Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa
bình”: Không bôi đen bức tranh kinh tế - xã hội
Kinh tế-xã hội đất nước đang gặp
khó khăn nhất định do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đó là một thực tế.
Nhưng, chúng ta không thể chấp nhận một số người lợi dụng sự khó khăn do dịch bệnh
mà bôi đen bức tranh kinh tế-xã hội, từ đó nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Kinh tế khó khăn nhưng không “rơi vào
ngõ cụt”
Cuối tháng 9-2021, trong báo cáo tình hình
kinh tế-xã hội quý III-2021, Tổng cục Thống kê đã công bố: “Tổng sản phẩm trong nước
(GDP) quý III-2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước,
là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay”.
Một số đối tượng bất mãn, đối
tượng thù địch vốn luôn hằn học với sự phát triển của đất nước lại thấy vui sướng
trước những khó khăn của đất nước. Họ rêu rao trên mạng xã hội, trả lời phỏng vấn
báo chí nước ngoài rằng “kinh tế Việt Nam đã đi vào ngõ cụt”, “Việt Nam “toang”
rồi”...
Họ không hề nhắc đến nguyên
nhân dẫn đến GDP giảm mà Tổng cục Thống kê đưa ra là “do dịch Covid-19 ảnh hưởng
nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng
điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh”. Để rồi,
họ lại “phân tích nguyên nhân sâu xa” dẫn đến kinh tế Việt Nam giảm sút là “do
một đảng lãnh đạo”, do “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa”...
Họ không biết hoặc cố tình
không biết rằng, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng
nghiêm trọng đến sự tăng trưởng kinh tế. Nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo thì Việt Nam không thể có cơ đồ và vị thế như hiện nay. Nếu không vận
hành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì chúng ta không
thể phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả như thời gian qua. Rất nhiều tổ chức quốc
tế đã ghi nhận thành công này của Việt Nam.
Cuối tuần qua, tại trụ sở
Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Kidong Park, Quyền Điều phối
viên thường trú và các Trưởng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt
Nam. Ông Kidong Park chúc mừng Việt Nam đã kiểm soát được đợt dịch lần thứ tư với
rất nhiều nỗ lực và giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả và đang có lộ trình thích ứng
an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả để vừa chống dịch thành công, vừa phục hồi,
phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, ấn tượng với cách tiếp cận toàn dân trong
chống dịch và cách thức điều trị người mắc bệnh của Việt Nam; hoan nghênh Nghị
quyết 128 của Chính phủ về phục hồi và thích ứng an toàn đối với đại dịch
Covid-19, cho rằng 6 tháng tới là thời điểm hết sức quan trọng để phục hồi và
phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam. Đại diện các tổ chức của LHQ khẳng định,
LHQ sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng
bởi đại dịch Covid-19, nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng.
Báo cáo trước Quốc hội tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết:
Ước thực hiện cả năm dự kiến Việt Nam sẽ đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề
ra.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được
duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ
tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao; các cân đối lớn của
nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt hơn 80%, cả
năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh
và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự
toán.
Huy động vốn đầu tư toàn xã
hội ước cả năm đạt khoảng 35% GDP; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ
ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai
trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; phấn đấu đến
cuối năm có khoảng 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tăng trưởng công nghiệp
chế biến, chế tạo đạt khá; an ninh năng lượng được bảo đảm.
Không thể xuyên tạc công
tác an sinh xã hội tại Việt Nam
Tuần qua, báo cáo trước Quốc
hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm
2022, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến những khó khăn trong nước: “Dịch
Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương với sự xuất hiện của biến chủng
Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc trước
đây, lại xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn... buộc chúng ta phải
áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt
hơn để thực hiện mục tiêu ưu tiên trước hết, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính
mạng của nhân dân; từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh
kế và đời sống nhân dân”.
Trước những khó khăn đó, cả
hệ thống chính trị của chúng ta đã vào cuộc để bảo đảm an sinh xã hội. Báo cáo
của Tổng cục Thống kê cho biết: Tính đến ngày 21-9-2021, tổng kinh phí đã hỗ trợ
cho công tác an sinh xã hội là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng,
trong đó có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng
nhiều do dịch bệnh; xuất cấp 136.349,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn
2,4 triệu hộ gia đình với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch trên địa
bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng TP Hồ Chí Minh đã chi hơn
5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ hơn 4,81 triệu đối tượng (chiếm
27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân...
Thẩm tra báo cáo của Chính
phủ, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định:
“Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức vận
động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của
các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch
Covid-19. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm lương thực, thực phẩm đã được
thực hiện kịp thời thông qua việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động,
người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”.
Trên thực tế, trong nhiều
tháng qua, hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và dân quân tự vệ
đã tận tâm, tận lực chăm lo cho cuộc sống của người dân. Bộ đội làm lán trại tạm
để ở, nhường doanh trại khang trang làm nơi ở cho người dân bị cách ly do ảnh
hưởng của dịch Covid-19... Thế nhưng, một số đối tượng vẫn cố tình xuyên tạc công
tác bảo đảm an sinh xã hội của chúng ta. Chúng tung trên mạng xã hội ảnh người
chết ở nước ngoài rồi gán ghép rằng “đó là người chết trên đường phố Việt Nam”,
“người chết đói ở Việt Nam”...
Qua đợt dịch lần thứ tư, nhiều
trường hợp tử vong do dịch bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh, thành
phố khu vực phía Nam, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chính sách hỗ trợ cho trẻ mồ
côi do dịch Covid-19. Thế nhưng, một số đối tượng lại xuyên tạc chính sách nhân
đạo này.
Phát biểu ý kiến ở phiên thảo
luận tại tổ của Quốc hội ngày 21-10, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay cả nước có 2.580 cháu rơi vào tình trạng mồ
côi do dịch Covid-19, trong đó có 80 cháu mất cả cha và mẹ. Có một số doanh
nghiệp muốn thành lập các cơ sở nuôi dưỡng riêng; một số tổ chức quốc tế thì
đăng ký đỡ đầu toàn bộ 80 cháu này.
“Chúng tôi thì không khuyến
khích việc này. Chúng tôi muốn các cháu có gia đình. Không còn bố mẹ thì còn
ông bà, người thân, không còn người thân thì còn trách nhiệm Nhà nước”, Bộ trưởng
Đào Ngọc Dung nhấn mạnh. Dự kiến Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ dành tiền mặt hỗ
trợ trực tiếp cho các cháu ăn học, sẽ có chính sách đối với các cháu không còn
người thân, còn trường hợp đặc biệt sẽ đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung,
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho các cháu còn cha hoặc mẹ.
Với các cháu không còn cha lẫn mẹ thì hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng bằng tiền
mặt, bằng sổ tiết kiệm để hỗ trợ cho các cháu ăn học.
Như vậy, chính sách đối với
các cháu mồ côi do dịch Covid-19 rất rõ ràng và minh bạch. Điều này trái với ý
kiến của một số người đã phát trên mạng xã hội rằng “Chính phủ Việt Nam bỏ rơi
các cháu mồ côi do dịch bệnh”, “Việt Nam cản trở việc giúp đỡ các cháu mồ côi
do dịch bệnh”...
Cần cảnh giác với những thông
tin xuyên tạc, kích động
Thực ra thủ đoạn bôi đen bức
tranh kinh tế-xã hội Việt Nam của các thế lực thù địch không có gì mới. Nhiều
năm trở lại đây, mỗi khi đất nước ta đạt được những thành tựu phát triển, họ lại
càng hằn học, tìm mọi cách để chống phá. Thế nhưng lần này, họ lợi dụng tình
hình dịch bệnh phức tạp, đời sống của một bộ phận nhân dân khó khăn do phải
cách ly, giãn cách xã hội, không có việc làm để xuyên tạc những nỗ lực trong
phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế của chúng
ta thì đó là một tội ác lớn. Xét về phía cạnh pháp lý là không đúng với luật
pháp quốc tế. Xét về góc độ đạo lý lại càng sai.
Về chiến thuật, các thế lực
thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị vẫn triệt để lợi dụng
internet, mạng xã hội, các hình thức truyền thông mới để tuyên truyền chống
phá; tán dương, cổ vũ lẫn nhau trong một “thế trận” có “kịch bản”, đánh vào nhận
thức, tâm lý “đám đông” theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “góp gió thành bão”.
Thế nhưng gần đây, thủ đoạn của
họ lại nham hiểm hơn, tận dụng tối đa hệ thống báo chí, mạng xã hội ở nước
ngoài, các kênh Facebook, YouTube... để tung thông tin xấu, độc dưới dạng “thật
như giả”, “giả như thật”. Mánh lới của họ là giật tít, “câu view” nhằm đánh
trúng tâm lý tò mò của nhiều người. Chính vì vậy, mọi người phải hết sức cảnh
giác trước các thông tin xấu độc này.
Cùng với việc nhận diện rõ các
thông tin xấu, độc, xuyên tạc, các cơ quan chức năng của Nhà nước, cán bộ và
nhân dân cần kết hợp đấu tranh trực diện và gián tiếp để phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; hoàn
thiện các quy định pháp lý về quản lý hoạt động trên không gian mạng, tạo căn cứ
để cảnh báo, răn đe và xử lý các trường hợp vi phạm.
Trước mắt, cần công khai, minh
bạch các hoạt động kinh tế-xã hội của các ngành, các địa phương, nhất là hoạt động
phòng, chống dịch, các hoạt động hỗ trợ nhân dân, an sinh xã hội để các thế lực
thù địch không còn “cái cớ” để xuyên tạc, bôi đen sự thật.
Điều đáng phấn khởi là trong
những ngày gần đây, số người nhiễm dịch Covid-19 ở nước ta ngày càng giảm, nền
kinh tế từng bước được khôi phục, đời sống của nhân dân được cải thiện, tốt dần
lên.
Quan điểm chỉ đạo điều hành đất
nước trong thời gian tới của Chính phủ đã được Thủ tướng khẳng định trước Quốc
hội tại phiên khai mạc Quốc hội tuần qua là: Đặt sức khỏe, tính mạng của người
dân lên trên hết, trước hết; từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát
hiệu quả dịch Covid-19. Phòng, chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài;
tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là đặc biệt quan trọng; đề cao ý thức,
trách nhiệm, tính tự chủ của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch.
Vừa phòng, chống dịch hiệu quả,
vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo
đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập,
đời sống cho người dân. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta và
là câu trả lời đanh thép trước các thế lực thù địch rằng: Không thể bôi đen bức
tranh kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét