17 năm qua, kể từ khi có Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, không chỉ các cơ quan, tổ chức mà một người dân bình thường nhất bằng khả năng của mình cũng đã đồng hành cùng lực lượng Công an xây dựng thế trận an ninh vững chắc trên địa bàn Thủ đô.
Ngược quá khứ trở về nơi khởi nguồn
Ra đời trong những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, dù con non trẻ nhưng lực lượng CAND đã vận động nhân dân cùng tham gia vào công tác đảm bảo trật tự trị an.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh, ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, lực lượng Công an đã sớm tham mưu với Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong toàn quốc thành phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Đồng thời, Công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ cấp ủy Đảng, Chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phong trào đã có bước phát triển khá sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, cụ thể của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể.
Nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến được nhân rộng trong toàn quốc. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19 tháng 8 hàng năm là "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Thành tựu to lớn
Ngay khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận ngày 19-8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân đã tập trung tuyên truyền, giáo dục giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tạo chuyển biến mới đối với công tác an ninh, trật tự.
Lực lượng CAND đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức quán triệt, thực hiện Quyết định 521 của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ ngay từ cơ sở”. Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Xây dựng lực lượng Công an xã, bảo vệ dân phố; bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp trong sạch, vững mạnh, hướng về cơ sở và địa bàn dân cư. Triển khai, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và phong trào thi đua “CAND học tập, thực hiện sau điều Bác Hồ dạy”.
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp luôn xác định công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là biện pháp cơ bản, chiến lược lâu dài trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia công tác phòng, chống hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền và sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể (qua thực hiện nghị quyết liên tịch), phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã liên tục có bước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, góp phần kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội.
Qua 17 năm thực hiện Quyết định 521, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã liên tục được đổi mới về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng. Ngày hội không chỉ là dịp tập hợp đông đảo quần chúng, mà còn là đợt biểu dương lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Tại Hà Nội, các cấp từ cơ sở đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn đều tổ chức ngày hội với quy mô bao gồm phần lễ và phần hội; tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có uy tín, chức sắc tôn giáo, người có công trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên dương những tấm gương tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được lồng ghép, gắn kết với nhiều phong trào khác như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Xoá đói giảm nghèo”, “Xây dựng nông thôn mới”... thực sự đã tạo được sức hút, sự lan tỏa và đem lại hiệu quả to lớn.
Hiệu quả từ Quyết định 521
Ông Vũ Văn Lực, Tổ trưởng tổ dân phố số 9, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhìn nhận, 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động tập trung đông người không được tổ chức nhưng chúng tôi vẫn nhớ lại không khí rộn ràng, rực rỡ cờ hoa, các hoạt động thể dục thể thao của địa phương mình, lấy nó làm động lực để động viên nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng xã phường, cũng như cùng bảo đảm an ninh nơi mình cư trú.
Thông qua những ngày hội như thế, nhân dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công tác bảo vệ ANTQ. “An ninh Tổ quốc không phải là khái niệm quá lớn lao, mà nó chính là cuộc sống bình yên, ổn định của mỗi gia đình, không tin, không nghe lời người xấu, giữ vững những nền tảng của chế độ xã hội, phát triển kinh tế đất nước và trách nhiệm của mỗi người dân là chung tay bảo vệ những điều bình thường ấy” - ông Nguyễn Hoàng Nam, Bí thư kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố 12, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình nhìn nhận.
Trên tinh thần ấy, trong nhiều năm qua từ các gia đình, thôn xóm, đến các xã, phường, cơ quan, đoàn thể, trường học... đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự.
Theo thống kê, đến nay đã có trên 700 mô hình tổ chức quần chúng tự nguyện, tự quản được hình thành theo cơ chế: “Dân tổ chức, dân tự quản lý, dân thực hiện, dân nuôi” có sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, CAND tham mưu, hướng dẫn thực hiện như: mô hình “Cụm liên kết bảo vệ an ninh, trật tự”; “Cảm hóa giáo dục người lầm lỗi ở cộng đồng dân cư”; “Tổ liên gia tự quản”; “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự”; “Xã an toàn về an ninh, trật tự”; “Gia đình, khu dân cư, cơ quan, trường học an toàn về an ninh, trật tự”...
Lực lượng an ninh cơ sở, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, trường học ngày càng được củng cố về số lượng và chất lượng, đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự, cung cấp cho cơ quan chức năng hàng nghìn tin liên quan đến an ninh trật tự có giá trị, giúp lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.
Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, CATP Hà Nội, sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, dịp kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, 17 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là để cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phối hợp, giúp đỡ lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Lực lượng CAND tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, siết chặt đội ngũ, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.
Nguồn: Báo ANTĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét