Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

MỘT SỰ NGỘ NHẬN TAI HẠI KHÔNG NÊN XẢY RA

 

Từ ngày 28-7, cả trên mạng xã hội lẫn trên một số tờ báo như Dân Việt, Thanh Niên, VOV News đều xôn xao về câu chuyện nồng độ cồn Ethanol ghi trong kết quả xét nghiệm máu của nạn nhân Hồ Hoàng Anh, gây nên những dư luận trái chiều. Đáng nói là, cả bên tung kết quả ra nhằm lái dư luận vào nguyên nhân tai nạn có phần do lỗi  nạn nhân (có bia rượu, không làm chủ tốc độ) lẫn bên gia đình bức xúc khiếu nại quy trình thủ tục và kết quả đều hiểu sai ý nghĩa con số ghi trong kết quả xét nghiệm nồng độ cồn. Đây là nguyên nhân gây nên những dư luận xôn xao không đáng có.


Vụ việc xảy ra như sau.


Khoảng 7h30 sáng 28.6,  cháu Hồ Hoàng Anh, học sinh lớp chuyên Anh Trường chuyên Lê Quý Đôn, Ninh Thuận đi xe máy Dream II bên lề phải đường 16 tháng 4, TP Phan Rang - Tháp Chàm để từ trường về nhà. Đến trước cổng Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt nam chi nhánh Ninh Thuận, xe ô tô 7 chỗ BS 85A - 074.07 chạy cùng chiều đột ngột chuyển làn tấp vào lề, va vào xe máy của cháu Hồ Hoàng Anh. Cháu Hồ Hoàng Anh bị văng về phía trước khoảng 4 m, ngã đập đầu xuống lề đường, va vào trụ điện, tử vong trước khi được chính lái xe gây tai nạn đưa đến bệnh viện.


Diễn tiến hình ảnh được camera của Ngân hàng quay lại đầy đủ, rõ nét. Điều khiến dư luận bức xúc là chiếc ô tô gây tai nạn dừng lại ngay, mũi xe chếch vào phía lề đường, nhưng khi bước từ trên xe xuống, tài xế vẫn đang cầm điện thoại áp vào tai tiếp tục cuộc điện đàm. Chỉ khi đến ngay cạnh nạn nhân đã nằm bất động, anh này mới vội vàng buông điện thoại. Dư luận phẫn nộ vì "thái độ vô cảm, vô trách nhiệm" của tài xế gây ra tai nạn, sau này được xác định là Hoàng Văn Minh, sinh năm 1986, đang công tác tại một đơn vị không quân đóng ở sân bay Thành Sơn, gần Phan Rang.


Vụ tai nạn thương tâm đã để lại nhiều tiếc thương giành cho cháu Hồ Hoàng Anh, một học sinh chăm ngoan, năng động, học giỏi. Cháu bị tai nạn khi vừa đến trường lấy giấy báo dự kỳ thi tốt nghiệp quốc gia 2022 và đang trên đường trở về nhà. 


Hai tuần sau, chiều ngày 13/7, một cán bộ thay mặt Cơ quan điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã thông báo cho gia đình nạn nhân biết: kết quả kiểm tra nồng độ cồn của cháu Hồ Hoàng Anh là 0,79 mg/100 ml máu. Phiếu xét nghiệm do bác sĩ Quảng Đại Hồng chỉ định, bác sĩ Nguyễn Hà, bác sĩ Trần Trương Giang Mai ký dưới góc phải, đóng dấu treo bệnh viện tỉnh Ninh Thuận.


Nhận kết quả, ông ông Hồ Hoàng Hùng, ngụ phường Tấn Tài, TP Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận), cha của nạn nhân đã hết sức bức xúc và không đồng ý với kết luận về kết quả nồng độ cồn trong máu con gái mình. Bởi lẽ, ông cho rằng từ nhỏ chí lớn, con gái ông chưa hề biết uống bia rượu, trong máu không thể có cồn. Chỉ còn 2 ngày nữa là thi tốt nghiệp, dĩ nhiên không có chuyện một nữ sinh sắp dự thi lại đi uống bia rượu. Chưa kể, lúc bị tai nạn là khoảng 7h30 sáng, không ai uống bia rượu vào trước giờ đó cả, đừng nói là một nữ sinh trung học vừa lên trường nhận giấy báo thi và đang lo lắng với kỳ thi đã đến rất gần. 


Tất cả thầy cô, bạn bè, người quen của nạn nhân, người quan tâm... đều tán thành quan điểm này. Kết luận về nồng độ cồn trong máu nạn nhân bị xem là vô lý. Dư luận đang tỏ ra hoài nghi: kết luận nồng độ cồn là ngụy tạo. Cha của nạn nhân ngay lập tức đã có khiếu nại yêu cầu xem xét lại bản kết luận nồng độ cồn, đồng thời cũng trả lời bày tỏ sự bức xúc trên nhiều mặt báo.


Sự bức xúc này là dễ hiểu, bởi ngay sau khi có kết luận, tài khoản FB Kim Hằng, vợ của lái xe gây tai nạn Hoàng Văn Minh đã có đăng một status nhấn mạnh về con số nồng độ Ethanol 0,79mg/100ml máu của nạn nhân, cho rằng với  nồng độ cồn "cao như thế", cộng với chạy xe tốc độ cao, nếu không va vào xe của chồng cô thì cũng "có thể va vào xe người khác và gây tai nạn thì sao". Status có ý đẩy nguyên nhân vụ tai nạn về phía nạn nhân, đồng thời cho rằng gia đình cháu đã không chịu nhìn nhận vụ việc đúng bản chất, cố tình bao che cho "lỗi" của con mình và đổ lỗi nhằm "hạ thấp nhân phẩm chồng cháu (lái xe Hoàng Văn Minh)". Đem xăng cứu hỏa, cô vợ này còn dạy ông Hồ Hoàng Hưng - luật sư bảo vệ quyền lợi (cũng là chú ruột của nạn nhân) khi nhấn mạnh: "Luật sư là phải công bằng  liêm khiết đi đúng hướng và lẽ phải" (!)


Dĩ nhiên, báo chí và nhiều KOLs khác đã vào cuộc và tỏ ra bức xúc với cách nhìn này. Tất cả đều đồng loạt vạch ra hàng loạt điểm vô lý: Không ai uống bia rượu vào đầu giờ sáng; một nữ sinh thì không có lý nào trước khi đi nhận giấy báo thi lại uống rượu bia; một người chưa  từng uống rượu bia bao giờ thì không thể có nồng độ cồn trong máu, mà dư luận giải thích 0,79mg/100ml máu là tương đương vừa uống 5 - 6 lon bia...v.v. Bức xúc đến nỗi, thầy Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn ngay lập tức phải ra  một giấy xác nhận về học sinh Hồ Hoàng Anh của trường với dòng cuối cùng là "từ trước đến nay chưa hề uống rượu bia". Dĩ nhiên, xác nhận này chỉ có ý nghĩa về mặt đạo đức và với dư luận xã hội, không có giá trị về mặt pháp lý.


Đưa lên măt báo, những lập luận này được giữ nguyên. Báo Dân Trí đăng nhiều bài. Báo Thanh Niên và Báo Dân Việt, bài đăng vào chiều 31-7 còn khiến câu chuyện trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn, khi dẫn lời ông Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, cho biết "hồ sơ bệnh án nói trên là mật, chỉ cung cấp cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu".


Cả hai chiều đề cập đều không chú ý đến một điểm ngộ nhận sơ đẳng. Danh mục Quy trình kỹ thuật chuyên ngành hoá sinh số thứ tự 60 về định lượng cồn (Ethanol) trong máu, được ban hành kèm theo Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, khi xét nghiệm mà có kết quả nồng độ cồn trong máu dưới 10,9 mmol/L (tương đương 50,23 mg/100ml hoặc 0,5023 mg/ml) thì được coi là không có. Trường hợp cháu Hồ Hoàng Anh, hàm lượng Ethanol trong máy chỉ 0,79 mg/100 ml thì nghĩa là  cháu hoàn toàn bình thường, không hề uống 1 giọt bia rượu nào cả, khác hoàn toàn với việc một người đã uống 5-6 lon bia. 


Những người cố ý đưa ra vấn đề nồng độ cồn, gán nó với một phần nguyên nhân (có thể dẫn đến) vụ tai nạn đã cố so sánh với nồng độ cồn quy định trong Nghị định 100/2019 NĐ - CP về mức xử phạt nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Trong đó, mức phạt 2 có nồng độ cồn là 80 -100mg/ 100ml máu, tương đương với người vừa uống 5-6 lon bia. Với mức này, nồng độ cồn trong máu nạn nhân phải  tăng đúng 100 lần nữa mới chạm ngưỡng. Ngay ở mức phạt 1 (nhẹ nhất), nồng độ cồn cũng phải đến ngưỡng 50mg/100ml máu, cao gấp ít nhất 60 lần nồng độ đo dược trong máu nạn nhân nêu trog kết luận. Ở đây là sự nhầm lẫn cùng một con số nồng độ cồn trên 1ml và trên 100ml máu.


Ngộ nhận thứ hai nằm ngay ở chữ "nồng độ cồn (Ethanol)". Cần phải hiểu là ngay trong một cơ thể bình thường không hề uống rượu bia vẫn tồn tại một nồng độ cồn nhất định, nhưng chỉ số rất thấp. Nếu ở mức 0,79-1mg/100 ml máu thì điều đó có nghĩa là... không có gì cả, không có bia rượu gì ở đây. Ngay cả khi người bình thường không uống bia rượu mà chỉ cần ăn, uống một vài thực phẩm lên men nào đó, chỉ số cồn trong máu cũng có thể tăng lên đáng kể. Nhưng để gây nên tác dụng nhẹ nhất, kiểu như một chút hưng phấn thì lượng cồn trong máu cũng phải tăng thêm 10 - 40 lần nữa mới có thể.


Như vậy, kết quả nồng độ cồn trong máu cháu Hồ Hoàng Anh là hoàn toan bình thường, gia đình và những ai quan tâm thương tiếc cháu hoàn toàn không cần phải để tâm, bởi nó không liên quan gì đến nguyên nhân (có thể) của vụ tai nạn. Những người cố bám vào nó một cách có dụng ý thì nên rút lại hoài nghi, chấm dứt và xin lỗi nếu câu chuyện đưa ra có thể gây thêm tổn thương cho gia đình nạn nhân.


Cần hơn hết, cơ quan Công an và phía Y tế cần giải thích rõ ràng, không tiếp tục úp úp mở mở hay giữ thái độ bàng quan, trung dung, nhằm giúp sáng tỏ, hiểu rõ vấn đề, không tiếp tục gây nên hiểu lầm và tranh cãi vô ích trong dư luận xã hội, chỉ khiến nỗi đau buồn của gia đình nạn nhân thêm nặng nề hơn.


Và cuối cùng, các KOLs cũng như những người làm công tác báo chí, tốt nhất  nếu chưa hiểu đúng, hiểu đủ vấn đề thì không nên viết, không bày tỏ bức xúc bằng cảm tính và sự ngộ nhận. Điều đó không những không chia vợi được mất mát của nạn nhân và gia đình mà chỉ khoét sâu thêm, không giúp cho dư luận xã hội sáng tỏ sự thật mà chỉ gây thêm sự rối loạn, lo lắng, nghi kỵ... Cho dù với dụng ý đưa tin tích cực, đó cũng chỉ là những fake news - tin giả!

31-7-2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét