Khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi thời kỳ “hậu Covid-19” thì vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp ở các đô thị (nhà ở xã hội) lại tiếp tục được dư luận quan tâm.
Quan tâm là bởi nhà ở xã hội là phân khúc dễ tìm đầu ra, do nhu cầu về nhà ở trong dân còn rất lớn. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo kế hoạch.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020, có 23 dự án nhà ở xã hội, với khoảng 17.900 căn hộ cung ứng cho thị trường, trong khi nhu cầu thực tế cần khoảng 80.000 căn. So sánh cán cân cung-cầu thì rõ, nguồn cung còn quá khiêm tốn. Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội vừa là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn để thu hẹp khoảng cách cung-cầu, vừa là giải pháp căn cơ để ổn định, phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội.
Một điểm nhà ở xã hội của tỉnh Bình Dương đã được Đoàn công tác đến khảo sát. Ảnh:TTXVN. |
Tuy nhiên, bên trong khoảng cách cung-cầu ấy, nhà ở xã hội lại đang tồn tại một nghịch lý cố hữu. Mặc dù số lượng dự án, căn hộ so với nhu cầu thực tế rất khiêm tốn, nhưng hàng loạt dự án nhà ở xã hội dù đã hoàn thành, vẫn không có người đến ở. Người thu nhập thấp không mặn mà với nhà ở xã hội.
Tại sao vậy?
Có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng tựu trung là vướng phải vấn đề muôn thuở “của rẻ là của ôi”. Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh, nơi có nhu cầu nhà ở xã hội thuộc hàng cao nhất cả nước, vẫn còn hàng nghìn căn hộ bỏ không, chưa có người ở. Theo số liệu đã công bố, năm 2020, UBND TP Hồ Chí Minh phân bổ 3.656 căn hộ và nền đất tái định cư cho các quận, huyện, nhưng tỷ lệ căn hộ được đưa vào sử dụng chỉ đạt khoảng 10%. Nhiều dự án nhà ở xã hội chất lượng thấp, nhanh xuống cấp, thiếu các dịch vụ, tiện ích đi kèm, nằm xa trung tâm... nên mặc dù giá rẻ nhưng không được người tiêu dùng lựa chọn.
Triển khai các dự án nhà ở xã hội là nhằm hiện thực hóa chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta. Nhà ở xã hội không thể so được với nhà ở thương mại về chất lượng, dịch vụ, tiện ích... nhưng không vì thế mà chủ đầu tư lại hạ thấp tiêu chuẩn so với nhu cầu thực tế. Quan niệm “của rẻ là của ôi, của đầy nồi là của không ngon” không phù hợp với loại hàng hóa đặc thù này.
Theo kế hoạch, năm 2022, TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thêm 9 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất xây dựng hơn 9.000m2. Đây là một nguồn cung đáng kể dành cho nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp. Vấn đề đặt ra là, làm cách nào để các dự án sau khi hoàn thành, 100% căn hộ phải được sử dụng đúng mục đích, đúng nhu cầu thị trường.
Mà chẳng riêng TP Hồ Chí Minh! Các đô thị, địa phương có quỹ đất, dự án phát triển nhà ở xã hội theo chủ trương chung, cần giải quyết căn cơ nghịch lý này. Muốn vậy thì trước khi lập dự án, phải khảo sát thị trường, tìm hiểu nhu cầu thực tế, thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, triển khai các dịch vụ, tiện ích đi kèm... Nhà ở xã hội là nhà giá rẻ, nhưng các chủ đầu tư tuyệt đối không nên phân biệt đối xử, không nên có tư tưởng làm cho có. Nếu nhà ở xã hội xây xong rồi bỏ hoang, gây lãng phí thì hành vi ấy cũng gây hại không khác gì tham nhũng, tiêu cực.
Của rẻ có thể không là đặc sản sơn hào hải vị, nhưng dứt khoát không thể là của ôi! Nhà ở xã hội hay lĩnh vực kinh tế nào cũng thế. Thời hội nhập, phải nhất quán tư duy, quan điểm ấy thì mới có giải pháp kích cầu hiệu quả.
PHAN TÙNG SƠN
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét