Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Đa dạng hóa phương thức tổng kết thực tiễn, gắn tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học.

  Tổng kết thực tiễn khi trở thành chế độ bắt buộc như học tập, nghiên cứu lý luận, thì phương thức tổng kết thực tiễn cần phải đa dạng hóa. Tức là giúp cán bộ rèn luyện óc quan sát, điều tra, phân tích tình hình và tổng kết kinh nghiệm,... ở bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào nhằm tối ưu hóa khi vận dụng lý luận cũng như phát hiện tri thức mới để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng. Tổng kết thực tiễn lâu nay mới chủ yếu coi trọng phương thức gián tiếp thông qua thành lập ban chỉ đạo và tổ chức theo hệ thống dọc. Phương thức này rất cần thiết nhằm triển khai một đề án, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn - lý luận cụ thể khi lý luận còn có độ trễ trước thực tiễn, đòi hỏi phải được bổ sung bằng chính dữ liệu của đời sống hay chu trình của một nghị quyết đủ niên độ thời gian (5 năm, 10 năm) phải tổng kết, đánh giá. Ngoài tổng kết theo phương thức gián tiếp thì còn có tổng kết theo phương thức trực tiếp, tức người lãnh đạo dành thời gian đi cơ sở để quan sát, điều tra, tổng kết các mô hình; nghiên cứu các nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến (đơn vị anh hùng, cá nhân anh hùng, gương điển hình tiên tiến); tổng kết thực tiễn thông qua tham dự đào tạo lý luận chính trị. Nhờ tham dự trực tiếp mà cán bộ tổng kết được thực tiễn một cách chân thật, sâu sắc, như Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “Muốn hiểu biết toàn bộ một sự vật, hiểu biết bản chất và quy luật nội bộ của nó, thì phải suy xét kỹ lưỡng, gom góp những cảm giác phong phú lại, rồi chọn lọc cái nào thật, cái nào giả, cái nào đúng, cái nào sai, từ ngoài đến trong, để tạo thành một hệ thống khái niệm lý luận. Đó là hiểu biết do thực hành mà có và được cải tạo trong thực hành. Hiểu biết ấy sâu sắc hơn, đúng hơn, phản ánh sự vật một cách hoàn toàn hơn”([4]). Để phương thức tổng kết trực tiếp có hiệu quả đòi hỏi phải định hình chế độ đi cơ sở của cán bộ lãnh đạo các cấp; hình thành  thói quen quan sát, điều tra, xem xét các tình huống trong thực tiễn, đặc biệt là phát hiện các mâu thuẫn và hướng giải quyết mâu thuẫn; xây dựng chế độ tham dự đào tạo lý luận chính trị đối với cán bộ lãnh đạo các cấp. Chế độ đi cơ sở giúp cán bộ có điều kiện nắm bắt thực tiễn, bổ sung dữ liệu thực tiễn cho những nhận thức còn chưa sáng rõ, đồng thời kiểm tra lý luận bằng thực tiễn. Các nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến rất phong phú trong đời sống, gồm cả gương tập thể và cá nhân, cần phải được phân tích và đánh giá thấu đáo để phổ biến nhân rộng, bổ sung cho tri thức lý luận. Gương tiên tiến là bao hàm cả tư tưởng  tiên tiến, phong cách tiên tiến, cách làm tiên tiến. Đào tạo lý luận chính trị là một không gian tốt cho tổng kết thực tiễn trong môi trường học đường([5]), đặc biệt đối với các lớp có sự tham gia giảng dạy của cán bộ lãnh đạo cao cấp. Cần đổi mới phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức một chiều sang khuyến khích tranh luận, phản hồi của người học, tăng độ tương tác giữa người học, nhờ đó sẽ thu được khối lượng tri thức thực tiễn nhất định ngay trên môi trường học đường. Người giảng viên với vốn tri thức lý luận của mình sẽ giúp người học có định hướng đúng trong sử dụng tri thức kinh nghiệm, sửa chữa căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa khi vận dụng lý luận vào thực tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét