Khái niệm “tự diễn biến” dùng để chỉ quá trình tự vận động của sự vật, hiện tượng; là quá trình tự biến đổi bên trong của sự vật theo một chiều hướng nhất định. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn kiện của Đảng ta, “tự diễn biến” được hiểu là sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Thuật ngữ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đề cập trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng đánh dấu bước chuyển trong tư duy của Đảng về sự nhận diện một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ chính trị ở nước ta.
Khái niệm “tự chuyển hóa” dùng để chỉ quá trình tự biến đổi của sự vật, hiện tượng sang một cấu trúc, một dạng tồn tại, một chất mới. Trong các văn kiện của Đảng ta, “tự chuyển hóa” được sử dụng theo nghĩa là sự biến đổi về lập trường, quan điểm, tư tưởng, thái độ, hành vi, lối sống của cán bộ, đảng viên theo hướng đối lập với trạng thái ban đầu. Từ cách tiếp cận trên có thể hiểu “tự chuyển hóa” là hệ quả tất yếu, sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, là quá trình biến đổi về chất các quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một tổ chức và cá nhân. “Tự chuyển hóa” chính là quá trình thay đổi về chất trong quan điểm, tư tưởng, phẩm chất và hành động của chủ thể. Đây là cấp độ cao hơn của quá trình “tự diễn biến” biểu hiện sự thay đổi về chất của quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống khiến cho mỗi cá nhân không còn là chính mình, chẳng những đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu mà có khi trở thành phản bội, chống lại Đảng và Nhà nước, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù.
Theo nghĩa đó, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình thay đổi từ bên trong của mỗi chủ thể theo chiều hướng xấu, từ đúng sang sai, từ tốt sang xấu, từ tích cực sang tiêu cực, từ tiến bộ sang phản tiến bộ… nếu không ngăn chặn hiệu quả, khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến tha hóa, biến chất. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên thì “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một quá trình tự vận động, thay đổi từ nhận thức đến hành động của chủ thể, từ lựa chọn chế độ XHCN sang lựa chọn chế độ tư bản chủ nghĩa. Quá trình này chịu sự tác động, chi phối của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, trong đó nhân tố chủ quan là chủ yếu. Quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều dẫn đến các mục tiêu, kết quả như: phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tế trong những năm qua cho thấy bên cạnh mặt tích cực là chủ yếu thì công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao. Tình trạng quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn xảy ra, trong đó tập trung vào số đảng viên có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước. Nhiều tổ chức, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nguyên nhân của tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài. Sự chống phá quyết liệt, nhất là hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.
Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XI của Đảng đánh giá: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của đảng viên và của Nhân dân đối với Đảng. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng một lần nữa chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức”.
Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thực sự là vấn đề cấp bách đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị thường xuyên nhằm quán triệt, triển khai nghị quyết của Trung ương mà còn có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt như một đợt “chỉnh huấn”, “chỉnh Đảng” mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét