Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam

  

Tính tất yếu về nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 

Một là, tư duy về quốc phòng, BVTQ trong tình hình mới được kế thừa từ truyền thống lịch sử dân tộc.

Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, “dựng nước phải đi đôi với giữ nước” đã trở thành bài học, quy luật tất yếu. Với tư tưởng đó, đất nước ta đã thường xuyên chủ động chuẩn bị về mọi mặt cho việc “giữ nước” ngay trong thời bình; coi trọng xây dựng, củng cố quốc phòng; tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Thực hiện quan điểm “quốc phú, binh cường”; “ngụ binh ư nông”, “trăm họ là binh”; “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”; “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, là thượng sách để giữ nước”. Ông cha ta đã tổng kết “thái bình nên gắng sức, non nước vững ngàn thu”. Trong xây dựng quân đội, thực hiện chủ trương “quân cốt tinh, không cốt đông”...

Hai là, tư duy về quốc phòng, BVTQ trong tình hình mới được hình thành trên cơ sở quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 V.I.Lênin chỉ rõ: “Tất cả các lực lượng của nhân dân đều phải được động viên cho cuộc chiến tranh đó. Cả nước phải trở thành một mặt trận cách mạng”; và trong mọi cuộc chiến tranh, “thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”; “Chính vì chúng ta chủ trương BVTQ, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”.Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều bài viết, bài nói, chỉ đạo về sự nghiệp quốc phòng, BVTQ. Trong đó, Người khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện... “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo... hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh giặc cứu nước. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng, gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”... Các quan điểm nêu trên là biểu hiện cao độ ý chí và sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân (QPTD), chiến tranh nhân dân đã đi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.Kế thừa truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước”, trong nhận thức lý luận cũng như trong tổ chức thực hiện, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp quốc phòng, BVTQ, phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Ba là, tình hình thế giới, khu vực, trong nước tác động đến quốc phòng, BVTQ

Trước hết, về tình hình thế giới và khu vực: Trong những năm tới, dự báo môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến. Đặc biệt, một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự với những thế hệ vũ khí mới.Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, thực dụng, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia; sự can dự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với các không gian chiến lược mới (như: không gian mạng, không gian vũ trụ, lòng đất, lòng biển...); các loại hình tác chiến mới đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trên thế giới, khu vực và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, nhất là những nước nhỏ đang phát triển. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghiệp số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực quốc phòng, tạo ra cả thời cơ, thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại đã làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, hình thái, phương thức tiến hành chiến tranh. Đặc biệt, sự ra đời của chiến tranh mạng đã tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh  thế giới, khu vực và mỗi quốc gia. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, khủng bố tiếp diễn phức tạp; xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới, làm thay đổi môi trường chiến lược và gần đây là phong trào “bất tuân dân sự” có nhiều diễn biến phức tạp. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo diễn ra ngày càng gay gắt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Đặc biệt, nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới cho thấy, mục đích, hình thái chiến tranh, phương thức tiến hành chiến tranh ngày nay đã có nhiều nội dung phát triển mới. Về mục đích chiến tranh đã có thay đổi từ giành dân, chiếm đất, khuất phục, nay chuyển sang lật đổ chính quyền đương nhiệm và chế độ chính trị hiện tại là chủ yếu. Chiến tranh ngày nay vì lợi ích quốc gia, dân tộc không phải chỉ do mâu thuẫn giai cấp, mà nó có thể là do cạnh tranh giữa các nước lớn về siêu cường quân sự; cũng có trường hợp để giải quyết mâu thuẫn bên trong mà đẩy mâu thuẫn đó ra ngoài biên giới. Về không gian chiến tranh cũng mở rộng hơn, trên tất cả các môi trường: Trên không, trên bộ, trên biển, không gian mạng, phổ điện từ, vũ trụ. Ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương không phân biệt rõ ràng, do vũ khí có khả năng đánh xa và khả năng cơ động được nâng cao, nhất là khả năng cơ động đường không. Thời gian chuẩn bị chiến tranh thường dài, thời gian thực hành chiến tranh thường ngắn, nhưng hậu quả chiến tranh rất nặng nề, tổn thất vô cùng lớn về vật chất, tinh thần...Lực lượng tham gia chiến tranh không phải là một nước, mà chủ yếu tập hợp lực lượng đồng minh, hình thành lực lượng liên quân. Ví dụ như cuộc chiến tranh Iraq năm 2003; chiến dịch quân sự của NATO ở Libya; can thiệp của Mỹ và liên quân vào cuộc chiến Syria bắt đầu từ đầu năm 2011. Vũ khí, phương tiện chiến tranh chủ yếu sử dụng vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh, tác chiến điện tử mạnh. Phương thức tiến hành chiến tranh thường là: Tạo cớ để phát động chiến tranh; coi trọng tác chiến “phi đối xứng” (là tác chiến giữa hai bên có sự chênh lệch lớn về tiềm lực quân sự, vũ khí, trang bị công nghệ hiện đại, lực lượng) và tác chiến “phi tiếp xúc” (đánh trả gián tiếp, bên tiến công có thể phá hủy các mục tiêu trên lãnh thổ đối phương mà không cần xâm phạm không phận và lãnh thổ của bên bị tiến công); kết hợp chặt chẽ tiến công từ bên ngoài với bạo loạn lật đổ từ bên trong. Các cuộc chiến tranh gần đây thường vận dụng hình thái chiến tranh ủy nhiệm và hình thái chiến tranh bạo loạn lật đổ quy mô lớn kết hợp can thiệp quân sự nước ngoài. Cùng với các đặc điểm, hình thái chiến tranh đề cập ở trên, thực tế đã xuất hiện phong trào “bất tuân dân sự” nhằm thay đổi chế độ, lật đổ chế độ, như: “Cách mạng cam” ở Ukraine; “Mùa xuân Ả Rập” ở các nước Trung Đông và Bắc Phi những năm đầu thế kỷ 21...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét