Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị chỉ huy vĩ đại của quân và dân Việt Nam, “người học trò gần gũi và xuất sắc” của Hồ Chủ tịch.
Cơ duyên dường như đã sắp đặt cho cuộc gặp của Đại tướng và Bác trên con thuyền tại Thúy Hồ, Côn Minh, Trung Quốc, và kể từ đây, hai con người vĩ đại này đã viết nên những trang sử vàng chói lọi cho lịch sử Việt Nam.
Dưới sự dìu dắt và chỉ dạy của Bác, người học trò Võ Nguyên Giáp tham gia các hoạt động cách mạng say mê và đầy nhiệt huyết. Bằng sức trẻ của mình, tháng 12/1944, ông đã được Bác giao phó trọng trách thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau này. Chỉ huy lực lượng nòng cốt của quân và dân ta lúc bấy giờ, ông đã giành được nhiều chiến công vang dội.
Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông, nhận thấy thời cơ để cuộc kháng chiến chống Pháp của quân ta chuyển sang một giai đoạn mới, Bác và Trung Ương đã quyết định thành lập Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, đồng thời phong quân hàm cho nhiều cán bộ trong đó đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại Tướng, và chủ trương này được Hồi đồng Chính phủ vô cùng hoan nghênh trong cuộc họp vào ngày 19/1/1948.
1 ngày sau đó, Bác Hồ đã đặt bút ký vào sắc lệnh phong quân hàm cho nhiều cán bộ lãnh đạo. Ngoài đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại Tướng, những đồng chí khác như Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong quân hàm Thiếu tướng, duy chỉ có đồng chí Nguyễn Bình được phong quân Hàm Trung Tướng. Buổi lễ sắc phong này được chính phủ dự kiến tổ chức vào ngày 27/5/1948, nhưng sau đó trời mưa lớn liên tiếp khiến nước suối dâng cao, đại biểu không thể mạo hiểm trèo đèo lội suối đến tề tựu đông đủ. Chính vì lẽ đó, sự kiện lịch sử và trọng đại này đã được dời đến ngày hôm sau 28/5/1948.
Ngày đó, điều kiện chiến đấu còn khó khăn, thời tiết lại không ủng hộ nên các chiến sĩ của ta chỉ kịp dựng tạm một ngôi nhà tranh bằng nứa bên dòng suối ở cánh đồng Nà Lọm (Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguyên). Một căn nhà tranh được dựng nên vội vã, hội trường cũng chỉ được trang trí bằng vài lẵng hoa rừng nhưng dường như không thể nào che lấp đi sự uy nghiêm của lá cờ đỏ sao vàng, cùng sự nổi bật của dòng băng rôn ghi khẩu hiệu : “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/Thống nhất độc lập nhất định thành công”.
Giữa cái mùi thơm thoảng thoảng của mùi nứa mới cùng tiếng suối ầm ầm chảy cảnh bên, Bác từ từ tiến lên trước bàn thờ Tổ Quốc, tay Người cầm bản Sắc lệnh, đọc to và dõng dạc tên đồng chí Võ Nguyên Giáp. , và gọi ông lên đứng bên cạnh mình. Giây phút đó, hai người không còn đơn thuần là thầy trò mà thực sự là những người chiến sĩ cùng nhau kề vai tác chiến vì sự độc lập của nước nhà. Ai nấy đều hồi hộp chờ đợi khoảng khắc lịch sử đó diễn ra, nhưng thật bất ngờ là Bác lại không nói lời nào.
Người chỉ nắm chặt lấy bản Sắc lệnh trong tay, mắt đượm lệ, chắc có lẽ là vì niềm vui không sao tả xiết. Cuối cùng, Người đưa chiếc khăn mùi xoa lên lau nhẹ nước mắt, nhìn thẳng xuống hội trường mà dõng dạc nói rằng:
“ Các cụ ta qua bao nhiêu thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy dân tộc được tự do. Chúng ta may mắn hơn nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh cố gắng. Hôm nay, việc phong Tướng cho chú Giáp là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải quyết giành được độc lập, tự do để thỏa lòng những người đã mất”.
Nói rồi, Bác quay sang, nhìn thẳng vào mắt đồng chí Võ Nguyên Giáp, nói:
“ Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân thác phó”.
Rồi liền trao bản Sắc lệnh trong tay, và kể từ ngày hôm đó Quân đôi Nhân dân Việt Nam đã có vị Đại tướng đầu tiên, đưa quân và dân ta giành được hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, dẫn lối đến với bến bờ của tự do.HP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét