Ngoại giao đa phương là một hình thức hoạt động ngoại giao, trong đó có sự tham gia của ba chủ thể trở lên trong quan hệ quốc tế (chủ yếu là quốc gia - dân tộc) vào quá trình đàm phán, thương lượng, ra quyết sách trong cùng một thời điểm và đáp ứng nhiều đòi hỏi khác nhau trước một vấn đề cụ thể. Các mô thức ngoại giao đa phương chủ yếu và mang tính phổ quát hiện nay là tổ chức quốc tế (với các tính chất khác nhau từ những tổ chức mang tính cộng đồng chung, liên minh đến những tổ chức mang tính hợp tác với những cam kết đơn giản; ở các cấp độ khác nhau, như khu vực, liên khu vực, toàn cầu; với các lĩnh vực đa dạng: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...); các diễn đàn, hiệp hội (tính chất và quy mô đa dạng nhưng ràng buộc lỏng lẻo hơn); các phong trào, các hội nghị, cuộc họp, hội thảo... (quy mô đa dạng, ít ràng buộc nhằm giải quyết một hoặc một vài vấn đề, mang tính ngẫu hứng hoặc thường niên).
Trong
ngoại giao đa phương, lợi ích luôn là yếu tố quy định hành vi của chủ thể. Với
mỗi thời điểm khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, các quốc gia có lợi ích khác
nhau, dẫn tới hình thành động cơ thúc đẩy sự tham gia của các chủ thể, thời
điểm sử dụng mô thức ngoại giao đa phương khác nhau trong quan hệ quốc tế. Hiện
nay, chủ thể quan hệ quốc tế (cơ bản nhất là quốc gia - dân tộc độc lập có chủ
quyền) tham gia ngoại giao đa phương khá sôi động, cho thấy ngoại giao đa
phương đang đáp ứng được những lợi ích của các chủ thể. Một điểm đáng chú ý
trong ngoại giao đa phương là tương quan lực lượng và thực lực quốc gia. Đây là
nền tảng quan trọng của trật tự thế giới và là cơ sở để định hình “sân chơi” và
nguyên tắc ứng xử (“luật chơi”) trong quan hệ quốc tế nói chung và ngoại giao
đa phương nói riêng; đóng vai trò không nhỏ trong việc quyết định hành vi và
tầm ảnh hưởng trong quá trình đàm phán. Thêm vào đó, thực lực quốc gia - nhân
tố được coi là cơ sở của việc hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại -
cũng quyết định hành vi của quốc gia trong ngoại giao đa phương. Vì vậy, các
nước lớn có hành vi theo hướng chi phối và “bao cấp” cho thể chế đa phương, còn
các nước nhỏ thì hành động theo hướng chấp nhận, tuân thủ và “ăn theo”.
Bên
cạnh đó, hành vi của quốc gia cũng phụ thuộc vào mức độ thể chế hóa của các tổ
chức đa phương. Tổ chức đa phương có mức độ thể chế hóa cao sẽ có khả năng cao
hơn trong việc buộc các nước phải tuân thủ luật lệ và ngược lại, mức độ thể chế
hóa thấp sẽ làm xu hướng không tuân thủ luật lệ xảy ra cao hơn.
“Luật
chơi” (nguyên tắc, quy định) của các thể chế đa phương quốc tế cũng thúc đẩy
hoặc tác động đến hành vi của các quốc gia. Các mô thức ngoại giao đa phương
khác nhau sẽ có “luật chơi” khác nhau. Nhưng điểm chung của các mô thức ngoại
giao đa phương là sản phẩm hay kết quả chính là các thỏa thuận quốc tế đa
phương. Các thỏa thuận này là “luật chơi” ràng buộc hành vi tiếp theo của chủ
thể trong ngoại giao đa phương. Vì vậy, trong quá trình hình thành “luật chơi”,
quốc gia nào được tham gia đàm phán và đưa ra ý tưởng được chấp nhận và ghi
nhận ý tưởng trong sản phẩm cuối cùng của ngoại giao đa phương, quốc gia đó sẽ
khẳng định được lợi ích và vị thế của mình trong “sân chơi” đa phương này. Đây
sẽ là cơ sở quan trọng để quốc gia thuận lợi hóa môi trường cho hành vi tương
lai. Song, do chủ quyền của quốc gia, sự chưa hoàn thiện của thể chế và khả
năng đáp ứng nhu cầu của các bên trong các thỏa thuận quốc tế đa phương nên
“luật chơi” của các thể chế đa phương chỉ ràng buộc một phần hành vi của quốc
gia, bởi khi cần thiết chủ thể (quốc gia) sẽ viện dẫn lý do chủ quyền và lợi
ích quốc gia để có thể bỏ qua những “luật chơi” này.
Trên
thực tế, hành vi của các chủ thể khá đa dạng. Song, tựu chung chủ thể tham gia
ngoại giao đa phương theo ba dạng hành vi cơ bản sau: 1- Các chủ thể thành viên
phải chấp nhận và tuân thủ theo “luật chơi” chung (rule taker); 2- Vận dụng
“luật chơi” hoặc kẽ hở luật pháp để tối ưu hóa lợi ích quốc gia - dân tộc mình
(rule manipulator); 3- Thay đổi, điều chỉnh hoặc xây dựng “luật chơi” mới để
thích ứng với vị thế và thực lực mới (rule maker hoặc shaper). Các chủ thể có
thể thay đổi hành vi của mình tùy theo lợi ích, tương quan lực lượng, “luật
chơi” và “sân chơi” đa phương trong những thời điểm và vấn đề khác nhau. Ngoài
ra, một chủ thể trong một thời điểm có thể có một hoặc hai, thậm chí có đủ cả
ba hành vi ở những hoạt động ngoại giao đa phương khác nhau.
Trong
thế kỷ XXI, quan điểm và hoạt động ngoại giao đa phương của hầu hết các quốc
gia trên thế giới đều phong phú, rõ nét và mang tính đặc thù. Chẳng hạn, Mỹ theo
đuổi chủ nghĩa đa phương có lựa chọn và chủ nghĩa đa phương hiệu quả với quan
điểm xây dựng một hệ thống đa phương do Mỹ và các nước phương Tây dẫn dắt để có
thể gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác. Ngoại giao đa phương của Mỹ tồn tại
cùng ngoại giao song phương và mang tính thực dụng. Mỹ lựa chọn phát triển hay
cầm chừng hoặc từ bỏ hoạt động ngoại giao đa phương theo sự tính toán về lợi
ích của họ với các thời điểm khác nhau. Điều này thể hiện rõ trong hành vi
ngoại giao đa phương của Mỹ trên thực tế có xu hướng áp đặt “luật chơi” để bảo
đảm lợi ích quốc gia, song Mỹ cũng sẵn sàng rời bỏ tổ chức đa phương cũ, khởi
xướng thể chế đa phương mới cũng vì lợi ích quốc gia.
Nga luôn chủ trương gắn bó sâu sắc với các nguyên tắc của chủ
nghĩa đa phương. Nga chú trọng các cơ chế đa phương như một dạng tập hợp lực
lượng để nhằm phục hưng đất nước và ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây. Ngoại
giao đa phương của Nga phân tán về chiều rộng từ cấp độ toàn cầu, khu vực tới
tiểu khu vực, mang tính lựa chọn với các quan điểm: 1- “Lãnh đạo tập thể của
những quốc gia hàng đầu” cùng có trách nhiệm giải quyết các vấn đề toàn cầu, khác
với quan điểm lãnh đạo của một siêu cường; 2- Trong ngoại giao đa phương, chính
sách đa phương cần được đàm phán giữa các bên liên quan và Nga không chấp nhận
một quyết định nào mà chưa được thông qua (chẳng hạn những quyết định của Tổ
chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hoặc Liên minh châu Âu mà Nga không tham gia sẽ
không có giá trị); 3- Ngoại giao đa phương cần trở thành nền tảng, phản ánh sự
phân chia quyền lực trong một thế giới đa cực đang nổi lên, bao gồm: Trung
Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, mà Nga hết sức chú trọng.
Trung
Quốc hiện đang thể hiện cách tiếp cận mạnh mẽ và phổ biến về
ngoại giao đa phương, nhất là với các tiểu vùng, khu vực và các tổ chức lớn, đa
dạng trong nhiều lĩnh vực. Trung Quốc bắt đầu khẳng định vị thế, sức mạnh và sự
dẫn dắt của mình trong nhiều thể chế đa phương qua sự tham gia tích cực vào các
cơ chế bằng các sáng kiến đa phương, sự đầu tư và đóng góp, thể hiện sự gánh
vác trách nhiệm, tham gia quản trị toàn cầu, phát huy “sức mạnh mềm” của Trung
Quốc. Trung Quốc đưa ra chủ thuyết về một thế giới hài hòa, trong đó vai trò
của các tổ chức đa phương được đề cao - cùng hợp tác để cùng thịnh vượng, cần
tôn trọng sự đa dạng về văn hóa và hệ thống chính trị, các quốc gia đang phát
triển có nhiều quyền quyết định hơn. Trung Quốc tích cực triển khai các hoạt
động đa phương, truyền bá những tư tưởng mới, đưa ra thông điệp mới về xây dựng
một thế giới hài hòa, dân chủ, kiến tạo một trật tự kinh tế thế giới mới, đặc
biệt Trung Quốc nêu quan điểm không tham gia liên minh.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét