Tròn 2 tuần sau khi cụm tượng đài Công an nhân dân vì dân phục vụ được khánh thành tại Hà Nội, hôm nay 3 người lính PCCC đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ.
Mình vẫn nhớ thời điểm khi tượng đài chuẩn bị ra mắt công chúng, báo chí và dư luận đã tốn khá nhiều "gõ phím" bình phẩm. Mình không phải dân điêu khắc hay mỹ thuật nên không tham gia bàn luận gì. Mình chỉ nghĩ đơn giản là họ xứng đáng được dựng tượng. Riêng về hình tượng 3 chiến sĩ PCCC, có người nói gương mặt họ đơ cứng, một biểu cảm lạnh lùng, thiếu xúc động. Cá nhân mình lại thấy, ở tâm thế lao vào ngọn lửa hàng nghìn độ đang bùng cháy, lao vào ranh giới của sự sống và cái chết thì những ánh mắt ấy, nét mặt ấy chỉ mang một biểu cảm duy nhất là... sẵn sàng hy sinh.
Chiều nay, khi những tin tức đầu tiên về vụ hỏa hoạn được loang ra, không ít tờ báo mạng đã dùng từ "thiệt mạng" để giật tít về "cái chết" của các chiến sĩ PCCC. Tất nhiên sau đó những tờ báo này cũng đã sửa. Thế nhưng việc làm đó có thể cho thấy phần nào sự "bất nhân" của người cầm bút hay ai đó đã duyệt đăng tin. Bởi bản chất từ thiệt mạng thường được dùng chỉ cái chết oan uổng, vô nghĩa. Còn những cái chết này, họ đã hy sinh mà. Hy sinh thân thể, tính mạng, hạnh phúc gia đình, cá nhân... để đổi đấy sự sống cho những cuộc đời khác.
Tự dưng mình lại nhớ tới mỗi kỳ họp Quốc hội, khi đề nghị nâng mức lương cơ bản cho cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thì thể nào cũng lại có những nhà báo gào lên, lương bộ đội, công an... cao quá. Họ gào mà không cần biết lực lượng vũ trang là lao động đặc biệt, là lao động toàn thời gian, là lao động xương máu.
Cứ thử tính vội lương 3 đồng chí vừa hy sinh chiều nay đi: Trung tá thâm niên chắc khoảng 16tr; Trung úy chắc tầm 9tr; còn chiến sĩ nghĩa vụ thì chỉ có phụ cấp vài trăm nghìn đồng... Có ai muốn đánh đổi với họ không ?
Cổ nhân đã nói: “Đời người có 3 cảnh giới, cao nhất là lập đức, thứ nhì là lập ngôn và thứ 3 là lập công”. Người làm báo là lập ngôn, nếu không nói được điều gì tốt đẹp thì cũng xin đừng đâm thêm những nhát dao vào lòng người đang sống.
Ai đó đã nói, báo chí hoặc là phúc lành lớn nhất hoặc là lời nguyền rủa lớn nhất của thời hiện đại, người ta đôi khi quên mất nó là bên nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét