Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

“DANH DỰ”, “PHẨM CHẤT” ĐẢNG VIÊN VÀ Ý NGHĨA TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

 

Danh dự được hiểu là sự coi trọng, tôn trọng của xã hội đối với một cá nhân, tổ chức nào đó và được pháp luật ghi nhận, bảo vệ. Nhân phẩm là toàn bộ phẩm chất mà mỗi con người có được, hay nói cách khác nhân phẩm chính là giá trị làm người của mỗi con người.
Cán bộ, đảng viên thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất, đạo đức đó chính là quá trình nâng cao khả năng, sức đề kháng trước sự tấn công của “giặc tham nhũng, tiêu cực”. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người chủ trì lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cơ quan, đơn vị nếu biết trọng danh dự, biết giữ liêm sỉ, thì họ sẽ cảm thấy xấu hổ khi bản thân hoặc người nhà có những hành vi sai trái, vi phạm kỷ luật, pháp luật nói chung và tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng. Phát biểu trước các hội nghị liên quan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại về “Phẩm chất” và “Danh dự” bởi hai khái niệm này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và tác động trực tiếp đến uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay đã từng “vào sinh ra tử” trong kháng chiến, không “gục ngã” bởi hòn tên mũi đạn của quân xâm lược nhưng trong hoà bình, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội lại “gục ngã” bởi những “viên đạn bọc đường”. Đúng như Đảng ta đã cảnh báo và chỉ rõ, trong nội bộ ta, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tế đáng buồn ấy đã và đe dọa sự tồn vong của Đảng, sự mất - còn của chế độ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Biểu hiện suy thoái hóa, biến chất ở một số cán bộ, đảng viên thì có nhiều, nhưng biểu hiện đáng lo nhất hiện nay là sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân. Không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí có chức, có quyền họ đã quên đi bổn phận của mình trước Đảng, trước nhân dân, làm gì họ cũng lồng vào đó lợi ích cá nhân, tìm cách thu vén lợi ích cho riêng mình, trục lợi cho gia đình mình. Có thể khẳng định: Chính sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự gia tăng các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Và cũng chính bởi chủ nghĩa cá nhân mà dẫn tới lợi ích nhóm ngày càng trầm trọng, tinh vi hơn.
Cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực gây ra những tổn hại rất ghê gớm. Điều rõ thấy là tổn hại về kinh tế, vật chất làm nghèo đất nước. Nhưng có lẽ cái tổn hại không thể tính được bằng tiền nhưng cực kỳ nặng nề, đáng lo là làm cho Đảng ta yếu đi, làm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ giảm sút.
Cán bộ, đảng viên là những người ưu tú, tiên tiến nhất trong nhân dân lao động, được lựa chọn đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản để lãnh đạo nhân dân. Đáng lẽ ra mỗi người đảng viên của Đảng phải luôn luôn phấn đấu vì lợi ích của giai cấp và dân tộc, lợi ích của tập thể, làm gì cũng đều đặt lợi ích của giai cấp, lợi ích của dân tộc, của tập thể lên trên hết, trước hết.
Ấy vậy mà một số người sau đó đứng vào hàng ngũ của Đảng, chính những cán bộ, đảng viên được dân lựa chọn ấy lại phản bội quần chúng nhân dân; lại thoái hóa, biến chất; lại rơi vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, tiêu cực. Trước mỗi vụ tham nhũng, tiêu cực bị phanh phui; chứng kiến những cán bộ, đảng viên phải ra hầu tòa, tuy không nói ra nhưng dân mình đau đớn lắm.
Từ thực tế, một điều đáng chia sẻ với những cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí cán bộ chủ trì, chủ chốt đang nắm giữ các vị trí quan trọng của Đảng và Nhà nước rằng: Mình làm cán bộ, đảng viên, được giao giữ các chức vụ quan trọng, thực chất là do Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân tin tưởng lựa chọn, giao phó. Vì thế giữ trọng trách gì, làm công việc gì cũng phải nghĩ đến nước, nghĩ đến dân mà hành động cho chuẩn mực, đúng đắn.
Mặc khác, không chỉ nhân dân mà cán bộ, đảng viên cần phải hiểu sâu sắc rằng để đất nước tươi đẹp, có vị thế như ngày nay các thế hệ cha, anh đi trước đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, xương máu. Là thế hệ hậu sinh chúng ta phải biết trân trọng, kế thừa, phát huy truyền thống và những thành quả tốt đẹp mà đất nước đã có được. Trân trọng, nhân lên truyền thống không thể là những lời nói suông mà phải bằng những việc làm, hành động cụ thể, đặc biệt là phải tăng cường “sức đề kháng” để vững vàng, không gục gã trước những “viên đạn bọc đường”, không gục ngã trước danh vọng, tiền tài.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đây không phải là vấn đề mới bởi từ khi ra đời Đảng ta đã ý thức rất rõ cán bộ là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của cách mạng. Chỉ có quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng, tạo điều kiện để cán bộ phát huy vai trò thì việc đề ra chủ trương, đường lối mới đúng đắn, phù hợp và việc tổ chức thực hiện mới nhanh chóng, chặt chẽ, hiệu quả. Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều có các chủ trương, nghị quyết lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và có cơ chế bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ khẳng định mình.
Đặc biệt, sau khi nước nhà thống nhất, để bảo đảm cho Ðảng đủ sức làm tròn trách nhiệm lãnh đạo toàn dân tiến hành cách mạng XHCN, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, Đảng ta đã nhấn mạnh: Cần đấu tranh loại bỏ tư tưởng: “trông chờ, ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán... Các nhiệm kỳ đại hội sau đó, Đảng ta tiếp tục đề cập rõ hơn về việc xây dựng, pháp huy vai trò của đội ngũ cán bộ đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Chẳng hạn, tại Đại hội lần thứ V của Đảng, sau khi thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, Báo cáo Chính trị đã nhấn mạnh, nhiệm kỳ mới cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện và đưa vào đội ngũ cán bộ những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm, bảo vệ chân lý”; cần phải tập hợp được những cán bộ có tinh thần “dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”.
Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đại hội VI khởi xướng, tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”, Đảng ta đã đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” thành một tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo.
Tuy cách thức thể hiện có khác nhau để phù hợp với tình hình cụ thể, nhưng ở các kỳ đại hội tiếp sau này vấn đề phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ luôn được Đảng ta coi trọng. Đáng chú ý sau Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ta nhấn mạnh: Cần có cơ chế, chính sách để giải quyết mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhất là của người đứng đầu nhằm “khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng”.
Sau Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung... Tiếp tục tinh thần ấy, đến Đại hội XIII, Đảng ta một lần nữa khẳng định: có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung...
Việc Bộ Chính trị ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, là sự kết thừa kết quả, kinh nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ các nhiệm kỳ trước đây, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng với yêu cầu mới của cách mạng. Để cán bộ, đảng viên luôn giữ gìn “Danh dự”, “Phẩm chất” nhằm góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới./.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét