Xây dựng nhà nước pháp
quyền XHCN được xác định là nội dung trọng tâm của đổi mới chính trị tại Việt
Nam. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực thảo luận, lấy ý kiến
đóng góp để hoàn thiện Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá, nhiều
đối tượng xấu đã xuyên tạc, công kích, đưa ra các bài viết làm sai lệch bản
chất vấn đề. Một số bài viết cho rằng đã là nhà nước pháp quyền thì không thể
đi đôi với XHCN, đưa ra “kiến nghị” đòi bỏ nội dung XHCN trong đề án xây dựng
nhà nước pháp quyền.
Thậm chí, một số người nhân danh cấp
tiến, đổi mới để vu cáo rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện “đứng trên pháp luật”
nên không thể có nhà nước pháp quyền; cho rằng việc đưa ra định hướng XHCN chỉ
để mang lại lợi ích cho Đảng chứ không phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc; việc
đặt đề án xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là nhằm che đậy cho bản chất độc
tài của chế độ… Những luận điệu trên thể hiện rõ ý đồ chống phá chế độ,
chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Những yếu tố cơ bản để xây dựng một nhà
nước pháp quyền là xã hội có dân chủ, đất nước có một hệ thống pháp luật đầy đủ
và mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy
định của pháp luật. Nhà nước pháp quyền vừa là một giá trị chung của nhân loại,
vừa là một giá trị riêng của mỗi một dân tộc, quốc gia. Tuỳ thuộc vào đặc điểm
lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội và trình độ phát triển mà các quốc gia
khác nhau sẽ xây dựng một mô hình nhà nước pháp quyền cụ thể một cách thích
hợp.
Tại Việt Nam, mô hình mà chúng ta lựa
chọn là nhà nước pháp quyền XHCN. Điều này đã được ghi nhận cụ thể tại khoản 1,
Điều 2 Hiến pháp 2013: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền
XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền
XHCN Việt Nam là hoàn toàn phù hợp cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà
nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất,
có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực
hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về
Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân
và đội ngũ trí thức. Như vậy, đây là bộ máy quyền lực của chính quần chúng nhân
dân lao động, phục vụ lợi ích của đại đa số người dân trong xã hội.
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được
tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập
trung dân chủ. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ
của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền
công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,
mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn
diện. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ và trách
nhiệm tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân
dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Mọi hành vi tham nhũng,
lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền đều kiên quyết bị xử lý.
Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam,
Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo không có
nghĩa là “đứng trên pháp luật”, “không tuân thủ pháp luật” như những gì các đối
tượng xấu cố tình bôi nhọ. Tất cả các tổ chức của Đảng và đảng viên đều phải
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật
tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp
luật.
Việc Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp
quyền XHCN là phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Như Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển
là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên
phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và
công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng
xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng
tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá
lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.
Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi
trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để
khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi
trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về
nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho
một thiểu số giàu có”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét