Bài học về sự quyết tâm trong Cách
mạng tháng Tám
Cách mạng tháng Tám đã để lại rất nhiều bài học vô giá cho cách mạng nước ta từ suốt gần 80 năm qua. Một trong những bài học rất có ý nghĩa, nên được nhắc lại là sự quyết tâm.
Khi
nói đến quyết tâm giành cho được độc lập, chúng ta đều nghĩ ngay đến một câu
nói của Bác Hồ. Việc này được Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 2,
ghi lại: “Tháng 7, cuối tháng. Tại lán Nà Lừa, Hồ Chí Minh ốm nặng. Người đã
uống ký ninh và thuốc cảm, nhưng vẫn sốt cao và luôn mê sảng. Một hôm, lên lán
báo cáo công việc, thấy Người sốt, đồng chí Võ Nguyên Giáp xin ở lại lán với
Người. Người mở mắt, khẽ gật đầu. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Người nói với
đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu,
dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc
lập”. Một lần khác, Người nói: ‘Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ,
bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích,
lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trọng
xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng
chân được’”. Và câu “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn…” đã khẳng định quyết
tâm không gì lay chuyển được của Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình trong
việc giành độc lập.
Quyết
tâm là một trạng thái ý chí của một người nào đó nhất thiết phải làm việc gì
đó; quyết tâm còn được nâng lên thành trạng thái ý chí của một tập thể, một tổ
chức, một cộng đồng người rộng lớn, thể hiện sự kiên quyết và đồng lòng trong
việc thực hiện một nhiệm vụ, một công việc nào đó. Quyết tâm còn là sự tập
trung năng lượng và nỗ lực vào một nhiệm vụ cụ thể và gắn bó với nó cho tới khi
hoàn thành. Nói về sự quyết tâm trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 có thể hiểu
là sự chung sức, chung lòng và kiên quyết giành cho được chính quyền, giành cho
được độc lập của tổ chức Việt Minh, của Đảng Cộng sản Đông Dương, của gần như
toàn thể nhân dân ta lúc đó.
Sự
quyết tâm đã thể hiện rất nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp, có hiệu quả của
tổ chức đảng, các đoàn thể và quần chúng khắp từ Bắc vào Nam, từ miền ngược về
miền xuôi, từ nông thôn đến đô thị, nhất là từ khi có Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn
nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12/3/1945. Bấy giờ, chính sách tận thu
lương thực và bắt dân ta nhổ lúa trồng đay của phát xít Nhật với sự giúp đỡ đắc
lực của thực dân Pháp đã khiến đồng bào ta bị chết đói ở nhiều nơi. Từ đó, ý
thức về thân phận “một cổ hai tròng”, nhân dân ta đã thể hiện lòng căm thù cao
độ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dẫn dắt của các đảng viên, nhân dân ta đã có
các cuộc đấu tranh, nổi dậy phá kho thóc, sau đó là tham gia các đoàn thể, các
tổ chức vũ trang chuẩn bị cướp chính quyền. Gần như toàn thể đồng bào, cán bộ
đã thấy rõ cơ hội là đây và không thể chần chừ, không thể chờ đợi.
Trong
quần chúng nhân dân, sự quyết tâm đã thể hiện ở sự sẵn sàng tham gia khởi nghĩa
giành chính quyền, bất chấp hiểm nguy, bất chấp những trải nghiệm đau thương ở
những lần bị đàn áp trong các hoạt động cách mạng trước đó. Mọi người đều thấy
rằng thời cơ đã đến và hăng hái hoạt động cùng với các đoàn thể cách mạng. Nếu
người dân nghèo vì bị bóc lột tàn tệ nên không có gì để mất khi tham gia khởi
nghĩa thì tầng lớp tư sản và địa chủ dân tộc, vốn sẽ mất rất nhiều nếu tham gia
cách mạng mà cách mạng không thể thành công nhưng vì lòng yêu nước, vì vận mệnh
dân tộc, đã đóng góp tiền của, tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng và trực tiếp
góp sức lực của mình trong nhiều vai trò để cùng toàn dân giành thắng lợi trong
cuộc khởi nghĩa.
Ở
Nam bộ, sự quyết tâm thể hiện ở một cung bậc khác. Sau khởi nghĩa Nam kỳ, tổ
chức đảng, đảng viên và quần chúng cốt cán bị đàn áp đẫm máu; nhiều người bị
bắt, bị giết hại, số khác phải tạm lánh và ít có điều kiện hoạt động; ở nhiều
nơi, các tổ chức của cách mạng gần như bị tan rã... Nhưng trước tình thế cách
mạng đầu năm 1945, các đảng viên trung kiên và quần chúng ở Nam kỳ đã dần tổ
chức lại và hình thành Xứ ủy thống nhất để lãnh đạo nhân dân chuẩn bị khởi
nghĩa, trước khi được hợp nhất. Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, một bộ
phận đảng viên còn e ngại tình huống của cuộc khởi nghĩa năm 1940 tái hiện nên
Xứ ủy Nam kỳ đã thống nhất tiến hành khởi nghĩa ở Tân An trước khi thực hiện ở
Sài Gòn và sau đó toàn Nam kỳ. Nếu không có sự quyết tâm, có thể những người
lãnh đạo Xứ ủy không chủ động tiến hành mà chờ Trung ương chỉ đạo, khi đó tình
thế cách mạng hẳn đã khác.
Bài
học quyết tâm đã được vận dụng trong nhiều cao trào, hành động cách mạng suốt
từ đó đến nay. Như trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong tình thế tương quan về
lực lượng không nhỏ nhưng đứng trước cơ hội kết thúc cuộc chiến, quân và dân ta
đã quyết tâm, anh dũng chiến đấu để giành thắng lợi chấn động địa cầu sau 55
ngày đêm. Hay trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, các đợt tiến
công dù ác liệt, hy sinh nhưng bằng tinh thần quả cảm, xung phong, các lực
lượng của ta đã góp phần tạo nên thắng lợi chính trị và quân sự vang dội. Đặc
biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với tinh thần “một ngày bằng 30
năm”, các lực lượng đã “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”
để giải phóng miền Nam ngay trong đầu năm 1975 chứ không phải “trước mùa mưa
năm 1976” như dự tính ban đầu…
Trong
cuộc chiến chống dịch Covid-19 năm 2021, tinh thần quyết tâm cũng đã được thể
hiện rõ ở Đảng bộ và nhân dân TPHCM. Dù tình hình rất khó khăn nhưng thành phố
đã nỗ lực vượt qua bằng sự đồng lòng, chung sức cùng sự hỗ trợ chí tình của các
lực lượng, các địa phương trong cả nước. Thời điểm “mở cửa” để bước vào trạng
thái bình thường mới (ngày 1/10/2021) thực sự còn nhiều rủi ro nhưng đó là một
quyết định đúng đắn, thể hiện quyết tâm vượt qua dịch bệnh gắn liền với phục
hồi kinh tế và các hoạt động khác của toàn thành phố. Từ đó đến nay, các giải
pháp thích ứng linh hoạt với dịch bệnh thực sự đã phát huy hiệu quả cho thấy
nếu thiếu quyết tâm, nếu luôn sợ hãi dịch bệnh thì cuộc chiến này sẽ khó có
được kết quả như hiện tại.
Do
đó, bài học về sự quyết tâm của 77 năm trước vẫn còn nguyên vẹn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét