Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

Tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của đất nước

Trong gần 10 năm qua sau khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, hàng loạt vụ án, đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử với số lượng cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao, bị xử lý nhiều hơn bất cứ một giai đoạn nào trước đó. Phòng, chống tham nhũng giờ đây được thực hiện ở diện rộng hơn, đi vào chiều sâu và thực chất; từ bị động, đang dần chuyển sang trạng thái chủ động tấn công, nhất là vào những nguyên nhân căn cơ, gốc rễ, qua đó, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, cũng như vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Với quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng trong 10 năm qua đã được đẩy mạnh chưa từng có, mang lại những kết quả mang tính bước ngoặt. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng bài bản, hiệu quả, rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm quý, tính răn đe ngày càng mạnh mẽ hơn. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố: Nói đi đôi với làm. Việc xử lý nhanh chóng, quyết liệt, dứt khoát với nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có điểm dừng, bất kỳ ai dù giữ chức vụ cao đến đâu nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật là minh chứng, là sự khẳng định mạnh mẽ quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Từ năm 2013 đến 2020, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 131.000 đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng. Cùng thời gian, đã có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý (trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 30 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang). Cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra truy tố xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị; 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang. Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ với 2.038 bị can; truy tố 742 vụ với 1.594 bị can; xét xử sơ thẩm 737 vụ với 1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Đáng chú ý là những “đại án” mà dư luận và nhân cả nước nước bức xúc, bất bình như như: Vụ án công ty Việt Á, vụ án đưa và nhận hối lộ trong các chuyến bay “giải cứu” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh… trong đó khởi tố 10 cán bộ diện Trung ương quản lý (1 cựu bộ trưởng, 1 cựu chủ tịch UBND thành phố, 1 cựu thứ trưởng; 1 cựu chủ tịch UBND tỉnh; 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Có thể khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã thu được những kết quả rất quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân với Đảng và chế độ. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện đã thành phong trào, xu thế tất yếu. Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dự kiến diễn ra trong tuần này đang được cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng sự kiện quan trọng này sẽ mở ra những phương hướng mới, đột phá hơn, tiếp tục trở thành một dấu mốc mới trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, để làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân và tạo môi trường lành mạnh, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. (Trích báo CAND).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét