Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

KHÔNG ĐỂ KHEN THƯỞNG ''NHẦM''

 

Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, khen thưởng và thi đua có mối quan hệ khăng khít với nhau. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng, khen thưởng là kết quả của công tác thi đua.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng, không kịp thời sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí còn gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Vì vậy, việc đánh giá, bình chọn danh hiệu thi đua và xét khen thưởng phải đúng người, đúng việc, phải căn cứ vào tiêu chuẩn cụ thể, dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch.

Thời gian qua, công tác khen thưởng nói riêng và thi đua, khen thưởng nói chung đã có nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác thi đua, khen thưởng đã góp phần hiệu quả vào việc phòng, chống đại dịch Covid-19 trong gần 3 năm qua, trực tiếp đưa Việt Nam có vị trí thứ 2/121 quốc gia và vùng lãnh thổ về Chỉ số phục hồi Covid-19 tính đến hết tháng 6-2022 và góp phần giúp nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng 6,42%… Tuy nhiên, theo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, thời gian qua, công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chưa nhiều, nhất là các hình thức khen bậc cao; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế…

Đáng lưu ý, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thẳng thắn nêu, trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng có tình trạng “chạy” danh hiệu, “chạy” bằng khen, “chạy” giấy khen... Đáng tiếc là đã xảy ra cả những trường hợp khen thưởng “nhầm” trong giai đoạn vừa qua. Có những người vừa được khen, được tặng danh hiệu, huân chương đã bị thu hồi, thậm chí phải xử lý hình sự.

Điển hình trong số này là việc ngày 23-6-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký hủy bỏ quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đối với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, do doanh nghiệp này đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong xã hội… Ở chiều ngược lại, công tác khen thưởng chưa kịp thời đã để lại những dư âm không tốt, hiệu quả lan tỏa trong xã hội bị hạn chế.

Mới đây nhất là tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 5-7, Bí thư Thành ủy thành phố Nguyễn Văn Nên đã xin lỗi lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 khi chậm tiến hành công tác khen thưởng, cho rằng đây là việc “vừa buồn vừa hổ thẹn” và yêu cầu khắc phục nhanh. Trước đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Y tế có trách nhiệm tặng giấy khen tới 40.000 nhân viên y tế trên cả nước đã tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương với kinh phí khoảng 19 tỷ đồng nhưng công việc triển khai rất ì ạch.  

Cả hai vụ việc trên rõ ràng rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ!

Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong phần nhiệm vụ, giải pháp đã yêu cầu tập trung phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình nêu gương sáng, có sức lan tỏa lớn trong Đảng và xã hội.

Thực tế cho thấy, muốn có “khen thưởng” thì phải có “thi đua”. Để “thi đua” phát triển mạnh thì phải tổ chức tổng kết và “khen thưởng” kịp thời. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức, tạo động lực để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương. Quan tâm và cụ thể hóa bằng các quy định về việc khen thưởng qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất; khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề; tăng cường phát hiện các điển hình tiên tiến để động viên, khen thưởng kịp thời. Khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được.

Muốn vậy, trước hết, phong trào thi đua cần bám sát thực tiễn cuộc sống, bám sát cơ sở. Yêu cầu đó đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả công tác thi đua là một tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Cùng với đó, cần cập nhật tinh thần mới của Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15-6-2022 với nhiều điểm mới để có thể kịp thời thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng. Tiếp tục rà soát lại các danh hiệu thi đua và chú trọng đến quyền lợi của người được khen thưởng ngoài danh hiệu thi đua, ví dụ như: Được tăng lương, đăng tên trong bảng vàng, hoặc mua nhà ở xã hội... Đặc biệt, cần đơn giản hóa các thủ tục xét tặng danh hiệu khen thưởng gắn với trách nhiệm của cấp đề nghị và chịu trách nhiệm về thành tích này. Qua đó góp phần loại bỏ tình trạng khen thưởng “nhầm” với những tổ chức, cá nhân không xứng đáng.

Sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước cũng như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua, khen thưởng với chiều sâu, chiều rộng, và trước hết là không để xảy ra tình trạng khen thưởng “nhầm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét