Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Chủ động phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

 

Bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt để triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển thành: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.

1. Quan điểm BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là hoàn toàn đúng đắn, xuất phát từ bài học kinh nghiệm được đúc kết từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đồng thời thể hiện bước phát triển quan trọng từ thực tiễn và lý luận của Đảng về quốc phòng, an ninh (QPAN), đối tác, đối tượng, về BVTQ trong tình hình mới.

Từ xưa đến nay, đất nước ta đã áp dụng nhiều biện pháp, như: Tích cực hoạt động bang giao, giữ hòa khí với các nước láng giềng, tránh chiến tranh khi còn có thể; chăm lo xây dựng, củng cố lực lượng quân đội, tiềm lực quốc gia; giữ vững biên giới; thực hiện kế sách khoan thư sức dân... Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, Việt Nam cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”.

Thực tế cho thấy, BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là tư tưởng chỉ đạo, hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Kế sách này được vận dụng sáng tạo, linh hoạt thông qua việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và "thế trận lòng dân"; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội... Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động không ngừng chống phá kế sách BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều giải pháp để đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá này. Đặc biệt, ngày 22-10-2018 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Tiếp đó, ngày 4-6-2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 53-KL/TW về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội. Hai văn bản này tạo khuôn khổ phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng.

2. Việc đặt ra yêu cầu chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, góp phần BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy xuất phát từ đánh giá, nhận định thấu đáo của Đảng ta về tình hình trong nước, những diễn biến mới và thay đổi nhanh chóng trên thế giới; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch.

Về tình hình trong nước. Tuy đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn mà không ai có thể phủ nhận, như Đảng ta đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”; song vẫn còn tồn tại những hạn chế, khiếm khuyết, như: Sự phân hóa giàu nghèo, khoảng cách chênh lệch về sự phát triển giữa các vùng miền, vẫn còn nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực... Các thế lực thù địch, phản động luôn tận dụng những hạn chế, khuyết điểm này để suy diễn, xuyên tạc, thổi phồng hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết liệt chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Về những diễn biến mới và thay đổi nhanh chóng trên thế giới. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thay đổi rất mau lẹ, khó đoán định với nhiều xu hướng đáng quan ngại nổi lên (như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, trào lưu dân túy, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ...) đặt ra hàng loạt thách thức đối với các quốc gia. Không gian lựa chọn chiến lược của Việt Nam bị thu hẹp dưới tác động của thay đổi địa chính trị quốc tế, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn. Bối cảnh mới đòi hỏi Việt Nam phải duy trì thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với các nước để tránh đối đầu, trở thành nạn nhân của xung đột vũ trang và chiến tranh.

Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới-“không gian mạng”. Đây là môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế-xã hội của các quốc gia, đưa tới những chuyển biến sâu sắc về mọi mặt, trong đó có những phương tiện và phương thức bảo đảm QPAN, BVTQ, tạo ra những thách thức mới...

Trong thế giới phẳng hiện nay, người dân được tiếp cận thông tin rất nhanh và phong phú, đa chiều, cả mặt thuận và mặt trái, trong đó nhiều thông tin không được kiểm chứng. Những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo trên không gian mạng tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân và sự nghiệp QPAN, BVTQ.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch không ngừng thay đổi, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt là tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ để tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Không gian mạng đã được chúng tận dụng triệt để với quy mô, mức độ, đối tượng rộng khắp và rất khó kiểm soát. Các thế lực thù địch, phản động, đối tượng chống đối chủ yếu sử dụng mạng xã hội để tung tin xấu độc, tán phát tài liệu, quan điểm sai trái nhằm tuyên truyền, phá hoại nền tảng tư tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, từng bước thực hiện âm mưu thay đổi chế độ chính trị nước ta. Theo báo cáo của Bộ Công an, chỉ riêng năm 2020 đã phát hiện hơn 3.000 trang mạng có nội dung xấu độc, đăng tải hơn 800.000 bài viết, video clip có nội dung chống phá, hòng làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động cố tình tung nhiều thông tin không có lợi cho chính sách BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy của Đảng, Nhà nước ta. Ví như chúng thường lợi dụng những sự việc trên Biển Đông để bóp méo, bịa đặt, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; kích động chiến tranh và gây chia rẽ, bất ổn trong nước; đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải xem xét lại chính sách đối ngoại theo hướng tẩy chay nước này, dựa vào nước khác... Đây là những luận điệu phản động rất nguy hiểm, cố tình phá hoại chính sách đối ngoại, quốc phòng của Việt Nam theo nguyên tắc vừa đạt được mục tiêu BVTQ vừa giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

3. Dự báo, hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, chống đối sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát hơn trong thời gian tới. Vì vậy, để chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, gây tổn hại tới chính sách BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy của Đảng, Nhà nước và toàn dân, toàn quân ta; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi đường lối BVTQ từ sớm, từ xa, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, các cơ quan nghiên cứu lý luận, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu chiến lược, nắm chắc tình hình, diễn biến trong và ngoài nước, cụ thể như: Các xu hướng vận động của thế giới và khu vực, nhất là khu vực ASEAN, Biển Đông; phân tích kỹ những cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; những diễn biến trên thế giới để chỉ rõ những tác động đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ... Trên cơ sở đó, chuẩn bị các luận cứ khoa học phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái; hoàn thiện chiến lược BVTQ, nhất là kế sách chủ động BVTQ từ trong thời bình; tập trung phát triển, hoàn thiện lý luận BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy trong tình hình mới.

Hai là, tăng cường thông tin, tuyên truyền để đạt được thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy. Để thực hiện được điều này, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cấp, ngành cần thường xuyên cập nhật kiến thức về BVTQ trong tình hình mới; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên và cập nhật thường xuyên tài liệu tuyên truyền công khai về các vấn đề dư luận trong nước và quốc tế quan tâm theo hướng dễ đọc, dễ hiểu... để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Ba là, thường xuyên quan tâm nghiên cứu, nắm thật chắc tình hình tư tưởng, các xu hướng xã hội, đặc biệt là những vấn đề, sự kiện nhân dân quan tâm để kịp thời thông tin, định hướng dư luận có nhận thức đúng; không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng "khoảng trống thông tin" để xuyên tạc, kích động; tránh để người dân vì tò mò mà tìm cách tiếp cận thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng... Thực tế cho thấy, đây là việc hết sức quan trọng, bảo đảm giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; phòng, chống tư tưởng, tâm lý dao động, mất lòng tin trong nhân dân và dẫn tới “tự diễn biến”, suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng không vững vàng.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại; chủ động cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ cho các đối tác, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để họ hiểu đúng, hiểu toàn diện, tránh cách nhìn phiến diện, thiên lệch về tình hình tại Việt Nam; không để các đối tượng phản động, chống đối lợi dụng cung cấp thông tin một chiều, không đúng thực tế, gây bất lợi cho Đảng, Nhà nước ta, nhất là trong thực hiện kế sách BVTQ từ sớm, từ xa.

Năm là, luôn theo dõi sát, nắm bắt kịp thời các dạng quan điểm sai trái và những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị nhằm chủ động trong đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả. Đồng thời, cần đổi mới phương thức đấu tranh trên các mặt pháp lý, truyền thông, tuyên truyền, đặc biệt là về mặt kỹ thuật. Lực lượng chuyên trách các cấp cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn thông tin sai trái, tội phạm mạng...; tăng cường số lượng, chất lượng thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin xấu độc.

Sáu là, chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, nổi cộm phát sinh, những vấn đề bức xúc trong xã hội; không để các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền chống phá, không để các vụ việc phức tạp kéo dài, phát triển ngoài tầm kiểm soát, gây ra tâm lý hoài nghi, giảm lòng tin trong quần chúng nhân dân đối với các cấp chính quyền và Đảng, Nhà nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét