Theo quy định của Hiến pháp và
pháp luật Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do
Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nội dung này được đông đảo
người dân đồng tình, ủng hộ. Bất chấp thực tế đó, các thế lực thù địch, phản
động, cực đoan thường xuyên tuyên truyền những luận điệu sai trái, xuyên tạc
chính sách đất đai của Việt Nam, âm mưu làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước
ta.
Điều
53 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng
sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài
sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà
nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Xét từ góc độ lý luận và thực
tiễn cho thấy chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam hiện nay thể hiện
tính đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của nước ta cũng như định hướng xã hội
chủ nghĩa mà chúng ta lựa chọn.
Trong
thời kỳ quá độ, Việt Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa chấp nhận đa thành phần kinh tế, đa hình thức sở hữu để phù hợp trình độ
không đồng đều của lực lượng sản xuất nhằm giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy
kinh tế phát triển. Tuy nhiên, ngay từ đầu, mục tiêu phát triển kinh tế của
Việt Nam là bảo đảm kết quả tăng trưởng kinh tế phục vụ cho lợi ích của tất cả
mọi giai tầng trong xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong nền
kinh tế Việt Nam, chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu giữ vai trò chủ đạo
bởi như vậy mới giúp tạo ra sự bình đẳng về kinh tế, tạo cơ sở để người dân
thực hiện quyền bình đẳng và quyền làm chủ của mình trên các lĩnh vực khác của
đời sống. Do đó, đất đai với tư cách là một trong những loại tư liệu sản xuất
đặc biệt quan trọng có tính chất quyết định trong phát triển kinh tế cũng thuộc
quyền sở hữu toàn dân.
Từ
đây có thể thấy, quan điểm cho rằng Việt Nam phát triển kinh tế đa thành phần,
nhiều hình thức sở hữu thì phải thừa nhận chế độ đa sở hữu về đất đai (tức là
thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai) như nhiều nước trên thế giới mới phù hợp
và bảo đảm dân chủ, công bằng là hết sức võ đoán và phi lý. Ở nhiều nước tư bản
hiện nay thực hiện chế độ đa sở hữu về đất đai gồm: sở hữu tư nhân, sở hữu tập
thể, sở hữu của các cơ quan nhà nước, tuy nhiên đa phần diện tích đất ở và đất
sản xuất, kinh doanh đều thuộc sở hữu tư nhân, mà chủ yếu là các nhà tư bản.
Đây
là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng phân hóa giàu nghèo,
phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc tại các quốc gia này. Tất nhiên, theo quy
định pháp luật khi cần Nhà nước cũng có thể thu hồi đất của tư nhân để phục vụ
phát triển kinh tế-xã hội hay thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh. Nhưng Nhà
nước tư sản do giai cấp tư sản lập nên và sử dụng để bảo vệ tối đa cho quyền và
lợi ích của mình, do đó, nếu có thu hồi, trưng dụng đất tư vì bất cứ mục đích
gì thì cũng không nằm ngoài phạm vi bảo vệ và phục vụ tốt hơn cho lợi ích cho
giai cấp tư sản.
Cho
nên, sở hữu tư nhân, đa sở hữu về đất đai không thể trở thành cơ sở để bảo đảm
mục tiêu phát triển kinh tế vì con người, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện
tiến bộ và công bằng xã hội như chế độ công hữu về đất đai, tất cả mọi người
dân đều là chủ sở hữu của đất đai như ở Việt Nam hiện nay. Điều này đồng nghĩa
với việc đòi hỏi từ bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai để thừa nhận sở hữu tư
nhân hay chế độ đa sở hữu về đất đai là nhằm mưu đồ đòi hỏi từ bỏ những mục
tiêu của chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”,
làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa, theo đúng ý đồ của các thế lực thù địch.
