Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

KHÔNG CÓ QUÂN ĐỘI NÀO “TRUNG LẬP VỀ CHÍNH TRỊ” HAY “ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ”

 

Cần khẳng định ngay rằng, mục tiêu hướng tới của những thủ đoạn nói trên là thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Quân đội, làm cho Quân đội nhân dân Việt Nam xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; biến chất về chính trị, tiến tới vô hiệu hóa vai trò của Quân đội là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thủ đoạn đó thật tinh vi và thâm hiểm, nhưng sai cả về lý luận và thực tiễn.

Từ góc độ lý luận, trước hết, cần bắt đầu từ luận điểm “Chiến tranh là sự kế tục của chính trị”, mà quân đội xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh (tiến công hoặc phòng ngự). Đây là luận điểm được Clau-dơ-vit (1780-1831) - nhà lý luận quân sự tư sản nổi tiếng của nước Phổ đã khái quát. Luận điểm này được thừa nhận rộng rãi trong cả khoa học quân sự tư sản lẫn khoa học quân sự vô sản, nên không thể bác bỏ. Chính V.I.Lênin cũng đánh giá cao luận điểm này. Một khi đã thừa nhận “chiến tranh là sự kế tục của chính trị”, thì tất yếu phải thừa nhận: không bao giờ và không ở đâu có thứ quân đội “trung lập về chính trị”, hoặc “không dính đến chính trị”, bởi bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị, phản ảnh lập trường chính trị của các bên tham chiến; và quân đội của các bên tham chiến đều được lực lượng chính trị cầm quyền tổ chức, giáo dục để thực hiện mục tiêu chính trị đó của cuộc chiến tranh.

Thứ hai, quân đội bao giờ cũng mang bản chất giai cấp của nhà nước đã tổ chức và nuôi dưỡng nó; bởi quân đội là một thành phần của nhà nước, là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước để bảo vệ thành quả mà lực lượng chính trị cầm quyền có được qua các cuộc đấu tranh giành quyền lực. 

Lịch sử xuất hiện quân đội gắn liền với sự ra đời của nhà nước; mà nhà nước là sản phẩm tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp, nên bất cứ nhà nước nào cũng có tính chất giai cấp. Ngày nay, ở các nước theo thể chế chính trị tư bản, với chế độ đa đảng, mặc dù có hiện tượng các đảng phái thay nhau cầm quyền, nhưng thực chất họ vẫn duy trì sự nhất nguyên về chính trị. Đó là thứ chính trị của giai cấp tư sản, bởi đảng chính trị nào cầm quyền cũng chỉ là sự đại diện cho các nhóm và tầng lớp khác nhau của giai cấp tư sản; nên chính phủ do các đảng chính trị cầm quyền chi phối vẫn đều phục tùng quyền lợi và bảo vệ lợi ích cơ bản của giai cấp tư sản là chủ yếu, mặc dù vẫn phải thực thi chức năng công quyền - một trong hai chức năng cơ bản (chức năng giai cấp và chức năng công quyền) của bất cứ nhà nước nào. Theo đó, với tư cách là các cơ quan chức năng của nhà nước, quân đội được lập ra để bảo vệ thể chế chính trị của giai cấp cầm quyền, không thể không mang bản chất giai cấp của nhà nước đã tổ chức, quản lý và nuôi dưỡng nó. Những người cổ súy cho quan điểm “quân đội phải trung lập về chính trị” đã không hiểu, hay cố tình không hiểu rằng: nói đến “chính trị” của một tổ chức, một lực lượng, là nói đến tính giai cấp mà tổ chức, lực lượng đó quán triệt và thực hiện trong thực tiễn xây dựng về mặt tư tưởng, tổ chức và thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình. 

Với tư cách là một bộ phận của nhà nước, quân đội của bất cứ xã hội nào cũng đều phụ thuộc vào đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền; đồng thời, các lực lượng chính trị cầm quyền bao giờ cũng tìm mọi cách để nắm chắc quân đội thông qua nhiều biện pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách. Do vậy, ngay từ khi xuất hiện, quân đội đã “thấm đẫm” thứ chính trị của nhà nước và giai cấp nắm giữ quyền lực trong xã hội; không có và không thể có thứ quân đội “trung lập về chính trị”, hay “đứng ngoài chính trị” như giai cấp tư sản thường tuyên truyền, nhằm che giấu bản chất giai cấp của quân đội các nước tư bản. 

Phê phán sự che giấu bản chất giai cấp của quân đội tư sản. V.I.Lênin đã thẳng thừng vạch rõ: “Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”. Công khai bản chất giai cấp công nhân của lực lượng vũ trang cách mạng, V.I.Lênin đề ra nguyên tắc xây dựng Hồng quân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. 

Vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, ngay từ năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - đã yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông” và trong suốt quá trình tổ chức xây dựng, lãnh đạo, giáo dục Quân đội ta, Người luôn nhắc nhở: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”; do đó, “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Phải tăng cường giáo dục chính trị để nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho toàn quân”.

Từ góc độ thực tiễn của thế giới cũng cho thấy, từ trước đến nay không có quân đội của quốc gia nào “trung lập về chính trị” hay “đứng ngoài chính trị”; bởi đây là công cụ bạo lực vũ trang bảo vệ thể chế chính trị của lực lượng chính trị thắng thế cầm quyền duy trì. Không khó để nhận thấy sự tham chính của quân đội nhiều nước, khi người ta vẫn chứng kiến các vụ đảo chính quân sự ở nước này, nước khác, nhất là ở châu Á, châu Phi trong những năm gần đây. Ở các nước Mỹ, Anh, Pháp... quân đội không chỉ được dùng vào nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc, mà còn được dùng vào các hoạt động xâm lược, lật đổ, can thiệp quân sự vào các quốc gia có chủ quyền khác, nhằm mục tiêu chính trị là dựng lên ở đây các chính phủ thân phương Tây; thực chất là để phục vụ đường lối đối nội và đối ngoại của các đảng chính trị cầm quyền, mà suy cho cùng là phục vụ lợi ích của các thế lực tư bản độc quyền đứng đằng sau các chính phủ đương nhiệm. Chỉ tính từ năm 1990 đến nay, quân đội Mỹ đã liên tục can dự vào đời sống chính trị của các nước và các khu vực, kể cả tiến hành chiến tranh, như: ở vùng Vịnh Pec-xích năm 1991, Nam Tư năm 1999, Áp-ga-ni-xtan năm 2001, I-rắc năm 2003, Li Bi năm 2011, v.v. 

Nhìn vào thực tiễn lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chống lại ách nô dịch của thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ cũng thấy rất rõ quân đội các nước này không bao giờ “trung lập về chính trị”, nhất là khi các quân nhân của họ được giáo dục “sứ mệnh” đến Việt Nam để “ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa cộng sản lan ra toàn khu vực Đông Nam Á” (!).

Cũng cần thấy rằng, ở các nền chính trị có cấu trúc đa đảng đối lập, bất cứ đảng chính trị nào khi cầm quyền cũng tìm mọi cách để nắm quân đội; bởi khi nắm được quân đội, thì việc duy trì quyền lực của đảng đó sẽ thuận lợi hơn. Tuy vậy, khi mà sự tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị diễn ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị, thì thường xuất hiện lời kêu gọi “quân đội trung lập về chính trị”, nhưng trong thực tế, các đảng đều tìm sự hậu thuẫn từ quân đội. 

Thực tiễn lịch sử của cách mạng Việt Nam cũng chứng minh: Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, được Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo và giáo dục để giành và giữ chính quyền cách mạng; nên bản thân nó đã là một lực lượng chính trị. 

78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng minh rõ một thực tiễn lịch sử: Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Điều đó được thể hiện trước hết ở sự thống nhất về mục tiêu chiến đấu của Quân đội với mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vì thế, trái với sự hô hào “quân đội phải trung lập về chính trị”, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện chiến đấu thắng lợi. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải chăm lo xây dựng Quân đội vững về chính trị. Người căn dặn: “Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch” và “Muốn cho quân đội ta quyết chiến quyết thắng hơn nữa thì phải săn sóc đời sống vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị, làm cho có lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Trong lần về thăm Trường Chính trị trung cấp quân đội (nay là Học viện Chính trị) ngày 25/10/1951, Người nhắc nhở các học viên: “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự. Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.

Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, mà cốt lõi là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân gắn liền với xây dựng tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta là một bài học thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản ở một nước có nền kinh tế chậm phát triển. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã kiểm nghiệm và khẳng định tính đúng đắn của bài học đó. Ngay từ ngày đầu thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã được tổ chức theo mô hình có chi bộ Đảng lãnh đạo; bên cạnh người đội trưởng, có một cán bộ chính trị chuyên làm công tác chính trị theo đường lối của Đảng.

Nhờ chăm lo xây dựng vững mạnh về chính trị, mà trước hết là giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong mọi giai đoạn cách mạng, xứng đáng với lời tuyên dương (năm 1964) của Bác: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đấu tranh vạch trần sự lừa bịp của luận điểm “Quân đội phải trung lập về chính trị” và tăng cường các biện pháp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là hai nhiệm vụ gắn bó chặt chẽ với nhau trong quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, trước hết là sự nỗ lực của bản thân cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét