Trước đó, theo thống kê của cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 848 vụ cháy (riêng địa bàn Hà Nội có tới 206 vụ cháy), khiến hơn 80 người thương vong, thiệt hại tài sản khoảng 415 tỷ đồng, gần 41ha rừng... Nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn chủ yếu là từ sự lơ là, chủ quan của người dân. Thực tế cho thấy, rất nhiều gia đình làm nhà, xưởng to đẹp nhưng lại “quên” các thiết bị báo cháy, bình chữa cháy để phòng ngừa rủi ro; chú trọng xây dựng kiên cố để đề phòng trộm cắp nhưng lại lơi lỏng phòng cháy, nổ, không để chỗ thoát hiểm; việc tùy tiện trong sử dụng điện và các thiết bị dễ phát hỏa, dễ bén lửa cũng là thực trạng rất đáng báo động ở nhiều căn hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh...

Không lơ là, chủ quan với lửa
Vụ cháy tại biệt thự liền kề số 9 BT2 Khu đô thị Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày 13-8-2022.

Trước tình hình hỏa hoạn diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản, đầu tháng 6-2022, Bộ Công an đã triển khai Kế hoạch số 273/KH-BCA-C07, chỉ đạo các địa phương thành lập "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và điểm chữa cháy công cộng". Theo mô hình này, từ 5-10 hộ gia đình liền kề nhau lập thành một "Tổ liên gia an toàn PCCC", mỗi hộ trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá vỡ và lắp đặt chuông báo cháy tại tầng một. Nếu xảy ra hỏa hoạn, người dân chỉ cần bấm chuông, hệ thống kích hoạt PCCC sẽ thông báo cho các hộ trong tổ biết để hỗ trợ kịp thời. Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, TP Hồ Chí Minh đã tiên phong triển khai và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, được đông đảo người dân ủng hộ. Nhiều địa phương trong cả nước cũng bắt đầu triển khai mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC".

Vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 2389/UBND-NC về việc tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, chính quyền các cấp ở Hà Nội phải tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về PCCC; tập trung vận động để 100% hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mở “lối thoát nạn thứ hai”; khẩn trương xây dựng và nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”...

Những biện pháp, cách làm nêu trên chắc chắn mang lại hiệu quả thiết thực. Song, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, điều quan trọng hàng đầu là sự chung tay, đồng lòng, quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn “giặc lửa” của mỗi người dân, khu dân cư và cộng đồng xã hội, bởi chính sự chủ động phòng ngừa của mỗi người, mỗi nhà sẽ hạn chế tối đa nguyên nhân gây ra cháy, đồng thời, người dân cũng là lực lượng trực tiếp chữa cháy kịp thời, hiệu quả nhất. Lực lượng PCCC chuyên nghiệp dù có đông đảo, hiện đại đến mấy mà người dân lơ là, chủ quan, thiếu ý thức tự giác trong công tác PCCC thì những vụ hỏa hoạn đau lòng vẫn xảy ra nhiều.

Điều mà mọi người, mọi nhà cần thường xuyên và nghiêm túc quán triệt là: Cảnh giác với hỏa hoạn và thực hiện tốt các biện pháp PCCC là trách nhiệm trước tiên của chính mình, để bảo vệ chính bản thân, gia đình mình. Nếu lơ là, chủ quan thì nguy cơ không chỉ mất toàn bộ tài sản mà mạng sống cũng bị đe dọa. "Nước xa không cứu được lửa gần" nên mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ liên gia phải luôn tự giác làm tốt công tác PCCC. Việc này cần làm ngay và duy trì thường xuyên; tuyệt đối không lơi lỏng mới mong tránh được thảm họa.

VĂN CHIỂN

nguồn báo quân đội nhân dân