Theo
quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do
Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Theo đó, Nhà nước với tư
cách đại diện chủ sở hữu có thể thực hiện vai trò kiểm soát, quản lý và điều
tiết các quan hệ đất đai trên cơ sở bảo đảm sự bình đẳng của người dân trong
việc thực hiện các quyền với tư cách là chủ sở hữu thật sự đối với tài nguyên
đất nhằm hưởng lợi tối đa từ nguồn tài nguyên này một cách công bằng; khắc phục
và hạn chế ở mức thấp nhất những vấn đề liên quan đến sự phân hóa giàu nghèo,
bất bình đẳng về thu nhập từ đất đai. Hơn nữa, việc đất đai thuộc sở hữu toàn
dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý cũng tạo điều kiện
thuận lợi cho Nhà nước Việt Nam có thể sử dụng nguồn tài nguyên này phục vụ các
mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Như
vậy, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý về đất đai là nhằm mục
đích để tài nguyên đất được sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả nhất phục vụ
cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lợi ích của nhân
dân. Do đó, việc các thế lực thù địch đưa ra luận điệu cho rằng “sở hữu toàn
dân về đất đai ở Việt Nam là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên hình
thức còn thực tế đã tước quyền sở hữu của nhân dân bởi thực chất, đất đai thuộc
quyền sở hữu, quản lý của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức và những người
trong bộ máy Nhà nước” là đánh tráo khái niệm nhằm mục đích dẫn đến cách hiểu
sai lầm về bản chất của chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam.
Bên
cạnh đó, với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu
và thống nhất quản lý, luật pháp Việt Nam nhất là Luật Đất đai năm 2013 đã cung
cấp những căn cứ để phân định rõ ràng quyền hạn cũng như trách nhiệm của người
sử dụng đất (người được giao đất và người thuê đất) và người đại diện chủ sở
hữu toàn dân, thống nhất quản lý đất (cơ quan nhà nước các cấp). Cụ thể: Điều 5
của Luật Đất đai năm 2013 quy định: Người sử dụng đất gồm: tổ chức trong nước;
hộ gia đình, cá nhân trong nước; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo; tổ chức nước
ngoài có chức năng ngoại giao; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều 7, 8 của Luật Đất đai cũng quy định rõ cá
nhân nào có đủ tư cách là đại diện pháp lý trong các giao dịch đất đai của các
chủ thể sử dụng đất theo Điều 5; đồng thời luật cũng phân định rõ ràng các
quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân
về đất đai (từ Điều 13 đến Điều 21).
Như
vậy, không có chuyện như các thế lực thù địch vẫn rêu rao, xuyên tạc đó là sở
hữu đất đai toàn dân thì “mù mờ về pháp lý”, không tìm thấy các chủ thể trong
các quan hệ pháp lý về đất đai, đặc biệt khi có những tranh chấp, xung đột, mâu
thuẫn… về đất đai xảy ra thì không có cơ sở pháp lý để giải quyết đúng đắn,
công bằng. Và càng không thể có chuyện phải chuyển từ sở hữu toàn dân sang đa
sở hữu về đất đai, thừa nhận sở hữu tư nhân thì mới giải quyết được tình trạng
này.
Ở
các nước trên thế giới khi thực hiện chế độ đa sở hữu về đất đai, thừa nhận sở
hữu tư nhân thì những tiêu cực, mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột vẫn xảy ra khá
phổ biến vì nhiều lý do mà một trong số đó là bởi Nhà nước vẫn có quyền thu
hồi, trưng dụng đất tư trong những trường hợp cần thiết. Điều đó cũng rất dễ
nảy sinh tình trạng lạm quyền, tiêu cực dẫn đến các tranh chấp, mâu thuẫn, xung
đột đất đai gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực tế, ở nhiều nước chính quyền
đã mang xe ủi đi cưỡng chế giải tỏa đất đai cho mục tiêu phát triển kinh tế của
mình.
Điều
này đồng nghĩa với việc sở hữu toàn dân không phải là căn nguyên của tình trạng
tiêu cực, mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột hay những điểm nóng về đất đai ở nước
ta hiện nay. Muốn giải quyết những tiêu cực, bức xúc, tranh chấp, điểm nóng về
đất đai thì phải bắt đầu từ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật,
quy định về quản lý, sử dụng đất; có những biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả
chứ không phải là nằm ở việc thay đổi chế độ sở hữu.
Có
thể thấy, tất cả những quan điểm phê phán chế độ sở hữu đất đai toàn dân ở Việt
Nam hiện nay là mục đích thu hẹp dần và tiến tới loại bỏ vai trò của Nhà nước
Việt Nam trong quản lý đất đai, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với hoạt động
đất đai để làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, đòi hỏi chúng ta
phải tỉnh táo nhận diện, cảnh báo người dân không bị lôi kéo, tin nghe theo các
thông tin sai sự thật liên quan đến vấn đề đất đai; kịp thời đấu tranh phản bác
các luận điệu xuyên tạc chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét