Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

TUỔI TRẺ CỦA ĐẠI TƯỚNG CHU HUY MÂN


Đại tướng Chu Huy Mân là một danh tướng của thời đại Hồ Chí Minh. Cuộc đời cách mạng của ông tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên Việt Nam:
“Sống đã vì cách mạng, anh em ta
Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà!”...
Hòa mình trong bão lửa cách mạng
Đại tướng Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, là con trai út trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Theo hồi ký “Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động” (Đại tá Lê Hải Triều thể hiện, NXB Quân đội nhân dân), thuở nhỏ, dù cha mất sớm, mẹ một mình nuôi 9 anh chị em nhưng từ năm 8 tuổi, Chu Văn Điều đã được gia đình cho đi học chữ Hán ở trường làng.
Cậu bé Chu Văn Điều sớm cảm nhận được nỗi cực khổ, cơ hàn của đồng bào dưới chế độ thực dân nửa phong kiến hà khắc, vô nhân đạo. Lớn lên giữa vùng đất Nghệ An địa linh nhân kiệt, chàng thanh niên Chu Văn Điều đã tiếp thu tinh thần yêu nước thương nòi, nung nấu chí căm thù quân xâm lược, từ đó xác định tư thế, quyết tâm của tuổi trẻ: Thà chết vinh còn hơn sống nhục!
Năm 1929, phong trào cộng sản phát triển mạnh ở nước ta. Tháng 11-1929, Chu Văn Điều 16 tuổi đã tham gia mít tinh lớn ở xã, nghe diễn thuyết và cùng hô những khẩu hiệu hợp với lòng người: “Đánh đổ đế quốc Pháp”, “Thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng, nhà máy cho thợ thuyền”, “Giành chính quyền về tay công nông”... Từ lúc đó, Chu Văn Điều đã tự nguyện hòa mình vào cơn bão lửa rực sáng mang tên “cách mạng”, rồi ông được phân công làm Đội phó Đội Thanh niên xích vệ xã Yên Lưu, tham gia bảo vệ Phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh.
Ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới hơn 17 tuổi. Trong lễ kết nạp, ông tuyên thệ: “Nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị bắt bớ, cực hình tra tấn quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết quyết không sờn lòng”. Lời thề sắt son ấy theo ông suốt chặng đường cách mạng-đường đời sau này, giúp ông vượt qua hàng chục trận đòn roi tàn bạo của bọn bang tá tay sai thực dân ngay từ những ngày đầu chúng thi hành chính sách khủng bố trắng, rồi những lần bị bắt giam trong nhà lao Vinh, những năm tháng bị tù đày khổ sai ở nhà ngục Kon Tum-chốn “rừng thiêng nước độc”.
Trong những ngày ông bị tra tấn ở ngay giữa làng quê mình, không phụ niềm tin, lòng trông đợi của bà con thôn xóm, ông đã kiên cường, bất khuất, dù bị tra tấn ngất đi cũng quyết không đeo thẻ “Quy thuận”, không ký sổ đầu hàng “từ nay không theo cộng sản nữa”.
Không khuất phục được ông, bọn bang tá đành phải thả ông về. Đồng bào khâm phục, thương xót ông, đã bí mật gửi quà bánh, gạo, thức ăn đến để ông chữa trị vết thương. Và từ đó ông đã nhận ra chân lý: Nhân dân không bao giờ xa Đảng, bà con luôn ở bên cạnh Đảng, sẵn sàng bảo vệ và giúp đỡ Đảng. Đảng càng kiên định, vững vàng thì lòng dân càng rộng mở. Chân lý đó khiến ông luôn hướng đến dân, tin dân, dựa vào dân, nhất là khi phải tìm cách giải quyết những khó khăn của cách mạng.
Năm 1936, Chu Văn Điều đổi tên thành Chu Huy Mân, được cử đi dự Hội nghị Tỉnh ủy Nghệ An mở rộng tại Nghi Lộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông được phân công làm Chính trị viên Mặt trận Đường 9-Đông Hà-Savannakhet.
Trên đường nhận nhiệm vụ, ông biết chủ đồn điền khai thác gỗ vùng Tân Lâm là Nguyễn Như Hà (thường gọi là Bát Hà) đang bị chính quyền cách mạng bắt giam. Bát Hà là người đã thuê ông làm công khi ông mới vượt ngục Kon Tum, đang tìm cách bắt liên lạc với Đảng. Nhờ Bát Hà làm cho ông tấm thẻ bài mang tên Lê Thế Mỹ (bí danh của Đại tướng Chu Huy Mân) và cây thánh giá mà ông đã vượt qua sự truy bắt gắt gao của kẻ thù, tiếp tục hoạt động.
Khi được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị hỏi cách ứng xử với Bát Hà, ông thẳng thắn nhận xét Bát Hà không ưa gì cách mạng, nhưng ông vẫn tin tưởng đề xuất Tỉnh ủy giao một nhiệm vụ gì đó ủng hộ kháng chiến cho Bát Hà. Sau đó, Bát Hà được chính quyền cách mạng thả tự do và giao làm Chủ tịch Ủy ban Ủng hộ kháng chiến huyện Cam Lộ, hoạt động tích cực trong việc vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm ủng hộ cách mạng, bảo đảm hậu cần cho bộ đội Mặt trận Đường 9-Đông Hà-Savannakhet đánh Pháp.
Năm 1958, ông được giao làm Chính ủy Quân khu Tây Bắc. Trong hai năm chỉ huy bộ đội tại đây, ông góp phần quan trọng xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở các vùng dân tộc thiểu số.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Quân khu Tây Bắc có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập được thành tích trong kháng chiến chống Pháp nhưng chưa được tổ chức giáo dục để kết nạp Đảng. Trong khi đó, địa bàn Quân khu Tây Bắc rộng lớn, việc đến các thôn, bản rất khó khăn vì đường sá vừa xa, vừa xấu, nhiều nơi không có đảng viên.
Trước tình hình đó, ông cùng tập thể lãnh đạo tổ chức kế hoạch giáo dục phát triển đảng viên mới từ nguồn đồng bào từng tham gia kháng chiến, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, vừa bảo đảm nguyên tắc xây dựng Đảng nhưng vừa sáng tạo phù hợp thực tiễn. Sau hơn một năm kiên trì triển khai kế hoạch, hầu hết nông thôn Tây Bắc đã có cơ sở đảng. Mấy năm sau, trong đội ngũ đảng viên người dân tộc thiểu số, có nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt cấp huyện. Nhờ niềm tin nơi dân, hành động luôn hướng về dân, trong thời gian ngắn, ông đã hoàn thành nhiệm vụ tưởng chừng không thể.
Hay như vào cuối năm 1960, khi ông làm Trưởng đoàn cố vấn giúp cách mạng Lào tổ chức cuộc hành quân thần tốc, bí mật tấn công Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Đêm đó, bộ đội Lào muốn trú chân trong một bản người Lào Sủng nhưng sợ không an toàn vì dân trong bản chịu ảnh hưởng của phỉ Vàng Pao. Giờ phút đó, ông đã tin dân, mạnh dạn vào bản, nói tiếng Lào Sủng, giải thích cho dân bản rõ bộ đội Lào đang đi đánh quân phiến loạn, tay sai của đế quốc Mỹ, bảo vệ nhân dân các bộ tộc Lào. Đồng thời, ông cùng đồng đội thăm hỏi, chăm sóc y tế cho dân. Nhờ đó, dân bản chuyển từ nghi ngại sang ủng hộ, chủ động mời bộ đội Lào nghỉ lại bản.
Vị tướng “gánh hai vai”
Năm 1945, ông chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Nam, sau đó được phân công đảm nhiệm Chính trị viên Tỉnh đội. Từ đây, tài năng xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức thế trận quốc phòng của ông được phát huy. Với ông, phương châm xây dựng lực lượng vũ trang là lấy giáo dục chính trị và bồi dưỡng cán bộ làm chính, cán bộ trưởng thành về chính trị là cơ sở để học tập, nắm vững và không ngừng sáng tạo nghệ thuật quân sự.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen ngợi Đại tướng Chu Huy Mân là người chịu khó học tập, rèn luyện, vừa biết cả chính trị, quân sự và công tác tổ chức, vừa có kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu. Trong một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Đại tướng Chu Huy Mân, khi biết ông đang làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị, Người đã nói với ông: “Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt”. Vì câu chuyện này, bộ đội Tây Nguyên gọi ông với bí danh “Hai Mạnh”, mạnh về quân sự-mạnh về chính trị.
Nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Chu Huy Mân luôn coi trọng cả công tác chính trị và quân sự, chính trị làm nền tảng cho quân sự. Ông cho rằng, quân Mỹ mạnh hơn hẳn bộ đội ta về quân số, vũ khí, trang bị, kỹ thuật quân sự, cách đánh của quân Mỹ là tận dụng tối đa sức mạnh của vũ khí. Điều đó khiến cuộc chiến đấu của ta với địch thêm ác liệt, ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý bộ đội. Vì vậy, ông cùng tập thể lãnh đạo đơn vị chủ trương chú trọng củng cố tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, quan tâm xây dựng phẩm chất chính trị, tinh thần cho bộ đội.
Những chiến công thắng Mỹ- ngụy của Mặt trận Tây Nguyên, của Quân khu 5, những bước tiến bộ của bộ đội Pa-thét Lào... đều có dấu ấn của ông trong xây dựng bộ đội về chính trị, tổ chức bộ đội chiến đấu và vận động nhân dân tham gia xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh.
Cho đến tận cuối đời, Đại tướng Chu Huy Mân vẫn trăn trở với công tác xây dựng bộ đội về chính trị tư tưởng. Vị tướng “Hai Mạnh” của Quân đội ta luôn mong muốn phát huy vai trò của người chính ủy, chăm lo xây dựng quân đội tinh nhuệ, trước hết phải tinh nhuệ về chính trị, tinh thần là chủ yếu; chú trọng bồi dưỡng cán bộ về các mặt chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực và tác phong công tác. Ông đúc kết lại: Chỉ có người cộng sản chân chính, trung thực, vô tư mới trồng được con người cộng sản chân chính./,
Ảnh: Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân
Nguồn: QĐND
Có thể là hình ảnh về 1 người
2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét