Đó là ban hành các thể chế xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cấp ủy, cấp ủy viên, của cơ quan chuyên trách làm nòng cốt trong tổng kết thực tiễn ở mỗi cấp, mỗi ngành. Tổng kết thực tiễn phải được xây dựng thành chế độ bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên; gắn liền với chế độ học tập, nâng cao trình độ lý luận; gắn với yêu cầu đưa cán bộ gần dân, bám sát thực tiễn. Rà soát, đánh giá lại các cơ chế tổng kết thực tiễn hiện có ở các cơ quan chuyên trách nòng cốt với sự phân tách hoạt động hành chính đảng với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ phục vụ tổng kết thực tiễn ở các ban đảng. Các ban đảng là những cơ quan tham mưu của Đảng, có vai trò nòng cốt chuyên trách trong tổng kết thực tiễn, nhưng đến nay còn chưa tách biệt giữa hoạt động hành chính đảng với hoạt động nghiên cứu, tham mưu (bao gồm cả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham mưu đường lối, chủ trương) đòi hỏi phải có trình độ chuyên ngành, liên ngành và phương pháp tương ứng. Cơ chế hiện có chưa giúp cán bộ tham mưu nâng cao trình độ lý luận, thiếu được trang bị các phương pháp, kỹ năng tổng kết thực tiễn, nên lúng túng khi triển khai một đề án tổng kết thực tiễn cụ thể. Cần phải hoàn thiện các chính sách liên quan, đặc biệt là bảo đảm nguồn lực, điều kiện, môi trường công tác cho các cơ quan, cán bộ ra sức trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nhờ đó mà làm tròn vai trò chuyên trách nòng cốt trong tổng kết thực tiễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét