nhiều sai lầm, cả về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn. Mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, với việc phủ nhận kinh tế thị trường, thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu… đã dẫn đến tình trạng xã hội trì trệ, sự thoái hoá về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khủng hoảng, sụp đổ. Xét về phương diện lý luận, sai lầm đó bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều về lý luận - đồng nhất lý luận với phương pháp luận; không kịp thời vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận Mác – Lê-nin khi tình hình đã thay đổi.

 Có thể nói linh hồn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là phép biện chứng duy vật, là quan điểm phát triển, quan điểm giai cấp và quan điểm lịch sử, cụ thể… Về điều này, chính C. Mác đã có lần nói: Học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là kim chỉ nam cho cuộc sống. V.I. Lê-nin cũng đã nhiều lần nhắc nhở các Đảng Cộng sản và công nhân phải biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào thực tiễn của dân tộc mình và phải biết lắng nghe “sự mách bảo của cuộc sống”.

Nhìn lại những năm đầu thập niên 20 (thế kỷ XX) có thể nói, các Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, đặc biệt là Đảng Cộng sản Liên Xô, đã bỏ lỡ cơ hội kế thừa và phát triển tư tưởng V.I. Lê-nin trong Chính sách kinh tế mới (NEP) để xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xa hội chủ nghĩa, phát triển các quan hệ quốc tế,… Nếu NEP được những người kế thừa V.I. Lê-nin tiếp tục thực hiện, thì chủ nghĩa xã hội không phải trả giá đắt như những gì đã xảy ra ở Liên Xô, Đông Âu.

Ngày nay, Cương lĩnh 2011 của Đảng ta xác định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[1] với tinh thần mới, bao hàm các kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chủ nghĩa xã hội hiện thực trên phạm vi thế giới, cũng như từ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Những nội dung sau đây của Cương lĩnh 2011 là một minh chứng:

Thay vì xây dựng nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp trong mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội, Đảng ta xác định “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội[2], kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa  phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng nền dân chủ chủ nghĩa xã hội và “Nhà nước pháp quyền xã hội  chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”[3], bảo vệ quyền công dân và quyền con người… Ngoài ra, Cương lĩnh 2011 của Đảng còn xác định nhiều nội dung thể hiện tinh thần đổi mới, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào bối cảnh thời đại và đất nước, trên các lĩnh vực khác nhau, như: văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, chính sách dân tộc, tôn giáo; chức năng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội; chính sách đối ngoại và xây dựng Đảng…

Ngày nay, để đấu tranh với các thế lực thù địch xuyên tạc và bôi nhọ Đảng, chúng ta phải đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng đảng, bao gồm vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải thấy được những giới hạn lịch sử của các quan điểm lý luận, nhất là các chính sách cụ thể để không ngừng phát triển học thuyết cách mạng đó; phải nâng cao sức “đề kháng” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ, viên chức nhà nước; tích cực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về mặt tư tưởng, lý luận; rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Chỉ có như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 88.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 73.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 85.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét