Một
là, việc xác định lợi ích quốc gia - dân tộc trong quá trình
hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Lợi ích quốc gia - dân tộc vừa
là cái gốc chi phối mọi quyết định của mỗi quốc gia trong những vấn đề đối nội,
vừa chi phối cách hành xử của quốc gia đó trên trường quốc tế. Chính vì vậy,
đối với các nước, trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối
ngoại, việc xác định lợi ích quốc gia - dân tộc trong các trường hợp cụ thể là
vấn đề không đơn giản, bắt nguồn từ các yếu tố: 1- Sự khác nhau về lợi ích của
các chủ thể tham gia quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại;
2- Sự khác nhau về nhận thức của các chủ thể tham gia quá trình hoạch định và
triển khai chính sách đối ngoại; 3- Các quy định, cách tiếp cận của các cơ quan
tham gia hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại không đồng nhất dẫn đến
cách hiểu, diễn giải và quyết định khác nhau. Những yếu tố này khiến quá trình
xác định và thực hiện bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trong hoạt động đối
ngoại trở nên phức tạp, nhất là khi có sự vận động, tác động của các nhóm lợi
ích. Các nhóm lợi ích có thể dùng các kênh và phương thức khác nhau để tác
động, điều chỉnh hoặc cung cấp thông tin đối với từng vấn đề trong quá trình
xây dựng và thực hiện bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc theo hướng mang lại
lợi ích cho họ. Do đó, giới phân tích cho rằng, việc xác định lợi ích quốc gia
- dân tộc nhấn mạnh tới vai trò của các chủ thể bên trong một nước với những
dạng thức lợi ích khác nhau và thể chế chính trị của nước đó với những đặc thù,
luật pháp quốc tế chi phối.
Hai
là, mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân
tộc và lợi ích quốc tế. Theo học giả người Mỹ Thô-mát Rô-bin-xơn (Thomas W.
Robinson), bên cạnh lợi ích quốc gia - dân tộc còn có các lợi ích quốc tế (lợi
ích song trùng, lợi ích bổ sung, lợi ích xung đột). Lợi ích quốc tế có thể bao
gồm lợi ích chung của tất cả các quốc gia (lợi ích quốc tế toàn cầu) hoặc chỉ
một số quốc gia nhất định (lợi ích quốc tế tập thể). Năm 1950, Liên Xô coi lợi
ích quốc tế giới hạn trong phạm vi là lợi ích chung của khối xã hội chủ nghĩa.
Mỹ coi lợi ích quốc tế bao gồm lợi ích chung của các nước tư bản phương Tây.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, cả Liên Xô và Mỹ đều theo
đuổi bảo vệ lợi ích tập thể hơn lợi ích quốc tế toàn cầu. Chiến tranh lạnh kết
thúc, sự đối đầu quân sự giữa hai khối Đông - Tây chấm dứt. Ngày nay, tầm quan
trọng của lợi ích quốc tế càng được nâng cao và thể hiện rõ nét trong những
thách thức đa dạng mà thế giới nói chung đang phải đối mặt, như các quan hệ về
kinh tế, thương mại, phát triển công nghệ, bảo vệ môi trường, kiểm soát dân số,
thiên tai, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vi phạm quyền con người,
khủng hoảng di cư... Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các
cường quốc diễn ra ngày càng quyết liệt, các quốc gia vừa và nhỏ đều nhận thấy
lợi ích quốc gia - dân tộc chỉ có thể được bảo đảm khi lợi ích chung của cộng
đồng quốc tế được bảo đảm dựa trên luật lệ quốc tế. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận
rõ hơn về tầm quan trọng của lợi ích quốc tế, bởi khi các quốc gia có những lợi
ích chung mới có thể cùng nhau hợp tác, xử lý và giải quyết những vấn đề xung
đột lợi ích.
Ba
là, phương cách, biện pháp tạo dựng sức mạnh
tổng hợp quốc gia để tối ưu hóa lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong lịch sử nhân
loại, có nhiều phương cách tạo dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia, tuy nhiên việc
lựa chọn phương cách nào được cho là phụ thuộc nhiều vào bối cảnh cụ thể và chủ
thuyết chính trị của giới hoạch định chiến lược, cũng như quyết định chính sách
đối ngoại của mỗi quốc gia. Ngày nay, “sức mạnh mềm” ngày càng trở thành một
yếu tố quan trọng trong chiến lược của các quốc gia. Cách tiếp cận và biện pháp
triển khai sức mạnh mềm hợp lý, đúng đối tượng, đúng thời điểm sẽ góp phần gia
tăng sức nặng và tầm ảnh hưởng của các quốc gia trên “bàn cờ” chính trị quốc
tế, cũng như tạo ra sức lôi cuốn và đồng thuận xã hội trong chính nội bộ quốc
gia. Hầu hết các quốc gia đều nhận thấy, việc sử dụng và lạm dụng “sức mạnh
cứng” để giải quyết mâu thuẫn nhằm đạt được mục tiêu nhiều khi không phát huy
được tác dụng, thậm chí còn thất bại, dễ vấp phải sự phản ứng của cộng đồng
quốc tế và đứng trước rủi ro bị cô lập, làm suy giảm vị thế, uy tín, hình ảnh
của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét