Ngày 19/7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo tình hình buôn người năm 2022. Đây là báo cáo hằng năm theo Đạo luật Bảo vệ nạn nhân bị mua bán của Hoa Kỳ năm 2000 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trình lên Quốc hội nước này, trong đó nhận xét công tác phòng, chống mua bán người của 188 quốc gia trên thế giới nhằm kêu gọi Chính phủ các nước thực hiện nghiêm túc Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư bổ sung.
Trong báo cáo tình hình buôn người năm 2022,
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam trong nhóm 3, tụt 18 bậc so với năm 2021 (năm
2021, đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 2) cùng với các nước như Brunei, Campuchia,
Malaysia, Myanmar tại Đông Nam Á và một số nước khác như Trung Quốc, Cuba...
Cũng theo báo cáo này, những nước nằm trong nhóm 3 có thể bị hạn chế nhận một
số viện trợ từ Hoa Kỳ trong tương lai. Báo cáo trên có những nhận xét không
khách quan, không phản ánh những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc đấu
tranh, phòng chống tội phạm mua bán người trong thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề trên, người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 21/7 khẳng định: “Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo
năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới với các thông tin không xác
thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua
bán người của Việt Nam”.
Không ngừng nỗ lực đấu tranh với nạn buôn
người
Việc nhìn nhận, đánh giá một vấn đề cần phải
dựa trên những thông tin xác thực, có các hoạt động kiểm chứng, khảo sát thực
tế, nếu không sẽ đưa ra những nhận xét thiếu khách quan, phiến diện. Điều này
tác động không tốt đến quan hệ ngoại giao hai nước, gây ra những hiểu lầm đáng
tiếc và tạo cớ để các thế lực thù địch suy diễn, xuyên tạc về công cuộc phòng,
chống tội phạm mua bán người ở Việt Nam nói riêng, công tác đảm bảo quyền con
người nói chung.
Thực tế, việc phòng, chống mua bán người được
Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính
trị và được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, từ phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội
phạm cũng như hỗ trợ nạn nhân. Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mua bán người. Những nỗ lực, cố
gắng của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người thời gian
qua là toàn diện, rõ nét.
Tại Điều 150 và Điều 151, Bộ luật Hình sự năm
2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ về tội mua bán người và tội mua
bán người dưới 16 tuổi. Đặc biệt, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội
thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đã quy định khung pháp lý quan trọng
làm cơ sở cho công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người.
Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống
chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm
mua bán người trên phạm vi toàn quốc, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ quyết
định lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người”. Nghị
định số 62/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua
bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân của họ. Ngày 11/2/2019, Hội đồng
thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một
số quy định của Bộ luật Hình sự về “Tội mua bán người”; Thủ tướng Chính phủ đã
ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán
người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, quyết định này có hiệu
lực từ ngày 9/2/2020. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số
1944/QĐ-TTg ngày 18/12/2021 của Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW về
tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình
hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025,
định hướng đến năm 2030, nhất là các phương án, kế hoạch, giải pháp đảm bảo
ANTT, phòng, chống tội phạm trong và sau dịch bệnh COVID-19.
Ngày 18/7 vừa qua, hướng tới Ngày Thế giới và
Toàn dân phòng chống mua bán người, các bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội,
Công an, Quốc phòng và Ngoại giao cũng đã ký Quy chế phối hợp trong công tác
tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm không ngừng nâng cao hiệu
quả công tác phối hợp liên ngành, tiến hành xác minh, xác định, giải cứu, bảo
vệ, hỗ trợ nạn nhân và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người.
Việt Nam cũng tích cực hợp tác quốc tế về
phòng, chống mua bán người, phát huy vai trò của cơ quan đại diện ở nước ngoài
trong việc nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải cứu nạn nhân, bảo vệ quyền
lợi hợp pháp, hồi hương công dân Việt Nam là nạn nhân bị mua bán trở về nước.
Các điều ước quốc tế, hiệp định song phương, đa phương, các thỏa thuận hợp tác
về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên được triển khai thực
hiện có hiệu quả. Theo đó, ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định
ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và
trật tự của LHQ. Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa
thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi
trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di
cư quốc tế, trong đó đề ra các giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao
hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư nhằm
tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán
người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân của thực trạng mua bán
người. Trên thực tế, tình hình phòng, chống mua bán người trong nước và qua
biên giới cũng luôn được rà soát để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, khắc
phục những khó khăn do đại dịch COVID -19 gây ra.
Không chỉ xâm hại quyền con người, ảnh hưởng
nghiêm trọng đến sức khỏe, đạo đức, nhân phẩm, tính mạng của các nạn nhân, tội
phạm mua bán người còn gây ảnh hưởng xấu đến nền tảng đạo đức, giống nòi, thuần
phong mỹ tục, tác động trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã
hội... Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm ấy, những năm qua, các cơ quan chức
năng của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương luôn thể hiện trách nhiệm cao,
thái độ kiên quyết trong phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm mua bán
người. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã chú trọng xây dựng, duy
trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh, truyền
hình tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, trong đó tập trung tuyên
truyền về các phương thức, thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm của tội phạm này,
những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, quyền lợi mà nạn nhân được
hỗ trợ và đường dây nóng tiếp nhận thông tin về nạn nhân và vụ việc. Đồng thời,
đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các
trang mạng và mạng xã hội...
Về nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Việt
Nam đang tích cực xây dựng, triển khai quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa
nhập cộng đồng; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên cấp về tiếp nhận, hỗ
trợ nạn nhân và cung cấp kết nối dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người
nghi là nạn nhân bị mua bán. Củng cố, phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ
sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua
bán, bảo đảm tính sẵn có, dễ tiếp cận; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây
dựng tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và thí điểm các mô
hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, lồng ghép nội dung phòng,
chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ
nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo
vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác…
Theo số liệu của Cục Cảnh sát hình sự, từ năm
2010-2020, trên địa bàn cả nước đã điều tra, khám phá 4.116 vụ, khởi tố 6.012
bị can phạm tội mua bán người ra nước ngoài; trong số này có 419 vụ, 476 bị can
mua bán trẻ em ra nước ngoài. Theo báo cáo của các TAND, kết quả xét xử sơ thẩm
các vụ án hình sự từ năm 2016 đến năm 2021 về tội mua bán người đã giải quyết
là 450 vụ/506 vụ án đã thụ lý; tội mua bán người dưới 16 tuổi đã giải quyết là
190 vụ/225 vụ án thụ lý. Đây là những con số “biết nói” minh chứng những nỗ lực
không biết mệt mỏi của Việt Nam trong phòng, chống nạn mua bán người.
Cần phải nhìn nhận đúng một thực tế là không
chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới, hoạt động mua bán
người tiếp tục diễn biến phức tạp. Ðây là công việc nhiều khó khăn, trở ngại
nhưng với quyết tâm chính trị và bằng kinh nghiệm của mình, Việt Nam sẽ tiếp
tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia
phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người. Trong bối cảnh
tội phạm mua bán người hình thành các đường dây, tổ chức xuyên quốc gia, Việt
Nam chủ trương tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, các tổ chức quốc
tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét