Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

TIKTOK VÀ NỖI LO GIỚI TRẺ BỊ “ĐẦU ĐỘC”


Mỗi video chỉ khoảng vài chục giây nhưng sức truyền đạt thông tin, hình ảnh bắt mắt, nhạc nền hay khiến TikTok đang là một ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới. Nhưng bên cạnh đó, TikTok lại ẩn chứa không ít sản phẩm độc hại, nhảm nhí, có nội dung tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên, trẻ em.


BÙNG NỔ NGƯỜI DÙNG TIKTOK TẠI VIỆT NAM


Theo thống kê, lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này. Với sự phát triển mạnh mẽ như vậy, trẻ em rất có thể bị rơi vào “ma trận” của những video không được sàng lọc. Bất kỳ ai cũng có thể tải ứng dụng TikTok, thậm chí dễ dàng trở thành một TikToker chính hiệu.


Mới đây, trang Q&Me đã công bố nghiên cứu rằng, thói quen của người dùng Việt Nam trong thời gian dịch bệnh có sự thay đổi lớn. Cụ thể, với giới trẻ họ dành nhiều thời gian xem video trực tuyến trên Youtube và TikTok, xu thế chuyển nhiều hơn cho việc xem TikTok. Trong khi đó người lớn dành nhiều thời gian rảnh cho Zalo sau Facebook.


Còn theo báo cáo mới nhất của We Are Social, TikTok được tìm kiếm nhiều thứ 5 trên YouTube sau các từ khóa “phim”, “nhạc”, “remix” và “karaoke”. Theo đó lượng người dùng ứng dụng TikTok trên 18 tuổi tại Việt Nam 39,65 triệu người, tức đã tăng thêm hơn 5,4 triệu người dùng chỉ trong một thời gian khá ngắn. Con số 39,65 triệu cũng đưa Việt Nam lên vị trí thứ 6 toàn cầu về lượng người dùng TikTok sau các quốc gia Mỹ, Indonesia, Brazil, Nga, Mexico.


Trong các ứng dụng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất Việt Nam, TikTok đứng vị trí thứ 6 với tỉ lệ 47,6% (tức khoảng 34,2 triệu người dùng) nhưng nếu xét xếp hạng lượt tải về tại Việt Nam thì TikTok xếp số 1. Tuy nhiên, số người dùng thực tế tại Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều bởi TikTok cho người dùng từ 13 tuổi được đăng ký mở tài khoản. Số người dùng trong khoảng 13 - 18 tuổi tại Việt Nam được nhiều chuyên gia trong ngành ước đoán rất nhiều.


TRÀN LAN NHỮNG VIDEO RÁC, TRÀO LƯU ĐỘC HẠI


- Chẳng khó khăn gì để chúng ta tìm được những video có nội dung “người lớn” trên TikTok. Đó là những clip mà người chơi cố tình khoe những điểm nhạy cảm trên cơ thể, nhảy những điệu khêu gợi. Điều đặc biệt, người thực hiện còn là những bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.


- Các video tạo trào lưu, trend dễ khiến người xem bắt chước, làm theo dẫn đến những hậu quả khác nhau cho chính bản thân người thực hiện về sức khoẻ, tính mạng lẫn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Có thể kể đến một số trend độc hại bị dư luận lên án trong thời gian qua, như: "quay video tại sân bay", "thử thách chọc ghẹo người khác", "thử thách bẻ xuơng", " hướng dẫn chế biến thực phẩm - kem dưỡng da với các công thức lạ tại nhà",... 


- Bên cạnh đó, tình trạng các video có nội dung tục tiễu, không phù hợp thuần phong mỹ tục văn hoá Việt Nam làm tiêm nhiễm nhận thức, tính cách của người xem gây ra những hệ luỵ về phong cách ứng xử, đạo đức lối sống.


Từ những hệ lụy trên khi các video trên TikTok rất dễ tác động xấu giới trẻ khi ấy hậu quả thực sự là khôn lường. Theo báo cáo tại Việt Nam người dùng TikTok chủ yếu là học sinh, sinh viên từ 13 – 24 tuổi. Chính vì vậy thách thức về nội dung vừa hấp dẫn lại phù hợp với lứa tuổi luôn đè nặng lên nhà quản lý của TikTok. Trước đây, Mỹ và Ấn Độ đã có những cáo buộc, TikTok đã có những động thái đầu tiên như đưa ra những điều khoản riêng cho người dùng nhỏ tuổi như cơ chế liên kết tài khoản gia đình Family Pairing. Ngoài ra, những tài khoản có thông tin từ 13 - 15 tuổi cũng sẽ được mặc định ở chế độ riêng tư và tắt những tính năng đề xuất, livestream và nhận tin nhắn. Tuy nhiên, những điều khoản này chỉ hữu dụng khi người dùng khai báo thông tin trung thực, việc kiểm soát và đảm bảo đúng độ tuổi là không phải dễ dàng.


Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý quản lý, giáo dục trẻ trong quá trình tham gia các hoạt động trên không gian mạng để đảm bảo không bị tác động bởi các hệ lụy xấu. Việc TikTok mang đến nhiều lợi ích như tính giải trí cao, cập nhật tin tức xã hội, xu hướng nhanh là không thể phủ nhận. Tuy nhiên đối với giới trẻ thì cần phải xem xét lại, cần phải cho trẻ hiểu và phân biệt được đâu là nội dung phù hợp, đâu là những nội dung xấu. Cũng như đối với mỗi người dùng cần chung tay lên án, chủ động đấu tranh với các nội dung xấu, lệch lạc để xây dựng môi trường mạng lành mạnh./.

Nguồn: CA Lâm Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét