Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

 

Thống nhất cao về nhận thức, tầm quan trọng của Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền

Chiều 18/4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"

Kể từ phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" vào tháng 7/2021, Ban Chỉ đạo đã làm việc trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm cao trước Đảng và Nhà nước, các cơ quan liên quan đã khẩn trương xây dựng 27 chuyên đề nhánh làm cơ sở xây dựng Đề án.

Các cơ quan như Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Tư pháp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm xin ý kiến lãnh đạo các cơ quan, các chuyên gia về dự thảo các chuyên đề.

Nhiều thành viên Ban Chỉ đạo quyết liệt, sát sao, chủ động, dành thời gian cho ý kiến nhiều lần các chuyên đề nhánh để có được sản phẩm chất lượng tốt. Cũng trong 10 tháng qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã có 4 cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học.

Ban Nội chính Trung ương đã làm tốt vai trò đầu mối, tham mưu trực tiếp và tổ chức rất thành công 3 hội thảo quốc gia ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của hàng trăm lượt chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ làm công tác thực tiễn, trong đó có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư để Ban Chỉ đạo lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là đầu vào rất quan trọng cho xây dựng Đề án.

Thay mặt Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần trách nhiệm trước Trung ương, trước Bộ Chính trị, của các thành viên Ban Chỉ đạo trong chỉ đạo xây dựng và hoàn thành 27 chuyên đề.

Chủ tịch nước cũng biểu dương, đánh giá cao các cơ quan và cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, cùng Tổ Biên tập. Đặc biệt, trong hơn 1 tháng qua, các thành viên Tổ Biên tập, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học đã dành hết tâm trí, sức lực, với phương pháp làm việc rất khoa học, trao đổi, thảo luận dân chủ, cởi mở, huy động tối đa kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm vào việc tổng hợp để xây dựng dự thảo Đề án lần thứ nhất trình Ban Chỉ đạo cho ý kiến.

Theo đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đánh giá cao Thường trực Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị công phu, bài bản dự thảo Đề án lần nhất với sự tham gia ý kiến sâu của các nhà khoa học, dù đây là lần đầu tiên Đảng ta xây dựng Đề án rất quan trọng này.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho ý kiến vào nội dung của Đề án như những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong những năm qua, cũng như các nguyên tắc, các đặc trưng cơ bản và những kiến nghị, đề xuất về mục tiêu, quan điểm, lộ trình theo 2 giai đoạn từ 2021- 2030 và từ 2030 - 2045, cũng như những phương hướng đột phá nhằm hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo.

Trong phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo thống nhất cao về nhận thức, tầm quan trọng, tính chiến lược của Đề án, trong đó thống nhất về các quan điểm đổi mới, phát triển đất nước, đưa đất nước phát triển bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng; các vấn đề nêu ra đều có cơ sở pháp lý.

Dự thảo lần thứ nhất được xây dựng dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát quan điểm của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Từ ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án một cách chặt chẽ, có hệ thống, đồng thời làm rõ thêm các nội dung quan trọng là đánh giá thực trạng, các quan điểm, mục tiêu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Do thời gian hoàn thiện Dự thảo Đề án đến khi trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng sắp tới không còn nhiều, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là Ban Nội chính Trung ương rà soát việc triển khai Kế hoạch để đôn đốc, thực hiện kịp thời và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ, trong đó cần phối hợp với Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức 3 hội nghị ở 3 vùng cả nước để lấy ý kiến của các địa phương và cơ sở.

Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương thực hiện tốt công tác truyền thông để mọi tầng lớp nhân dân đều hiểu và có thể tham gia góp ý vào các vấn đề của Đề án.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét