Những người có
uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là các già làng, trưởng bản,
trưởng thôn, tiểu khu trưởng, người có công với cách mạng, cựu chiến binh. Họ
tuy tuổi đã cao nhưng có vai trò quan trọng trong các hoạt động phát triển kinh
tế-xã hội và bảo vệ an ninh chính trị ở khu dân cư, tổ dân phố, bản, làng…
Đảng, Nhà nước
và chính quyền các địa phương luôn quan tâm, động viên, đãi ngộ, tạo điều kiện
để người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS triển khai các hoạt động… Theo Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố;
người có uy tín luôn làm việc trách nhiệm, tâm huyết với các hoạt động, chương
trình tại khu dân cư, buôn làng; người dân lắng nghe, kính trọng và làm theo.
Tại tỉnh Đồng
Nai có hơn 200 người có uy tín. Đồng bào các DTTS sống xen kẽ ở các huyện,
thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa và sống tập trung đông ở khu vực nông
thôn, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Một số ít các dân tộc ChơRo, Mạ, XTiêng,
Chăm, Tày, Nùng... sống quần tụ thành làng. Nhiều năm qua, các cơ quan, ban,
ngành và Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên
truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua, các chương trình, mục
tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự... Nổi bật là
việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, thông qua
duy trì tổ chức lễ, Tết truyền thống, bảo tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa
phi vật thể của đồng bào.
Đồng thời, người
có uy tín tích cực vận động đồng bào tham gia Ngày hội Văn hóa-Thể thao các
DTTS được tổ chức ở cấp huyện, cấp tỉnh và tham gia hội thi thể thao toàn quốc;
tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc
tang, lễ hội; loại bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu; vận động hỗ trợ các gia
đình gặp khó khăn.
Có thể kể đến
ông Chềnh Cún Pẩu (52 tuổi) ở ấp Hòa Hiệp, xã Ngọc Định (huyện Định Quán). Là
người có uy tín, ông Pẩu đã cùng chính quyền địa phương vận động người dân
trong ấp chung sức xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, UBND xã có chủ trương xây
nhà văn hóa ấp để bà con có nơi sinh hoạt, nhưng lại không có đất công để thực
hiện, ông Chềnh Cún Pẩu đã chủ động hiến một phần đất của gia đình. Ngoài ra,
ông còn hiến đất xây dựng phân hiệu trường mầm non và làm đường giao thông nông
thôn.
Hiện nay, tỉnh
Thanh Hóa có 1.289 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đó là những người được
người dân thôn, bản bình chọn, suy tôn. Ông Quách Văn Long, Trưởng thôn Đồng
Xuân, xã Hải Long, huyện Như Thanh, đã tích cực vận động nhân dân tham gia hiến
đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây cầu
và các công trình phúc lợi với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông còn phối
hợp các chi hội, đoàn thể giải quyết hiệu quả các vụ tranh chấp, mâu thuẫn
trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh vấn đề phức tạp.
Một người uy
tín tiêu biểu khác là ông Bàn Văn Phòng, Tổ trưởng Tổ an ninh xã hội thôn Thạch
An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy, thường xuyên tuyên truyền, vận động gia đình,
dòng họ trong thôn tham gia phong trào hoạt động, chương trình, kế hoạch phát
triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn
mới, ông đã “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền về mục tiêu, ý
nghĩa, vai trò chủ thể của người dân, để mọi người đồng thuận, tích cực tham
gia các nội dung, tiêu chí, nhất là tiêu chí bảo đảm an ninh pháp luật, tiêu
chí về văn hóa, giảm nghèo...
Theo Ủy ban MTTQ
tỉnh Thanh Hóa, qua ghi nhận thực tiễn, người có uy tín đang là “cánh tay nối
dài” giúp mặt trận tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt các
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Người có uy
tín trong đồng bào DTTS có vai trò, vị trí rất quan trọng trên các lĩnh vực đời
sống, kinh tế-xã hội; là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng,
chính quyền với người dân. Hằng năm, người có uy tín được cấp ủy, chính quyền địa
phương mời tham dự các buổi phổ biến pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực hiện
các chương trình, dự án đầu tư tại địa phương; các buổi hội nghị, họp dân để
tuyên truyền, cung cấp thông tin thời sự về tình hình phát triển kinh tế-xã hội;
được cấp phát báo để nắm rõ, kịp thời tình hình đất nước. Các đồng chí lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền các địa phương thường xuyên gặp mặt, tôn
vinh, lắng nghe ý kiến, đề xuất của người có uy tín để từ đó có những chỉ đạo kịp
thời…
Tuy nhiên, thực
tế cho thấy, dù được quan tâm bằng những chính sách cụ thể nhưng sự đãi ngộ với
người có uy tín chưa thật sự tương xứng, vẫn còn một số bất cập cả về chế độ,
chính sách, kinh phí... Do đó, các ban, bộ, ngành và địa phương cần bám sát thực
tiễn, nghiên cứu, sớm có giải pháp khắc phục hạn chế này; bổ sung, hoàn thiện
và thực hiện tốt các chính sách nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của
người có uy tín trong vùng DTTS, góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc của
Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước hiện nay. Các cấp ủy đảng, chính quyền
địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nhiệm vụ của các sở, ngành và
UBND các huyện, thành phố trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến và thực
hiện các chế độ chính sách đối với người có uy tín.
Bên cạnh đó,
các cơ quan, địa phương cần tạo điều kiện hơn nữa để người có uy tín tham gia
góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với đẩy
mạnh cung cấp, phổ biến thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan dân tộc, tôn giáo,
quốc phòng, an ninh... Từ cơ sở, các cán bộ Mặt trận một số địa phương đề nghị
cần có thêm chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, kinh phí đi lại, chế độ bảo
hiểm y tế cho người có uy tín một cách phù hợp; đẩy mạnh nêu gương điển hình
tiên tiến và kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có uy tín có thành
tích tiêu biểu để tạo phong trào thi đua rộng khắp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét