Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2022), phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn Đại sứ các nước ASEAN và đối tác của Hiệp hội về những kết quả mà Hiệp hội đạt được trong quá trình xây dựng Cộng đồng và trong quan hệ với các đối tác, cũng như những mục tiêu hợp tác trong thời gian tới.
ĐẠI SỨ CAMPUCHIA TẠI VIỆT NAM CHAY NAVUTH (CHAY NA-VÚT):
Đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN
Trong những năm gần đây, ASEAN duy trì được mối quan hệ giữa các thành viên và tiếp tục tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Hiệp hội cũng thúc đẩy và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài khối. Các thành viên của ASEAN chung sức trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cũng như trong các vấn đề an ninh khu vực. Những thành tựu hợp tác của ASEAN đã góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, các nhà lãnh đạo của Hiệp hội đã đạt được đồng thuận năm điểm, trong đó nhất trí hỗ trợ Myanmar ổn định. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, các nước lớn, các tổ chức khu vực cũng ủng hộ vai trò của ASEAN trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar. Về tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các quốc gia thành viên ASEAN đều mong muốn sớm ký kết COC. Hai yếu tố không thể thiếu để có thể sớm hoàn tất COC là thiện chí của các bên liên quan và môi trường hòa bình trong khu vực được bảo đảm.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Campuchia thúc đẩy các ưu tiên chính của Hiệp hội trong năm 2022, tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với các bên nhằm đạt được mục tiêu xây dựng Cộng đồng phù hợp với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; đồng thời xúc tiến việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Về trụ cột Chính trị-An ninh, Campuchia tập trung củng cố sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, cả về hợp tác trong các cơ chế khu vực, cũng như với các đối tác, dựa trên các phương thức và nguyên tắc được quy định trong Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ASEAN cần kiên cường và mạnh mẽ trước những tác động của cạnh tranh địa-chính trị, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, biến đổi khí hậu, các bệnh truyền nhiễm..., nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Trong trụ cột Kinh tế, Campuchia thúc đẩy thực hiện hiệu quả các sáng kiến và biện pháp đã được ASEAN nhất trí, cũng như tận dụng tối đa các hiệp định thương mại nhằm đẩy mạnh phục hồi và tăng trưởng kinh tế của các thành viên trong bối cảnh bình thường mới. ASEAN sẽ nỗ lực bảo đảm rằng, Đông Nam Á là một khu vực năng động, thu hút thương mại và đầu tư. ASEAN cần tăng cường kết nối, cả về kỹ thuật số; nâng cao năng lực của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; cũng như thực hiện các ưu tiên khác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy hội nhập khu vực.
Về trụ cột Văn hóa-Xã hội, Campuchia và các thành viên của Hiệp hội sẽ tăng cường phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu xây dựng Cộng đồng ASEAN, xây dựng hệ thống an sinh xã hội toàn diện, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong duy trì hòa bình của khu vực. Một ưu tiên quan trọng khác là tăng cường gắn kết giữa nhân dân các nước thành viên, nhằm nâng cao tinh thần “Một bản sắc” của ASEAN.
ĐẠI SỨ EU TẠI ASEAN IGOR DRIESMANS (I-GÔ ĐRI-XMAN):
ASEAN là trọng tâm trong chính sách của EU
Quan hệ đối tác với ASEAN là trọng tâm trong các chính sách của Liên minh châu Âu (EU) tại châu Á. Trong Chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với EU về liên kết chính trị và kinh tế, phát triển chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy phục hồi, tác động môi trường và khí hậu.
Chiến lược của EU nhằm tạo điều kiện rộng mở cho các mối quan hệ đối tác và hợp tác trong khu vực, có sự tương đồng với tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, góp phần bảo đảm sự ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Là một đối tác đáng tin cậy, EU ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và coi Hiệp hội là điểm tựa thúc đẩy hợp tác, đóng góp vào sự ổn định và phục hồi bền vững của khu vực.
EU và ASEAN thiết lập quan hệ đối tác đối thoại vào năm 1977. Quan hệ đối tác EU-ASEAN dựa trên các giá trị và mục tiêu chung, nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh trong khu vực, tăng cường kết nối, thúc đẩy thương mại tự do, công bằng và hỗ trợ phát triển bền vững. Việc EU và ASEAN nâng quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2020 khẳng định những kết quả thực chất đạt được trong hợp tác chính trị, kinh tế và an ninh giữa hai bên, đồng thời mở ra một chương mới trong quan hệ.
EU và ASEAN phối hợp trong việc hỗ trợ xây dựng cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN; tiến hành đối thoại trong nhiều lĩnh vực, như ứng phó biến đổi khí hậu, thương mại, khoa học, an ninh hàng hải… EU tham gia và đóng góp tích cực tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, EU và ASEAN đã chứng minh là những đối tác đáng tin cậy của nhau. EU và các nước thành viên của khối đã đóng góp hơn 800 triệu euro, hỗ trợ cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại các nước ASEAN.
Hợp tác giữa EU và ASEAN hiện nay xoay quanh các mục tiêu ưu tiên là triển khai quan hệ đối tác chiến lược, kết nối bền vững và hợp tác về môi trường, khí hậu. Về thương mại và đầu tư, EU thúc đẩy các thỏa thuận song phương với các nước thành viên ASEAN, mở đường cho một thỏa thuận tiềm năng giữa hai khu vực trong tương lai. Phát triển xanh, bền vững và bao trùm, cũng như đạt được các mục tiêu phát triển bền vững cũng là trọng tâm hợp tác của EU với ASEAN thời gian tới. EU cũng thúc đẩy các mối liên kết mạnh mẽ hơn giữa nhân dân hai bên.
Đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược EU-ASEAN. Hai bên dự kiến thông qua kế hoạch hành động giai đoạn mới để xác định các ưu tiên hợp tác trong những năm tới, trong đó tập trung phục hồi hậu đại dịch, thúc đẩy thương mại và kết nối bền vững, cũng như tăng cường hợp tác an ninh.
ĐẠI SỨ ẤN ĐỘ TẠI VIỆT NAM PRANAY VERMA (PRA-NAY VƠ-MA):
Hợp tác với ASEAN là ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ
Ấn Độ và ASEAN có mối quan hệ đa dạng và ngày càng phát triển kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại theo lĩnh vực năm 1992 và sau đó là đối tác đối thoại đầy đủ năm 1995. Việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Ấn Độ lên đối tác chiến lược vào năm 2012 là một bước tiến trong quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai bên. Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ được tổ chức vào năm 2018 tại New Delhi là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai bên. Hội nghị này đã nêu rõ cam kết của Ấn Độ với ASEAN dựa trên hợp tác trong các lĩnh vực kết nối, thương mại và văn hóa.
Năm 2022 được chọn là Năm Hữu nghị ASEAN-Ấn Độ. Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ tại New Delhi vào ngày 16/6 nhằm kỷ niệm 30 năm quan hệ Đối tác đối thoại giữa hai bên. Dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (X.Giai-san-ca) nêu rõ tầm nhìn về quan hệ Ấn Độ-ASEAN, trong đó nhấn mạnh, Ấn Độ và ASEAN được kết nối tốt hơn sẽ tạo điều kiện thúc đẩy toàn cầu hóa và các chuỗi cung ứng linh hoạt, đáng tin cậy mà cộng đồng quốc tế đang rất cần.
ASEAN đã tạo dựng được môi trường hòa bình, sự thịnh vượng và tăng trưởng cho khu vực trong hơn năm thập kỷ qua. Nhận thức được tầm quan trọng của Hiệp hội, lãnh đạo Ấn Độ luôn dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, với việc thường xuyên tham dự các Hội nghị cấp cao hằng năm và các hội nghị liên quan của ASEAN; đồng thời đưa ra các sáng kiến mới trong những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Hiện nay, với tư cách là đối tác chiến lược, Ấn Độ và ASEAN có quan hệ chính trị, kinh tế quan trọng và có lợi ích chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Dựa trên các mối liên hệ sâu sắc của Ấn Độ với khu vực, được định hướng bởi chính sách Hành động hướng Đông, cũng như Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ cam kết xây dựng các mối liên kết ngày càng chặt chẽ hơn với ASEAN thông qua tăng cường kết nối, thương mại và trao đổi văn hóa.
Việt Nam là trụ cột chính trong chính sách Hành động hướng Đông và là đối tác quan trọng trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ. Mối quan hệ hai nước dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, cũng như sự tương đồng về quan điểm đối với các vấn đề khu vực và quốc tế. Kể từ khi gia nhập ASEAN cách đây 27 năm đến nay, Việt Nam đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-ASEAN.
Ấn Độ đánh giá cao vai trò của Việt Nam, với tư cách là nước điều phối quan hệ của ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018 và góp phần tổ chức thành công Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ. Vào năm 2020, bất chấp sự gián đoạn của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và ASEAN. Ấn Độ sẵn sàng và mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung của hai nước và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét